Sửa 7 luật: Ưu đãi công nghệ số, thúc đẩy đầu tư
Sáng 17/5, dự thảo luật sửa đổi của 7 luật quan trọng được trình Quốc hội với điểm nhấn là mở rộng ưu đãi cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức khoa học công nghệ, sản phẩm công nghệ số.
Ngày 17/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, đã trình Quốc hội dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật quan trọng gồm: Luật Đấu thầu; Luật PPP; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Dự thảo nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy đầu tư, phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của dự thảo là việc sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức khoa học công nghệ, và các sản phẩm công nghệ số. Theo đó, những chủ thể này sẽ được cộng điểm, cộng tiền khi đánh giá năng lực nhà thầu. Dự thảo cũng mở rộng phạm vi chỉ định thầu, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính như bãi bỏ khâu thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, đơn giản hóa quy trình đấu thầu qua mạng… nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn, cấp bách.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.
Tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết cơ quan thẩm tra đồng thuận cao với đề xuất sửa đổi. Ông nhấn mạnh việc điều chỉnh luật cần tập trung vào các nội dung cấp bách, tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư công, PPP và đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Mục tiêu là tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp, đồng thời vẫn bảo đảm nguyên tắc quản lý chặt chẽ, minh bạch và có cơ chế hậu kiểm hiệu quả.
Với Luật PPP, dự thảo mở rộng phạm vi áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án nâng cấp công trình hiện có, đồng thời cho phép chỉ định nhà đầu tư trong các lĩnh vực hạ tầng số, khoa học công nghệ. Nhiều thủ tục hành chính sẽ được rút gọn, thời gian thực hiện dự án được rút ngắn đáng kể. Quyền quyết định, phê duyệt dự án cũng sẽ được phân cấp mạnh hơn cho các bộ, ngành và địa phương.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội đề nghị cần đánh giá kỹ tác động việc bãi bỏ quy định cấm thu phí trực tiếp từ người dùng trong các dự án PPP, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi.
Đối với Luật Đầu tư công, dự thảo đề xuất bổ sung chính sách đặc biệt và nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, đồng thời tăng cường phân cấp trong quản lý. Ủy ban thẩm tra đồng ý với định hướng này, nhưng đề nghị rà soát kỹ để tránh làm giảm tính minh bạch và gây khó khăn trong cân đối ngân sách.
Trong lĩnh vực hải quan và thuế, các đề xuất sửa đổi cũng tập trung ưu tiên phát triển công nghệ và chuyển đổi số. Cụ thể, Luật Hải quan được bổ sung điều kiện ưu tiên cho doanh nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn. Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất bổ sung quy định về thủ tục xuất khẩu tại chỗ – một hoạt động đang có nhiều vướng mắc trong thực tiễn.
Dự thảo sửa đổi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đề xuất mở rộng đối tượng được miễn thuế đối với hàng hóa phục vụ phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Các mặt hàng bao gồm máy móc, thiết bị chuyên dùng và nguyên vật liệu tạo tài sản cố định – những yếu tố đầu vào thiết yếu cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ủy ban Kinh tế - Tài chính Quốc hội nhất trí với định hướng khuyến khích công nghệ số và chuyển đổi số, nhưng đề nghị tăng cường cơ chế giám sát, hậu kiểm và kiểm soát rủi ro để tránh bị lợi dụng chính sách.
Dự thảo luật lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra một khuôn khổ pháp lý linh hoạt, phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn chuyển đổi số. Những sửa đổi có trọng tâm và có chọn lọc sẽ không chỉ giúp tăng hiệu quả đầu tư công, mà còn là động lực thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo – các nhân tố then chốt cho tăng trưởng bền vững trong giai đoạn tới.
Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các nội dung sửa đổi để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới.