Sửa Luật Đầu tư công: Cân nhắc việc chuyển quyết định chủ trương đầu tư từ HĐND sang UBND cùng cấp

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 6-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) trình tại kỳ họp lần này đã hiện thực hóa được những chủ trương tại Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao cho địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm.

Dự thảo luật đã nghiên cứu tháo gỡ được những vấn đề lâu nay đang vướng mắc trong thực tiễn triển khai hoạt động đầu tư công từ các quy định của Luật Đầu tư công hiện hành hoặc do việc quy định tạo ra cách hiểu, cách tiếp cận khác nhau trong tổ chức triển khai thực hiện luật, để thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư công.

 Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Ảnh: TRỌNG HẢI

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Ảnh: TRỌNG HẢI

Việc chuyển thẩm quyền từ HĐND sang UBND là thay đổi lớn

Góp ý vào những nội dung cụ thể, đề cập đến tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia (Điều 8), đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn Quảng Bình) cho biết, dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đưa ra 5 tiêu chí phân loại công trình quan trọng quốc gia, trong đó, đề xuất nâng tiêu chí về vốn của dự án đầu tư công.

Đại biểu nhận thấy, quy mô dự án như hiện hành cũng thực hiện từ năm 2015, đến nay việc điều chỉnh tăng mức vốn đầu tư cho các dự án là cần thiết. Tuy nhiên, cần có sự đánh giá cụ thể, đưa ra cơ sở cho việc tăng mức vốn đầu tư của dự án để đạt tiêu chí quan trọng quốc gia. Đồng thời, cần đánh giá tác động chính sách lên hệ thống các dự án đang triển khai cũng như bối cảnh phát triển của từng địa phương để xác định tiêu chí phù hợp.

Đáng chú ý, việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý từ HĐND cho UBND cùng cấp (điều 18) là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.

Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng, việc chuyển thẩm quyền từ HĐND (cơ quan dân cử) sang UBND (cơ quan quản lý nhà nước) như dự thảo là thay đổi lớn, cần có nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ, toàn diện.

“HĐND là các cơ quan quyết định về ngân sách, cơ quan quyền lực nhà nước và thực hiện quyền giám sát nên việc HĐND quyết định chủ trương đầu tư, sau đó Chủ tịch UBND quyết định đầu tư là một quy trình chặt chẽ; một biện pháp để kiểm soát quyền lực như luật hiện hành là phù hợp”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga phát biểu. Ảnh: Trọng Hải

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga phát biểu. Ảnh: Trọng Hải

Hơn nữa, còn trong trường hợp HĐND địa phương thấy có những dự án cần phân cấp, ủy quyền lại cho UBND thì Khoản 7 Điều 17 Luật Đầu tư công hiện hành đã quy định về trường hợp cần thiết “HĐND có thể giao UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư”.

“Quy định như vậy cũng đã mở, mềm dẻo, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển, khả năng tài chính cũng như đặc điểm cụ thể của địa phương. Chúng tôi cho rằng việc quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư thì nên cho 2 cơ quan khác nhau thực hiện để bảo đảm tính giám sát và tính kiểm soát quyền lực", đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga nói và đề nghị giữ thẩm quyền này của HĐND như luật hiện hành.

Việc thông qua HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư là một cơ chế kiểm soát quyền lực

Cùng chung mối quan tâm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) đề nghị cân nhắc việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư từ HĐND cho Chủ tịch UBND cùng cấp.

“HĐND các cấp tổ chức họp khá thường xuyên và có thể tổ chức họp bất thường, khi cần thiết. Do vậy, không mất thời gian chờ đợi nếu phải trình qua HĐND phê duyệt”, đại biểu nói.

 Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu. Ảnh: Trọng Hải

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu. Ảnh: Trọng Hải

Tất nhiên, theo đại biểu, nếu trình qua HĐND phê duyệt thì dự án buộc phải chuẩn bị kỹ hơn, lấy ý kiến của nhiều cơ quan ban ngành có liên quan, nên sẽ mất thời gian hơn là trình thẳng cho Chủ tịch UBND phê duyệt. Tuy nhiên, việc dự án phải lấy ý kiến tham gia của nhiều cơ quan ban ngành thì sẽ được đánh giá, xem xét kỹ hơn, chuẩn bị tốt hơn, từ đó sẽ bảo đảm khi triển khai và mang lại hiệu tốt quả hơn.

Cùng với đó, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, việc thông qua HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư là một cơ chế kiểm soát quyền lực, tạo sự độc lập giữa cơ quan quyết định chủ trương đầu tư với người phê duyệt dự án đầu tư, để tránh những nguy cơ mắc phải những sai phạm, giảm gánh nặng trách nhiệm cho người phê duyệt dự án.

Thêm vào đó, khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, thì đồng thời cũng quyết định luôn những cơ chế đặc thù dành riêng cho dự án. Do vậy, khi HĐND các cấp quyết định chủ trương đầu tư cũng sẽ quyết định luôn những cơ chế để giải quyết những vấn đề vướng mắc, giúp dự án được triển khai thuận lợi hơn….

Từ đó, đại biểu TP Hà Nội đề xuất quy định HĐND các cấp có thể ủy quyền cho UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư các dự thuộc thẩm quyền để phù hợp với điều kiện của từng địa phương...

THẢO PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/sua-luat-dau-tu-cong-can-nhac-viec-chuyen-quyet-dinh-chu-truong-dau-tu-tu-hdnd-sang-ubnd-cung-cap-801840
Zalo