Sữa giả, kẹo Kera và lỗ hổng chính sách trong quản lý thực phẩm chức năng

Số liệu từ Hiệp hội Thực phẩm chức năng (hay còn gọi là thực phảm bổ trợ) Việt Nam cho thấy quy mô thị trường này đã vượt mốc 700 triệu USD từ năm 2023 và được dự báo đạt xấp xỉ 2 tỷ USD vào năm 2030. Đây chính là 'đất' để sữa giả, kẹo Kera bám vào, phát triển.

Thị trường thực phẩm chức năng hứa hẹn đạt mốc tỷ USD

Trong bối cảnh dân số già hóa, thu nhập tăng, ý thức chăm sóc sức khỏe cao hơn sau đại dịch, người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều hơn cho các sản phẩm thực phẩm chức năng, sữa được gắn mác “tăng đề kháng”, “giảm mỡ máu”, “tốt cho xương khớp”… Nhưng chính sách pháp luật không theo kịp tốc độ của thị trường. Việc cấp phép công bố sản phẩm dễ dàng, thủ tục đơn giản, trong khi công tác hậu kiểm gần như “thả nổi” khiến nhiều doanh nghiệp lợi dụng để đưa hàng kém chất lượng, hàng giả ra thị trường.

Chi phí sản xuất một sản phẩm thực phẩm chức năng dạng viên nang chỉ khoảng 5.000 - 10.000 đồng, nhưng có thể được bán với giá gấp 10 - 30 lần, thậm chí hàng trăm lần, nếu đi kèm các cam kết nghe có vẻ y học, và một chiến dịch truyền thông mạnh. Lợi nhuận “phi mã” đang đẩy không ít doanh nghiệp vào cuộc chơi rủi ro, sẵn sàng pha chế nguyên liệu rẻ tiền, gắn mác nhập ngoại, thuê KOLs quảng cáo công dụng như thuốc chữa bệnh. Vụ việc “kẹo Kera” là một ví dụ điển hình. Chỉ là kẹo ngậm có hương liệu tổng hợp nhưng lại được quảng cáo như sản phẩm sinh học hỗ trợ mọc tóc, cân bằng nội tiết tố. Với mức giá từ 350.000 - 490.000 đồng/hộp, doanh thu của doanh nghiệp này ước đạt hàng chục tỷ đồng mỗi tháng, chưa tính các đại lý cấp 1, 2 phân phối. Các loại sữa cũng được quảng bá "chữa tự kỷ", "tăng chiều cao" khiến người tiêu dùng vội vã móc túi. Sản phẩm được quảng cáo, quảng bá sai sự thật nhưng tiêu thụ rộng khắp là minh chứng cho một thị trường thiếu cơ chế sàng lọc.

600 nhãn sữa giả - cơ quan nào thực sự là đơn vị quản lý?

600 nhãn sữa giả - cơ quan nào thực sự là đơn vị quản lý?

Thị trường càng lớn, quản lý càng phải bài bản

Hiện nay, thực phẩm chức năng vẫn đang được coi là một nhánh phụ của ngành thực phẩm chứ không được xếp vào lĩnh vực có nguy cơ rủi ro y tế và tác động dài hạn đến hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Việc quản lý giao thoa giữa Bộ Y tế, Bộ Công Thương… không có đầu mối rõ ràng, dẫn đến “cha chung không ai khóc”. Quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội, chốt đơn qua livestream, giao hàng toàn quốc, và phần lớn thanh toán không qua hóa đơn khiến cơ quan thuế khó kiểm soát được doanh thu thật và dòng tiền ảo của các doanh nghiệp kinh doanh sai phạm.

Để kiểm soát được thị trường thực phẩm bổ trợ trị giá hàng tỷ USD, đã đến lúc cần một chiến lược tổng thể với những điều chỉnh chính sách cụ thể như xây dựng khung pháp lý riêng cho thực phẩm chức năng, với yêu cầu kiểm nghiệm thành phần rõ ràng, công bố tác dụng dựa trên bằng chứng khoa học và chế tài nghiêm khắc khi sai phạm - tương tự như quản lý thuốc. Tăng cường kiểm tra, hậu kiểm bắt buộc, định kỳ và công bố công khai danh sách các sản phẩm vi phạm để tạo sức ép thị trường. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử bắt buộc gắn với mã QR xác thực, cho phép người tiêu dùng tra cứu nhanh. Truy cứu trách nhiệm pháp lý với các cá nhân, tổ chức quảng cáo sai sự thật, kể cả KOLs, đơn vị tiếp thị, nhà phân phối. Chuyển đổi sang mô hình quản lý theo rủi ro, tập trung vào nhóm sản phẩm có nguy cơ cao (giảm cân, nội tiết, sinh lý, làm đẹp...) thay vì dàn trải.

Thị trường càng lớn, luật chơi càng phải rõ. Những “kẹo Kera”, và kể cả sữa giả, sẽ còn xuất hiện nếu còn vùng trũng chính sách. Cần có hệ thống luật pháp, công cụ chính sách hữu hiệu, bắt đầu từ nhận thức thực phẩm chức năng không chỉ là hàng hóa. Và, cần loại bỏ ngay những đoạn quảng cáo kết thúc bằng câu đọc nhanh đọc vội đến khó nghe, kiểu như “…đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”.

Thu Thùy/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/sua-gia-keo-kera-va-lo-hong-chinh-sach-trong-quan-ly-thuc-pham-chuc-nang-post1192606.vov
Zalo