Tìm giải pháp phát triển bền vững cho ngành hàng sầu riêng

Chiều 24-5, tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực chế biến và kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đánh giá, sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản có tốc độ tăng trưởng mạnh trong thời gian qua, với diện tích trồng cả nước đạt gần 180.000ha, riêng Đắk Lắk hơn 30.000ha. Tuy nhiên, Bộ trưởng cảnh báo về những rủi ro từ phát triển nóng, đặc biệt là các dấu hiệu bất ổn trong 4 tháng đầu năm 2025, do mất cân đối giữa tốc độ mở rộng sản xuất và khả năng tổ chức chuỗi cung ứng, cũng như giữa yêu cầu kiểm soát chất lượng của thị trường nhập khẩu và năng lực đáp ứng trong nước.

Trước thực trạng này, Bộ trưởng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nhận diện rõ nguy cơ tiềm ẩn trong công tác quản lý vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng đề nghị cần xây dựng chiến lược dài hạn cho ngành hàng, tập trung vào phát triển thị trường tiêu thụ mới, đầu tư vào chế biến sâu và từng bước đưa sầu riêng Việt Nam thành thương hiệu quốc gia…

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường phát biểu tại hội nghị

Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt thông tin, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc trong năm 2025 giảm 71,3% về sản lượng và 74% về kim ngạch do thị trường này siết chặt các tiêu chuẩn kỹ thuật. Theo đó, sầu riêng phải được cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; không nhiễm sinh vật gây hại; đảm bảo an toàn thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng hay chất cấm. Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp như mô hình kiểm soát cadmium, tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp, rà soát và khôi phục mã số vùng trồng bị vi phạm, phối hợp với Trung Quốc tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục kỹ thuật.

 Cục trưởng Cục Trồng trọt và BVTV (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Huỳnh Tấn Đạt cho biết, năm 2025, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc giảm sút 71,3% về sản lượng và 74% về kim ngạch

Cục trưởng Cục Trồng trọt và BVTV (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Huỳnh Tấn Đạt cho biết, năm 2025, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc giảm sút 71,3% về sản lượng và 74% về kim ngạch

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp, địa phương kiến nghị Bộ sớm ban hành chế tài xử lý vi phạm mã số vùng trồng, tiêu chuẩn chất lượng trái cây và quy trình thiết lập, quản lý mã số.

Đại diện Công ty CP Sầu riêng Tây Nguyên (Sarita) đề nghị tăng cường kiểm soát cơ sở đóng gói nhằm ngăn chặn tình trạng hàng không đủ điều kiện vẫn được xuất khẩu, ảnh hưởng đến uy tín ngành.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp đề xuất sớm hoàn thiện hệ thống cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh, cấp xã để thực hiện nhiệm vụ thiết lập, giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói; Sớm ban hành tiêu chuẩn chất lượng trái cây Việt Nam nhằm đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn xuất khẩu.

 Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Về vấn đề này, Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, đặt ra yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt đối với cả vùng trồng và cơ sở đóng gói, từ điều kiện canh tác, ghi chép truy xuất đến kiểm soát an toàn thực phẩm và sinh vật gây hại.

 Người dân huyện Krông Pắk thu hoạch sầu riêng

Người dân huyện Krông Pắk thu hoạch sầu riêng

Tin vui được Bộ trưởng Đỗ Đức Duy thông báo tại hội nghị là ngày 21-5 vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức công nhận thêm 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam. Đây là kết quả của quá trình chủ động xây dựng quy trình, hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật theo yêu cầu đối tác.

 Bộ trưởng Đỗ Đức Duy thăm vườn sầu riêng ở huyện Krông Pắk

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy thăm vườn sầu riêng ở huyện Krông Pắk

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị khẩn trương rà soát lại quy hoạch vùng trồng phù hợp, tránh tình trạng phát triển tự phát, lạm dụng đất rừng và đất dốc, ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái. Bộ trưởng yêu cầu quản lý nghiêm ngặt quy hoạch, không để việc phát triển "nóng" làm tổn hại đến cân bằng sinh thái và an toàn sản xuất. Để ngành sầu riêng phát triển ổn định và bền vững, Bộ trưởng nhấn mạnh cần hỗ trợ doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết khép kín, đầu tư kho lạnh, trung tâm logistics, cơ sở sơ chế hiện đại – yếu tố then chốt giúp nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế.

MAI CƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tim-giai-phap-phat-trien-ben-vung-cho-nganh-hang-sau-rieng-post796646.html
Zalo