Lãnh đạo Lộc Trời nói gì về khoản vay nợ ngắn hạn 8.800 tỷ đồng?

Xung quanh các khoản vay nợ ngắn hạn hơn 8.800 tỷ đồng được cổ đông quan tâm, Chủ tịch Lộc Trời cho biết sẽ trả lời chi tiết bằng văn bản sau.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 vừa được tổ chức, cổ đông Tập đoàn Lộc hỏi: Theo BCTC thì đang nợ ngắn hạn đến 8.300 tỷ, mất cân đối dòng tiền, vấn đề này tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023, cổ đông đã có ý kiến về việc doanh nghiệp phải có chủ trương và Chủ tịch có ý kiến là chưa có phương án.

Quý I/2024 điều này vẫn tiếp diễn, nợ tăng 8.800 tỷ. Tình huống này lãnh đạo Doanh nghiệp đã dự phòng chưa? Có hay không lợi ích cá nhân trong trường hợp này? Quý II/2023, Lộc Trời có báo cáo một khoản đầu tư vào Lộc Nhân. Cuối năm thì kiểm toán loại chi phí này ra. Kế toán và Ban lãnh đạo Lộc Trời có biết việc hạch toán này là sai, không hợp lệ hay không?"

ĐHĐCĐ thường niên của Lộc Trời. Ảnh: Báo Đầu tư

ĐHĐCĐ thường niên của Lộc Trời. Ảnh: Báo Đầu tư

Trả lời xung quanh vấn đề này, Chủ tịch Huỳnh Văn Thòn cho biết Lộc Trời sẽ trả lời bằng văn bản các câu hỏi liên quan đến các vấn đề này trong thời gian tới.

Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Thuận đã giải thích về khoản vay 8.000 tỷ đồng, Lộc Trời cho vay tiếp 5.000 tỷ đồng. Khoản vay này được cấp cho nông dân mà không thu lãi suất, nhằm hỗ trợ nông dân mua giống, phân bón và thuốc hóa chất với chi phí tổng thể thấp hơn. Đồng thời, đây là giải pháp giúp giảm phân bón và khí thải nhà kính tại Đồng bằng Sông Cửu Long, đã giảm 1 triệu tấn hóa chất không thải xuống ruộng.

Ông Thuận khẳng định, số tiền này là khoản phải thu nên Lộc Trời không lo sợ mất mát. Trong 30 năm hoạt động, Lộc Trời gần như không gặp trường hợp nông dân quỵt nợ. Các khoản ứng trước cho nông dân được quản lý an toàn.

Lộc Trời đã lựa chọn vay tiền cho nông dân vì lãi suất cho vay cho chính công ty rất cao và ngân hàng coi nông dân là đối tượng có rủi ro cao do thiếu tài sản bảo đảm. Để đưa nông dân vào hệ thống thanh toán của ngân hàng và giảm chi phí, Lộc Trời sẽ phải đầu tư thêm vốn. Khi quy trình này được chuẩn bị kỹ càng, chi phí sẽ giảm xuống.

Ông Thuận chia sẻ thêm, đơn hàng của Lộc Trời bán cho Bulog có giá bán là 13.500VND/kg, giá mua vào là 12.500VND/kg, và giá bán trên thị trường là 11.700VND/kg; trấu có giá 650 đồng/kg. Hợp đồng bán trấu cho Nike là 200.000 tấn, với tỷ suất lợi nhuận không dưới 50%. Kinh doanh lúa gạo và phụ phẩm mang lại lợi nhuận. Để hệ thống hoạt động hiệu quả, Lộc Trời cần có đủ vốn. Nguyên nhân chính là do thiếu tiền để vận hành, không phải là do các sản phẩm không có lợi.

3 phương án huy động vốn

Tại Đại hổi, cổ đông Quỹ AFC hỏi về phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư, sẽ phát hành 1.000 tỷ đồng từ phát hành cho cổ đông riêng lẻ, và tối đa 3.500 tỷ trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ và 3.500 tỷ từ vay chuyển đổi cổ phần. Tổng là 8.000 tỷ, hiểu vậy đúng không?

Mục đích sử dụng vốn là như thế nào sau khi phát hành (1.000 tỷ) còn 2 gói 3.500 tỷ kia chỉ thấy giao cho HĐQT, chưa có chi tiết mục đích sử dụng vốn. Khả năng thành công của việc phát hành 3 gói này, có đối tác chưa, vai trò của HĐQT mới trong việc hỗ trợ phát hành này như thế nào để có thể thành công?

Tổng giám đốc Nguyễn Duy Thuận cho biết, 3 tờ trình này là 3 phương án và chỉ thực hiện 1 trong 3 (tờ trình nào được duyệt thì sẽ thực hiện). Cơ bản là để tăng vốn, nếu không được thông qua phương án phát hành cổ phiếu thì sẽ thực hiện phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc phương án vay chuyển đổi cổ phần.

"Việc lựa chọn phương án nào sẽ phụ thuộc vào điều kiện thị trường và sự đồng thuận của cổ đông. Mục đích sử dụng vốn là để tăng cường năng lực tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động và đảm bảo sự phát triển bền vững của công ty. Chúng tôi đang trong quá trình đàm phán với các đối tác chiến lược và sẽ công bố thông tin chi tiết khi có kết quả cụ thể. Vai trò của HĐQT mới là rất quan trọng trong việc hỗ trợ và đẩy mạnh các hoạt động phát hành, đảm bảo sự thành công của các phương án đã đề ra", ông Thuận nói.

Trả lời về mục đích sử dụng vốn, ông Thuận cho biết cần đến 8.000 - 9.000 tỷ đồng để Lộc Trời có thể đạt được doanh thu dự kiến. Nếu có vốn dài hạn, kinh doanh ổn định hơn, lãi suất giảm, hiệu quả tăng. Số tiền để làm gì? Cần cấu trúc chuyển đổi thành vốn trung dài hạn (3.500 tỷ) để tăng năng lực sản xuất lúa gạo cho nhà máy Lộc Trời và Lộc Nhân, đảm bảo năng lực sản xuất (luôn có hàng tồn kho), hơn 1.000 tỷ vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh.

Hoạt động kinh doanh như thế nào để trả tiền vay? Lộc Trời sẽ tạo ra 30.000 tỷ xuất khẩu gạo, trong đó có xuất khẩu gạo, tương ứng với 4.000 tỷ phụ phẩm. Lợi nhuận từ lúa gạo 8%, vật tư nông nghiệp 40%, giống 30%. Lợi nhuận còn lại của Lộc Trời khoảng 2.000 tỷ đồng.

Theo ông Thuận, điều kiện cần có đất lớn, đủ lao động, đủ diện tích đã đăng ký với chính quyền địa phương, năng lực sản xuất giống, thuốc bảo vệ thực vật đủ để đáp ứng nhu cầu tại Đồng bằng sông Cửu Long. Cần đủ tiền để cơ sở hoạt động hết công suất.

Về phương án huy động vốn, Đoàn Chủ tịch Lộc Trời sau hội ý đã thống nhất việc không tiến hành biểu quyết thông qua đối với 3 tờ trình. Chủ tịch Huỳnh Văn Thòn cho biết, sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản sau.

Nhị Hà

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/lanh-dao-loc-troi-noi-gi-ve-khoan-vay-no-ngan-han-8800-ty-dong-123625.html
Zalo