Liên kết chuỗi sản xuất bền vững: Thắp sáng hy vọng cho bà con vùng cao Điện Biên

Điện Biên - vùng đất Tây Bắc hùng vĩ, nơi những thửa ruộng bậc thang ôm lấy núi rừng. Bao đời nay, bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây sống dựa vào nương rẫy, trồng lúa, ngô theo cách truyền thống, nhưng cuộc sống ấy không dễ dàng khi thiên nhiên khắc nghiệt, đất đai khó canh tác, và cách làm nông thủ công khiến đời sống bà con luôn chật vật.

Thực tế, với sự quyết tâm đồng lòng từ chính quyền địa phương các cấp, người dân và doanh nghiệp, những năm gần đây, nhiều cây trồng chủ lực đã mang lại thành quả lớn. Từ những nương rẫy khó khăn, Điện Biên đã trở thành điểm sáng vùng cao nhờ phát triển cây trồng chủ lực. Công nghệ và sự đồng lòng đã mở ra tương lai bền vững, nơi bà con không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Nhận thấy tiềm năng của việc phát triển cây cà phê tạo công ăn việc làm, nâng cao kinh tế cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số người Mông, xã Tênh Phông, Hợp tác xã cà phê bền vững Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, Điện Biên cùng người dân nơi đây đã tiên phong nghiên cứu và trồng thử nghiệm với mong ước biến mảnh đất cằn cỗi nơi đây ươm mầm cho sự sống mới.

Sau nhiều năm ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao trong trồng trọt, đến nay, những vạt đất trống đồi trọc nơi đây đã dần được phủ bởi sắc xanh của cây cà phê. Những tia hy vọng cũng bắt đầu sáng lên trong niềm tin, hy vọng của những người dân đồng bào Mông giữa lưng chừng núi cao Tây Bắc.

Đặc biệt, để bà con an tâm sản xuất, hướng tới xây dựng chuỗi liên kết từ việc phát triển vùng trồng nguyên liệu, gắn với việc bao tiêu vùng nguyên liệu một cách bền vững, Hợp tác xã cà phê bền vững Tênh Phông đã phối hợp với Công ty CP cà phê quốc tế Hồng Kỳ, Điện Biên cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con trên địa bàn. Cùng nhau, họ đã tạo ra một làn sóng thay đổi tích cực, từng bước góp phần mang lại sự thịnh vượng cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Từ những hạt cà-phê tuyển chọn được trồng ở độ cao hàng nghìn mét với khí hậu ưu đãi, kết hợp với công nghệ sản xuất hiện đại đã giúp Hồng Kỳ International Coffee tạo ra nhiều sản phẩm cà phê mang đậm hương vị đặc trưng của vùng Tây Bắc.

Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cà-phê, ngoài Tuần Giáo, Công ty cổ phần Cà-phê Hồng Kỳ quốc tế đã liên kết với người dân xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất tại huyện Mường Ảng. Đồng thời đầu tư hệ thống máy móc hiện đại để thực hiện quy trình sản xuất bảo đảm chất lượng, từ khâu làm sạch nguyên liệu, rang xay và đóng gói; đầu tư bao bì, nhãn mác, đến tem truy xuất. Hiện, nhiều sản phẩm cà phê của Hồng Kỳ International Coffee đã có mặt trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận như sản phẩm cà phê bột rang xay pha phin, cà phê rang nguyên hạt, cà phê hòa tan và cà phê nhân nguyên liệu.

Nhờ cây cà phê, đời sống của bà con dân tộc thiểu số tại huyện Tuần Giáo, Điện Biên ngày càng khởi sắc

Nhờ cây cà phê, đời sống của bà con dân tộc thiểu số tại huyện Tuần Giáo, Điện Biên ngày càng khởi sắc

Theo UBND huyện Tuần Giáo, cây cà phê đã được trồng tại huyện Tuần Giáo từ những năm 2000. Qua nhiều giai đoạn phát triển, cây cà phê đã khẳng định sự phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của huyện và có tiềm năng phát triển, năng suất trung bình 7-8 tấn quả tươi/ha (sản lượng bình quân đạt 4.000 tấn quả tươi/năm). Theo đó, huyện xác định, ngoài cây mắc-ca, cây cà-phê là cây chủ lực thứ hai để phát triển kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Để xúc tiến tiêu thụ nông sản nói chung và sản phẩm cà phê nói riêng cho bà con trên địa bàn, trong thời gian qua, Sở Công Thương Điện Biên cũng đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, đặc biệt là thông qua các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế. Nhờ đó, các thương hiệu nông sản Điện Biên nói chung và cà phê nói riêng ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Phát triển nông sản tại Điện Biên, đặc biệt là chú trọng vào phát triển cây trồng chủ lực, trong đó có cây cà phê, không chỉ là câu chuyện nâng cao giá trị kinh tế mà còn là động lực để cải thiện đời sống người dân, giảm nghèo và khẳng định vị thế của tỉnh trong khu vực. Việc giải quyết đồng bộ các điểm nghẽn từ quy hoạch vùng trồng, liên kết chuỗi sản xuất, hạ tầng giao thông… sẽ tạo ra bước đột phá cho ngành nông nghiệp Điện Biên.

Để thực hiện hiệu quả, theo các chuyên gia nông nghiệp, tỉnh cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân, cùng với sự hỗ trợ từ trung ương về vốn, công nghệ và chính sách. Với tiềm năng sẵn có và chiến lược đúng đắn, Điện Biên hoàn toàn có thể đưa nông sản trở thành mũi nhọn kinh tế, góp phần vào mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030. Đáng nói, với những nỗ lực của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân đã và đang góp phần không chỉ đữa hạt cà phê của Tuần Giáo nói chung và của tỉnh nói riêng vượt qua giông bão mà còn gieo mầm hạt giống về một tương lai tươi sáng, bền vững cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số Điện Biên.

Thực hiện Đỗ Nga - Ngọc Hoa

Nguồn Công Thương: https://media.congthuong.vn/lien-ket-chuoi-san-xuat-ben-vung-thap-sang-hy-vong-cho-ba-con-vung-cao-dien-bien-15117.media
Zalo