Sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP, cân nhắc thêm giải pháp dài hạn

Sau 3 tuần bán vàng theo hình thức mới, hiện giá vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới khoảng 4 – 5 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, những thách thức mới đã xuất hiện, người mua quá đông dẫn đến tạo tâm lý khan hiếm vàng trên thị trường.

Thách thức cung ứng vàng

Cơ quan quản lý đã có chỉ đạo kéo giá vàng trong nước sát giá vàng thế giới, đây là biện pháp tương đối có hiệu quả trong bối cảnh hiện nay. Hiện tại giá vàng SJC đã thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới, chỉ còn cao hơn khoảng 4 – 5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC đã thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới. Ảnh minh họa

Giá vàng SJC đã thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới. Ảnh minh họa

5 đơn vị bán vàng bình ổn thị trường đã cùng chuyển sang hình thức bán vàng trực tuyến. Tuy nhiên, những thách thức mới đã xuất hiện. Đó là, lượng người mua quá đông hoặc không thể mua; thậm chí có hiện tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế. Nhiều người không mua được vàng dẫn đến tạo tâm lý khan hiếm vàng trên thị trường.

Đại diện Agribank cho biết, hằng ngày ngân hàng chỉ phục vụ được một lượng khách nhất định. Do đó, nhiều người có thể chưa đặt lệnh thành công khi ngân hàng đã phát hết số trong ngày. Hệ thống ngân hàng cũng ưu tiên phát số cho các căn cước công dân chưa từng mua vàng tại nhà băng.

Ngoài việc chuyển sang hình thức online, các ngân hàng hiện cũng giới hạn lượt đăng ký mua vàng miếng là 1 lượng mỗi người, so với việc không có hạn mức trong những ngày đầu mở bán.

Thống kê của Công ty chứng khoán Maybank cho thấy, có khoảng 84.000 lượng vàng bán ra trong 5 ngày đầu tiên thực hiện bán vàng trực tiếp (so với 48.000 lượng trong 9 cuộc đấu giá trong 14 ngày trước đó. Trong khi đó, khoảng cách giá giữa vàng miếng thương hiệu SJC và vàng toàn cầu cũng thu hẹp xuống mức thấp nhất trong 3 năm chỉ còn 6,5 triệu đồng mỗi lượng (so với mức 20 triệu đồng/lượng vào tháng trước đó). Trong tuần thứ hai, mức chênh lệch khoảng 5 triệu đồng/lượng, tức khoảng 6% giá vàng SJC bán ra.

Sáng 24/6, giá vàng miếng SJC vẫn bất động, trong khi vàng nhẫn tăng dần đã kéo khoảng cách của 2 loại vàng lại gần nhau hơn. Giá vàng miếng SJC đứng ở mức 74,98 triệu đồng mua vào, bán ra 76,98 triệu đồng. Giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới 5,5 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn cao hơn 4,1 triệu đồng/lượng. Giá vàng trên thị trường quốc tế tăng 4 USD lên 2.325,4 USD/ounce. Dù đà tăng đã chững lại nhưng những yếu tố hỗ trợ vàng phục hồi vẫn chưa biến mất...

Hiện tại, ngoài giải pháp tăng cung vàng ra thị trường qua 4 ngân hàng quốc doanh và Cty SJC, rất nhiều biện pháp khác đang được triển khai như: thanh, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, áp dụng hóa đơn điện tử, yêu cầu các đơn vị được phép kinh doanh vàng miếng rà soát các giao dịch đáng ngờ để gửi về Ngân hàng Nhà nước (NHNN)… Lãnh đạo NHNN cũng khẳng định có đủ nguồn lực, công cụ để thực hiện các giải pháp phù hợp để thị trường vàng phát triển ổn định.

Dù vậy, theo PGS.TS Ngô Trí Long, biện pháp tăng cung này nếu kéo dài mãi sẽ dẫn đến tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế khi để một lượng tiền lớn không phục vụ sản xuất mà nằm im trong dân. Tình trạng người dân đội mưa, nắng tập trung đầu tư vào vàng, vàng vật chất lớn, không đầu tư vào sản xuất, không chuyển vàng thành tiền sẽ gây lãng phí rất lớn.

“Trong khi đó, nhu cầu phát triển sản xuất, nhu cầu ngoại tệ để nhập nguyên liệu đầu vào rất cao, mà vàng không phải là mặt hàng thiết yếu. Nếu đáp ứng một cách vô hạn nhu cầu, thị hiếu, phong trào mua vàng theo đám đông sẽ gây hệ lụy như vậy”- PGS.TS Ngô Trí Long nói việc bán vàng theo giá niêm yết của Nhà nước chỉ là biện pháp ngắn hạn để kéo giá vàng trong nước sát giá thế giới.

TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, đây vẫn sẽ là một cuộc chiến khó khăn trong thời gian tới và phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của giá vàng thế giới. Nếu tâm lý kỳ vọng giá vàng thế giới tăng vẫn lớn thì nhu cầu mua vào của người dân vẫn sẽ ở mức cao, đặc biệt khi mức chênh lệch đã thu hẹp. “Điều này sẽ là một thách thức không nhỏ cho khả năng cung ứng vàng của NHNN trong giai đoạn tới”- ông Hiếu nói và cho rằng, mọi biện pháp của NHNN chỉ là giải pháp trước mắt còn về lâu dài phải sửa hoặc thay thế Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24).

Không để vàng thành phương tiện thanh toán thay thế VND

Tại cuộc họp của NHNN với các ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh vàng ngày 21/6, có ý kiến cho rằng diễn biến thị trường thời gian qua có dấu hiệu của việc thuê xếp hàng, thao túng, lũng đoạn thị trường. Các đơn vị tham gia bán vàng miếng SJC đều khẳng định sẽ tiếp tục cải tiến quy trình, công nghệ để tạo sự thuận lợi cho người dân có nhu cầu mua vàng thực, loại bỏ việc đầu cơ. Tuy nhiên, cũng cần truyền thông để người dân nhận thức rõ, tránh hiệu ứng tâm lý khi mua vàng.

Trao đổi với báo chí, TS. Nguyễn Đức Kiên - nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ bình luận, theo Luật Giá, vàng không nằm trong 9 mặt hàng theo quy định phải bình ổn giá. Vàng là lĩnh vực đặc thù liên quan tới bình ổn kinh tế vĩ mô chứ không liên quan nhiều tới nhu cầu kinh doanh vàng miếng.

TS. Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: sau 12 năm Nghị định 24 ra đời, phát huy hiệu lực, vàng đã bị "đánh bật" ra khỏi thị trường Việt Nam với tư cách một công cụ thanh toán. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, có dấu hiệu thao túng giá vàng để kiếm lời. Đứng từ kinh tế vĩ mô có thể thấy khi thị trường bất động sản đóng băng, tình hình kinh tế địa chính trị thế giới bất ổn, vàng là kênh trú ẩn tốt nhất. Vì vậy, nói ổn định giá vàng là chúng ta đang thiết kế chính sách cho vài trăm nghìn người hay cho 89 triệu dân cũng cần làm rõ.

Nhưng nếu NHNN không can thiệp thị trường vàng, để giá chênh cao sẽ tác động tiêu cực như buôn lậu, trốn thuế, mất cân đối cán cân thanh toán, ảnh hưởng đến điều hành tỷ giá và vĩ mô.

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, chúng ta không khuyến khích giữ vàng miếng nhưng người dân có nhu cầu vàng trang sức thì chúng ta tạo mọi điều kiện. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, mục tiêu là không để vàng trở thành một phương tiện thanh toán trong nền kinh tế thay thế VND. Đó là mục tiêu tối thượng của nền kinh tế, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong bối cảnh nguồn cung vàng ngắn hạn vẫn còn hạn chế và nhiều giải pháp còn mang tính hành chính, hàng loạt chính sách mới về quản lý thị trường vàng cho mục tiêu dài hạn hơn đang được đưa ra thảo luận.

Đầu tháng 6, trong cuộc họp bàn về chính sách quản lý thị trường vàng và hướng sửa đối Nghị định 24, nhiều chuyên gia đề xuất cần sớm triển khai thực thi các chính sách thuế đối với thị trường vàng. PGS.TS Nguyễn Thị Mùi cho rằng, việc áp dụng các chính sách thuế không chỉ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và có thể gây ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng mà còn đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Trong khi đó, TS Trương Văn Phước cho rằng, NHNN chỉ nên giữ quyền xuất nhập khẩu vàng, trao lại việc chế biến gia công cho doanh nghiệp hoặc tổ chức tín dụng có điều kiện.

Cũng có ý kiến kiến nghị, cần loại bỏ thương hiệu quốc gia độc quyền SJC, bởi thương hiệu này cũng không khác nhiều so với các thương hiệu khác, nhưng chênh lệch giá so với các thương hiệu khác khá cao.

Ngoài ra, cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, đảm bảo công khai minh bạch. Đồng thời phải tăng cường hợp tác quốc tế, để vừa chống buôn lậu vàng, cũng như việc đảm bảo cung – cầu để thị trường vàng liên thông tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Theo quy định Nghị định 24, NHNN có trách nhiệm đầu mối thực hiện quản lý Nhà nước về thị trường vàng. Việc điều hành thị trường vàng, cần căn cứ vào diễn biến bối cảnh trong nước, quốc tế, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, diễn biến kinh tế vĩ mô để quyết định thời điểm, mức độ, liều lượng can thiệp thị trường vàng phù hợp. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN có đủ quyết tâm, nguồn lực, công cụ để thực hiện các giải pháp phù hợp trước mắt và lâu dài để thị trường vàng phát triển ổn định theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/sua-24-2012-nd-cp-can-nhac-them-giai-phap-dai-han.html
Zalo