Bế mạc Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chiều nay, 28.4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 44.

Kỳ họp đặc biệt, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong tổ chức bộ máy

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, sau 9 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành 48 nhóm nội dung, trong đó có nội dung sửa đổi Hiến pháp, 24 dự án luật và 11 dự thảo nghị quyết. Đây là phiên họp có số lượng nội dung nhiều nhất từ trước đến nay.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc. Ảnh: Hồ Long

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc. Ảnh: Hồ Long

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Chính phủ trong việc chuẩn bị tài liệu, nội dung để bảo đảm chuyển qua Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau phiên họp này, Chính phủ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan làm việc một cách khẩn trương, liên tục để chuẩn bị các nội dung còn lại, nhất là các dự án luật còn ý kiến khác nhau, bảo đảm đầy đủ tài liệu.

Do khối lượng công việc rất lớn, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chủ động, nỗ lực cao hơn nữa, trao đổi, thảo luận một cách kỹ lưỡng để bảo đảm chất lượng các dự án luật trình Kỳ họp. Văn phòng Quốc hội phối hợp với các cơ quan và TP. Hà Nội để chuẩn bị các điều kiện phục vụ Kỳ họp thứ Chín dự kiến diễn ra trong 37 ngày, khai mạc vào ngày 5.5 và bế mạc vào ngày 30.6.

Cho biết, Quốc hội đang đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số khi cải tiến, bổ sung nhiều tính năng mới cho App Quốc hội 2.0 và sử dụng một số trợ lý ảo, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, Kỳ họp thứ Chín tới đây đánh dấu bước đầu của Quốc hội số và đổi mới trong nội dung của App Quốc hội 2.0.

Nhấn mạnh Kỳ họp thứ Chín sẽ là một kỳ họp đặc biệt, không chỉ về quy mô thời gian và nội dung, mà còn mang ý nghĩa chính trị - pháp lý rất lớn, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong tổ chức bộ máy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, bảo đảm chất lượng các nội dung trình tại Kỳ họp nhằm đạt được sự đồng thuận cao nhất, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII.

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, tăng cường tính chủ động cho ngân sách địa phương

Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, tiếp tục chương trình phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Trình bày Tờ trình dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, dự thảo Luật gồm 7 chương, 76 điều. Theo đó, quy định về lập, chấp hành, kiểm toán, quyết toán, công khai, giám sát ngân sách nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực ngân sách nhà nước.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Dự thảo Luật quy định mức dư nợ vay của chính quyền địa phương thu gọn từ 3 nhóm địa phương xuống còn 2 nhóm địa phương và nâng mức dư nợ vay so với quy định hiện hành; bổ sung nguyên tắc ưu tiên bố trí chi ngân sách nhà nước cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; quy định về quỹ thực hiện nhiệm vụ này.

Dự thảo Luật cũng bổ sung 1 điều về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ quy định việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm sau; thay đổi căn bản phương thức phân chia các khoản thu phân chia thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường. Bổ sung quy định dự phòng ngân sách được bố trí từ nguồn tăng thu và dự toán chi còn lại của cấp ngân sách...

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nêu rõ, dự thảo Luật bổ sung quy định về quỹ thực hiện nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và bỏ quy định về điều kiện hỗ trợ vốn điều lệ khi Quỹ “có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước”; bỏ quy định “không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các Quỹ”.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật. Ảnh: Hồ Long

Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị giữ nguyên các nguyên tắc theo quy định hiện hành (không cấp kinh phí hoạt động và có điều kiện khi bổ sung vốn điều lệ cho các Quỹ theo quy định hiện hành). Để thực hiện chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, chỉ bổ sung quy định về bố trí kinh phí (bao gồm hỗ trợ vốn điều lệ và kinh phí hoạt động) và không gắn với điều kiện khi cấp bổ sung vốn điều lệ phải “có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước” cho các quỹ thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Về dự phòng ngân sách nhà nước (Điều 10), Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ bổ sung các nhiệm vụ chi từ nguồn dự phòng ngân sách nhà nước đối với chi dự trữ quốc gia; nhiệm vụ đối ngoại đột xuất, cấp bách của Nhà nước chia sẻ phần giảm doanh thu đối với các dự toán đầu tư theo phương thức đối tác công tư để bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Dự trữ quốc gia.

Riêng đối với bố trí cho các nhiệm vụ cần thiết khác đã bố trí dự toán nhưng chưa đủ, thì đề nghị cân nhắc, vì việc điều chỉnh dự toán, bổ sung dự toán đã được quy định tại luật này và đã có quy trình, trình tự, thẩm quyền để thực hiện bổ sung dự toán, điều chỉnh dự toán cho các nhiệm vụ bố trí dự toán chưa đủ.

Bên cạnh đó, đa số ý kiến cho rằng, việc tăng mức dự phòng lên tối đa 5% là chưa phù hợp, do đó, đề nghị giữ như quy định của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật và quá trình thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế và Tài chính, các cơ quan của Quốc hội.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan, trong đó, lưu ý tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về ngân sách; bảo đảm quy định của luật tuân thủ Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với các luật và nghị quyết do Quốc hội ban hành. Đồng thời, rà soát quy định về áp dụng luật, điều khoản thi hành để bảo đảm tính khả thi, không vướng mắc và phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, việc sửa đổi Luật cần bảo đảm tháo gỡ, giải quyết được các khó khăn, vướng mắc hiện nay, tạo đột phá tháo gỡ các điểm nghẽn phục vụ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra; bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, tăng cường tính chủ động cho ngân sách địa phương gắn với phân cấp nhiệm vụ và trách nhiệm của các cấp chính quyền; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/be-mac-phien-hop-thu-44-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-post411778.html
Zalo