Nghiên cứu rút ngắn thời gian, trình tự thủ tục quyết định chương trình, dự án đầu tư công

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 6/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Đại biểu Bế Minh Đức, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có nhiều đề xuất nhằm hoàn thiện các quy định trong dự thảo luật.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bế Minh Đức phát biểu thảo luận hoàn thiện Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bế Minh Đức phát biểu thảo luận hoàn thiện Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Đại biểu Bế Minh Đức nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Đầu tư công (sửa đổi) tạo thuận lợi, đột phá trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư công. Đại biểu cho biết, tại khoản 1, Điều 5 dự thảo luật đã bổ sung quy định trường hợp thật sự cần thiết tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án. Đại biểu nhất trí với việc bổ sung quy định này nhằm tạo thuận lợi, hiệu quả cho các cấp chính quyền ở địa phương trong triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, Chính phủ cần nghiên cứu, có quy định chi tiết về trình tự, thủ tục chặt chẽ để tránh việc lạm dụng, làm sai với mục tiêu và phạm vi dự án.

Đối với các hành vi bị nghiêm cấm, tại khoản 2, Điều 17, đại biểu đề nghị bỏ quy định cấm: “… quyết định đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh chương trình, dự án không đúng với các nội dung về mục tiêu, địa điểm, cơ cấu nguồn vốn, vượt tổng mức đầu tư trong chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định”.Đại biểu cho rằng, dự thảo luật đang sửa theo hướng phân cấp, giao quyền mạnh mẽ trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, tạo điều kiện khơi thông nguồn lực nhanh hơn, hiệu quả hơn, do đó không nên bó buộc thẩm quyền quyết định đầu tư và điều chỉnh chương trình, dự án. Quy định này không phù hợp với chủ trương tạo sự linh hoạt, chủ động cho các cấp, ngành, địa phương trong quản lý, điều hành đầu tư công, không phù hợp nguyên tắc cấp nào quản lý chương trình, dự án thì cấp đó chịu trách nhiệm về các nội dung liên quan trong quá trình thực hiện.Mặt khác, quy định này của dự thảo luật cũng không phù hợp với điểm c, khoản 1, Điều 47 quy định việc điều chỉnh chương trình, dự án được thực hiện trong trường hợp “do nguyên nhân bất khả kháng làm thay đổi về mục tiêu, phạm vi, chi phí và thời gian thực hiện chương trình”.

Về hồ sơ, nội dung, thời gian thẩm định, quyết định chương trình, dự án, căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 49, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, rút ngắn thời gian, trình tự, thủ tục quyết định chương trình, dự án đầu tư công phù hợp. Cùng với đó, nghiên cứu các Điều 19, Điều 21 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP, ngày 6/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư và thực tế triển khai cho thấy để thực hiện theo trình tự đầu tư công thì không quá 130 ngày mới quyết định được chương trình đầu tư công; không quá 120 ngày mới quyết định đầu tư được dự án nhóm A; không quá 80 ngày mới quyết định được dự án nhóm B, C,vì những quy định như trên là quá dài, làm chậm tiến độ triển khai các chương trình, dự án. Do vậy, cần rút ngắn quy định thời gian thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình, dự án và thực hiện phân cấp phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt đầu tư chương trình, dự án theo từng nhóm, loại dự án cho chính quyền địa phương để các chương trình, dự án được triển khai kịp thời, hiệu quả hơn. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung các chế tài xử lý đối với các cơ quan, đơn vị chậm giải quyết các khâu trong thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt đầu tư dự án tại Điều 107 Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Lê Điệp

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nghien-cuu-rut-ngan-thoi-gian-trinh-tu-thu-tuc-quyet-dinh-chuong-trinh-du-an-dau-tu-cong-3173361.html
Zalo