Sửa Luật Ngân sách nhà nước, giải quyết kịp thời các vấn đề thực tiễn phát sinh

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, Luật Ngân sách nhà nước 'không sửa không được'. Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) được xây dựng nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, cấp bách trong thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo tại phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo tại phiên họp.

Tăng cường phân cấp, phân quyền

Chiều 28/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Trình bày tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, sau hơn 8 năm thực hiện, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 đã góp phần quan trọng trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước một cách hiệu quả, minh bạch, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, với những thay đổi về kinh tế, xã hội, quốc tế, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần phải được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển, tăng trưởng ở mức 02 con số trong Kỷ nguyên phát triển - Kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.

Theo Bộ trưởng, dự thảo Luật đã sửa đổi, hoàn thiện nhiều nội dung. Trong đó, dự thảo Luật đã bổ sung nguyên tắc ưu tiên bố trí chi ngân sách nhà nước cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; quy định về quỹ thực hiện nhiệm vụ này.

Đồng thời, quy định thêm một số nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước được bố trí từ hai nguồn (chi đầu tư công và chi thường xuyên): Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; chi phí chuẩn bị, phê duyệt dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án, hoạt động quy hoạch.

Dự thảo bổ sung 01 điều về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ trong việc quy định việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm sau; quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng bộ, cơ quan trung ương chi tiết chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên theo từng lĩnh vực và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ quyết định phân bổ chi tiết đối với các khoản chưa phân bổ chi tiết; quyết định sử dụng dự phòng ngân sách trung ương.

Dự thảo cũng bổ sung quy định mới về giao thẩm quyền Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chủ động thực hiện phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Bên cạnh các nội dung trên, dự thảo Luật cũng đã bỏ các quy định liên quan đến số kiểm tra, về kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm; quy định khoản phí do cơ quan nhà nước thu nộp ngân sách nhà nước được khấu trừ các khoản khoán chi phí hoạt động; quy định các nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách. Dự thảo cũng bỏ quy định tổng mức hỗ trợ vốn đầu tư phát triển hằng năm của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương tối đa không vượt quá 30% tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách trung ương...

"Không sửa không được"

Trước một số ý kiến về việc hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10/2025, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, theo kế hoạch, Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi trình vào Kỳ họp tháng 10/2025. Tuy nhiên, thực tiễn có những vấn đề phát sinh cấp bách, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính đẩy sớm lên Kỳ họp tháng 5/2025.

Vừa qua, các nghị quyết, kết luận của Đảng cũng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo tập trung sửa đổi, bổ sung các luật, trong đó có Luật Ngân sách nhà nước để trình Quốc hội xem xét biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 theo kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội.

Theo Bộ trưởng, thực tiễn hiện nay cho thấy "không sửa không được". Liên quan đến Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Bộ Chính trị chỉ đạo Chính phủ trình Quốc hội sửa tất cả các luật liên quan đến vấn đề này. Bộ Chính trị cũng chỉ đạo sắp xếp lại bộ máy hành chính địa phương từ 3 cấp còn 2 cấp, hoạt động ngay từ ngày 1/7/2025. Do đó, phải sửa luật này để điều chỉnh dự toán ngân sách theo mô hình chính quyền mới.

"Dù áp lực nhưng Bộ Tài chính đã nỗ lực, cố gắng đáp ứng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Bộ Tài chính sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế và Tài chính để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật đảm bảo chất lượng cao nhất", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ dự án của Chính phủ và thống nhất quan điểm xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về ngân sách nhà nước; đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, tăng tính chủ động của ngân sách địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội đúng tiến độ, chất lượng.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/sua-luat-ngan-sach-nha-nuoc-giai-quyet-kip-thoi-cac-van-de-thuc-tien-phat-sinh.html
Zalo