6 tháng đầu năm 2024, Hưng Yên thu ngân sách đạt 65,34% kế hoạch năm

Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Hưng Yên tiếp tục đạt kết quả khá tích cực. Nổi bật, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 21.445 tỷ đồng, tăng 39,83% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 65,34% kế hoạch năm.

Theo báo cáo về phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Hưng Yên, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 6,81% (kế hoạch năm 2024 tăng 7,5-8% phấn đấu trên 8%, cùng kỳ năm 2023 tăng 8,52%). So sánh với các tỉnh trong vùng tốc độ tăng trưởng của tỉnh Hưng Yên xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 8/11 tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng.

Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,13% (kế hoạch năm tăng 8%). Giá trị sản xuất các ngành: công nghiệp và xây dựng tăng 9,64%, thương mại và dịch vụ tăng 3,54%, nông nghiệp và thủy sản tăng 2,7%. Cơ cấu kinh tế, công nghiệp, xây dựng chiếm 64,13%; thương mại, dịch vụ chiếm 28,05%; Nông nghiệp, thủy sản chiếm 7,82%.

Hạ tầng đô thị tỉnh Hưng Yên ngày càng phát triển hiện đại.

Hạ tầng đô thị tỉnh Hưng Yên ngày càng phát triển hiện đại.

Nổi bật, trong nửa đầu năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 21.445 tỷ đồng, tăng 39,83% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 65,34% kế hoạch năm.

Về cải cách hành chính, Chỉ số PCI năm 2023 của tỉnh đứng ở thứ hạng 12/63 tỉnh, thành phố (tăng 02 bậc và tăng 1,18 điểm so với năm 2022). Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) đứng ở vị trí 4/63 tỉnh, thành phố (tăng 10 bậc và 8,82 điểm so với năm 2022). Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh xếp vị trí thứ 26/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp vị trí thứ 07/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) xếp vị trí thứ 12/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số đổi mới sáng tạo tỉnh Hưng Yên xếp ở vị trí 18/63 tỉnh, thành phố.

Trong thời gian qua, môi trường đầu tư của Hưng Yên đã được cải thiện đáng kể. Với những chính sách ưu đãi nhằm thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước đã giúp Hưng Yên đón nhận các nguồn vốn đầu tư lớn, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hạ tầng giao thông được tỉnh chú trọng đầu tư đã trở thành một trong những bệ đỡ cho Hưng Yên phát triển dài hạn. Ảnh: Quỳnh Nga

Hạ tầng giao thông được tỉnh chú trọng đầu tư đã trở thành một trong những bệ đỡ cho Hưng Yên phát triển dài hạn. Ảnh: Quỳnh Nga

Tính đến ngày 20/6, tỉnh Hưng Yên có 578 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký trên 7,5 tỷ USD. Trong đó từ đầu năm đến nay, có 32 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký là 544,29 triệu USD. Trong các quốc gia đầu tư vào tỉnh, Nhật Bản là nước có vốn đầu tư cao nhất với 176 dự án, vốn đăng ký là 3,8 tỷ USD, chiếm 50,98% tổng vốn đăng ký. Tiếp đó là Hàn Quốc với 154 dự án, tổng vốn đăng ký trên 900 triệu USD, chiếm 11,88% tổng vốn đăng ký; Trung Quốc có 151 dự án, với vốn đăng ký 1,1 tỷ USD, chiếm 15,52% tổng số vốn đăng ký...

Trong công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng đã được tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh. Đã giải phóng mặt bằng được 247 ha đất khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN). Xây dựng hạ tầng KCN được khoảng 387 ha đất KCN. Có thêm 01 dự án hạ tầng KCN (KCN Thổ Hoàng) được Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.095 tỷ đồng.

Tỉnh cũng đã có thêm 4 CCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, nâng tổng số CCN đã được chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa lên 18 CCN; trong đó có 13 CCN đang thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng mặt.

Trong 6 tháng đầu năm, nhiều tuyến đường huyết mạch đã được tỉnh triển khai đầu tư như: Dự án xây dựng đường bên tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Dự án đường Tân Phúc - Võng Phan (giao ĐT.378) thi công trên 11 mũi, khối lượng thực hiện đạt 6,54% tính theo chiều dài; Dự án đường kết nối ĐT.387 với cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB,…

Để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong thời gian tới, Hưng yên tiếp tục tập trung thực hiện một số các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Tập trung xúc tiến thu hút các dự án FDI, kịp thời nắm bắt xử lý khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ các dự án tại Hưng Yên.

Xem xét phê duyệt Chương trình phát triển đô thị của các địa phương làm cơ sở quyết định đề án nâng loại đô thị, nâng cấp đơn vị hành chính cấp xã, đặc biệt với các xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2030.

Tập trung khai thác tốt các nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước năm 2024. Chủ động đánh giá, phân tích nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nguồn thu theo từng địa bàn, từng lĩnh vực thu để dự báo nguồn thu sát với tình hình thực tế phát sinh; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục về giao đất, xác định giá trị tiền sử dụng đất của các dự án đô thị, nhà ở, tạo nguồn thu ngân sách cho tỉnh. Phấn đấu tăng tỷ trọng thu nội địa, các khoản thuế trực thu trong tổng thu ngân sách để nâng cao tính bền vững của nguồn thu ngân sách.

Triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024.

Quỳnh Nga

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/6-thang-dau-nam-2024-hung-yen-thu-ngan-sach-dat-6534-ke-hoach-nam-d218825.html
Zalo