Sửa Luật Đấu thầu: Cần làm rõ ranh giới giữa tự chủ và bắt buộc đấu thầu

Chiều 23/5, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc với nội dung thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật quan trọng, trong đó có Luật Đấu thầu. Nhiều đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn góp ý nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật, tháo gỡ những vướng mắc thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực đấu thầu - một lĩnh vực có tác động lớn tới hiệu quả đầu tư công và môi trường kinh doanh.

Đảm bảo công khai, minh bạch và phù hợp thực tiễn

Nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình với việc dự thảo luật lần này đã có những điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động mua sắm. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng vẫn còn tồn tại những điểm chưa đồng bộ, cần tiếp tục làm rõ.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nêu rõ vướng mắc trong quy định tại khoản 2 điều 3, theo đó cho phép tổ chức được tự quyết định mua sắm mà không thực sự nhất quán với điều 23 quy định các trường hợp phải đấu thầu. “Nếu tổ chức được giao quyền tự chủ, vậy có được áp dụng hình thức chỉ định thầu hay không? Cần quy định rõ giới hạn giữa quyền tự chủ và nghĩa vụ phải đấu thầu, đồng thời xác định rõ tiêu chí định lượng để áp dụng cho từng loại gói thầu”, đại biểu Thông nhấn mạnh.

Về các hình thức lựa chọn nhà thầu, đại biểu Thông cũng đề nghị cần loại bỏ những hình thức chồng chéo, giao thoa không cần thiết và bổ sung các tiêu chí đánh giá rõ ràng, cụ thể để bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả trong áp dụng thực tiễn.

Đại biểu Trần Tuấn Anh (đoàn TP Hồ Chí Minh) tiếp tục làm rõ thêm về yêu cầu “công khai, minh bạch” trong đấu thầu, nhất là trong các hình thức như chỉ định thầu hay chào hàng cạnh tranh. Theo ông, cần có hướng dẫn cụ thể về mức độ công khai - công khai trong nội bộ doanh nghiệp, hay công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng?

Đại biểu cũng cho rằng, với các gói thầu có tính cấp bách như quốc phòng, an ninh, thiên tai, dịch bệnh, thời gian hoàn tất thủ tục kéo dài 3-4 tháng là không phù hợp. Do đó, cần bổ sung yếu tố “tính cấp bách” vào điều kiện được chỉ định thầu nhằm kịp thời ứng phó với tình huống khẩn cấp.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) tán thành với 9 hình thức lựa chọn nhà thầu trong dự thảo luật, song đề xuất bổ sung thêm hình thức “chào giá trực tuyến” để thống nhất với quy định tại Nghị định 24 của Chính phủ. Việc không bổ sung sẽ dẫn đến bất cập và thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Tạo điều kiện cho công nghệ cao, sản phẩm sáng tạo “nội địa”

Một điểm mới được quan tâm trong dự thảo luật là các quy định khuyến khích đấu thầu các sản phẩm sáng tạo, công nghệ cao xuất xứ từ Việt Nam. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cho rằng cần làm rõ hơn khái niệm và tiêu chí xác định hàng hóa “xuất xứ Việt Nam” để đảm bảo sự thống nhất và tránh hiểu nhầm khi triển khai thực tế.

Đại biểu Nhi cũng đề xuất mở rộng đấu thầu rộng rãi cho một số lĩnh vực ưu tiên phát triển, kể cả với những gói thầu xây lắp quy mô lớn, nhằm tăng tính cạnh tranh, sàng lọc nhà thầu yếu kém và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông)

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông)

Trong khi đó, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) bày tỏ băn khoăn về đề xuất cho phép các nhà thầu thuộc nhóm doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo được miễn chứng minh năng lực tài chính, kinh nghiệm khi tham gia đấu thầu. “Nếu không có quy định rõ ràng, có thể dẫn đến tình trạng nhà thầu ảo. Nếu giữ nguyên quy định thì cần cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện dự án từ nguồn nhà nước hoặc tín dụng,” ông đề xuất.

Ngoài các vấn đề kỹ thuật, nhiều đại biểu cũng đề nghị bổ sung các quy định ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp của thanh niên, phụ nữ, người dân vùng sâu, vùng xa, cũng như lĩnh vực văn hóa, thể thao - những lĩnh vực thường gặp khó trong tiếp cận đấu thầu công.

Một điểm đáng chú ý nữa là đề xuất siết chặt chế tài xử lý các hành vi tiêu cực trong đấu thầu như bỏ thầu, thông đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Đây là yêu cầu cấp thiết nhằm khắc phục những tồn tại kéo dài, bảo vệ sự công bằng và minh bạch của môi trường đấu thầu công.

Việc sửa đổi Luật Đấu thầu lần này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong thực tiễn, thúc đẩy hiệu quả đầu tư, tăng cường minh bạch và tạo điều kiện cho các lĩnh vực đổi mới, sáng tạo phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Huy Tùng

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/sua-luat-dau-thau-can-lam-ro-ranh-gioi-giua-tu-chu-va-bat-buoc-dau-thau-727919.html
Zalo