Sự thật môn phái võ thuật chuyên làm kẻ ác trong truyện Kim Dung
Thanh Thành là một môn phái có thật được nhắc đến trong tiểu thuyết 'Tiếu Ngạo Giang Hồ' của Kim Dung, từng khiến nhà văn phải xin lỗi.
Lưu Tuy Tân, chưởng môn đời thứ 36 của Thanh Thành phái, đã đăng một video trên tài khoản cá nhân, kể lại câu chuyện giữa Thanh Thành phái và nhà văn võ hiệp nổi tiếng Kim Dung. Chỉ trong 24 giờ sau khi đăng tải, video đã thu hút hàng chục nghìn lượt chia sẻ, bình luận và lượt thích, khiến nhiều cư dân mạng hồi tưởng về những ngày tháng gắn bó với tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung.
Chưởng môn phái Thanh Thành biểu diễn chiêu thức của môn phái.
Chưởng môn phái Thanh Thành nói gì?
Trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, đặc biệt là “Tiếu Ngạo Giang Hồ” có nhắc đến Thanh Thành phái, nhưng các nhân vật đại diện cho môn phái này thường là phản diện. Điều này dẫn đến tin đồn dân gian rằng: "Chừng nào Kim Dung chưa xin lỗi, chừng đó Thanh Thành phái không cho ông vào Thanh Thành Sơn”.
Là một người hâm mộ Kim Dung từ nhỏ, Lưu Tuy Tân bác bỏ hoàn toàn tin đồn này và nêu quan điểm: "Tôi cũng thấy trong truyện Thanh Thành phái bị mô tả là phản diện, nhưng điều đó không có gì đáng trách. Dù sao thì đây cũng chỉ là tiểu thuyết, cần có chính diện và phản diện. Nếu tất cả đều chính diện thì truyện chẳng thể nào viết được”.

Nhà văn Kim Dung từng gặp gỡ chưởng môn phái Thanh Thành, Lưu Tuy Tân
Năm 2000, khi “Tiếu Ngạo Giang Hồ” chuyển thể thành phim, đoàn làm phim đã mời Lưu Tuy Tân vào vai phản diện – chưởng môn Thanh Thành phái Dư Thương Hải. Ông từ chối, và vai diễn sau đó được giao cho nghệ nhân biến diện Bành Đăng Hoài.
Khi bộ phim phát sóng, Bành Đăng Hoài nổi tiếng, nhưng đồng thời cũng bị một số thành viên trong giới Đạo giáo Thanh Thành phản đối việc vào núi Thanh Thành, giống như Kim Dung trước đó.
Lưu Tuy Tân không đồng tình với quan điểm này: "Ông ấy chỉ là diễn viên, đạo diễn bảo diễn sao thì diễn vậy. Không thể trách đạo diễn hay Kim Dung được, ông ấy đâu phải nhà sử học Đạo giáo hay lịch sử võ thuật, làm sao biết được mối quan hệ giữa Thanh Thành Sơn, Đạo giáo và võ thuật thế nào?".
Nhờ nỗ lực của Lưu Tuy Tân, ngày 26/9/2004, Kim Dung cuối cùng đã được đến Thanh Thành sơn. Một ngày trước đó, Lưu Tuy Tân chủ động tới gặp Kim Dung, mang theo cuốn “Tuyệt Kỹ Trung Hoa - Võ thuật Thanh Thành” và DVD “Thanh Thành Thái Cực 18 thức”. "Tôi vừa đến, nhà văn Kim Dung đã lên tiếng xin lỗi. Tôi bảo, tôi không đến đây để yêu cầu ông xin lỗi”, Lưu Tuy Tân kể.

Chưởng môn phái Thanh Thành trong "Tiếu Ngạo Giang Hồ" là nhân vật phản diện
Trong cuộc trò chuyện, Kim Dung thừa nhận rằng trước đó ông chỉ biết đến danh tiếng của Thanh Thành qua câu "Thanh Thành thiên hạ u" (Thanh Thành là nơi đẹp kỳ bí nhất thiên hạ), nhưng lại không hiểu rõ về Đạo giáo và võ thuật Thanh Thành.
Vì vậy, trong tiểu thuyết, ông đã có một số chỗ viết chưa đúng, mong người dân Tứ Xuyên lượng thứ. Nhà văn cũng nói, nếu có cơ hội, ông nhất định sẽ chỉnh sửa lại cách viết về võ thuật Thanh Thành.
Hôm sau, Kim Dung được 36 đệ tử Thanh Thành phái bày kiếm trận đón tiếp, còn Lưu Tuy Tân đích thân ra cổng núi nghênh đón. Được chứng kiến tận mắt võ thuật Thanh Thành, Kim Dung đã để lại bút tích tại Hạc Tường Sơn Trang trên núi Thanh Thành: "Thanh Thành Thái Cực quyền kiếm, vừa dưỡng sinh, vừa là võ thuật thực chiến."
Võ công phái Thanh Thành thực tế ra sao?
Phái Thanh Thành là một môn phái tu luyện nội đan trong Đạo giáo Trung Quốc. Phái này có nguồn gốc từ núi Thanh Thành nằm ở thành phố Đô Giang Yển, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, nơi được xem là một trong những cái nôi của Đạo giáo Trung Quốc.
Ngoài truyền thống Đạo giáo, phái Thanh Thành còn là một trường phái võ thuật danh tiếng với lịch sử gần 2000 năm, từng sản sinh ra nhiều cao thủ. Chỉ tính riêng trong triều đại nhà Thanh, đã có tới 111 võ cử nhân xuất thân từ môn phái này.
Chưởng môn đời thứ 36 của phái Thanh Thành là Lưu Tuy Tân, đạo hiệu Tín Huyền, được võ sư Dư Quốc Hùng truyền thụ. Ông từng đoạt danh hiệu quán quân võ thuật quốc tế, là hội viên Hiệp hội Võ thuật Tứ Xuyên, đồng thời giữ nhiều chức vụ quan trọng trong giới võ thuật.
Có một điều thú vị là phái Thanh Thành hiện tại có 1 phân nhánh khác do đạo sĩ Hà Đạo Quân là chưởng môn. Để phân biệt với dòng chính, phái Thanh Thành của Hà Đạo Quân được gọi là Thanh Thành Long Môn Thái Cực, trong khi đó môn phái của Lưu Tuy Tân được gọi là Thanh Thành Huyền Môn Thái Cực.

Lưu Tuy Tân và Hà Đạo Quân từng học võ với nhau
Cái tên Thanh Thành Huyền Môn Thái Cực được cho là ám chỉ tuyệt kỹ trấn phái của Thanh Thành phái, Thanh Thành Huyền Môn Thái Cực Quyền. Đây là tuyệt học dưỡng sinh và chiến đấu được các đời chưởng môn phái Thanh Thành đơn truyền bí mật.
Năm 1989, phái Thanh Thành được ghi nhận là một trong những môn phái quan trọng trong "Tứ Xuyên võ thuật bách khoa toàn thư". Năm 1991, võ sư Dư Quốc Hùng được công nhận là đại diện tiêu biểu của phái Thanh Thành và có tên trong "Từ điển nhân vật võ thuật Trung Quốc".
Năm 2008, phái Thanh Thành được công nhận là một phần của "Trung Hoa Võ Tàng", được thẩm định bởi Hiệp hội Võ thuật Trung Quốc và Viện nghiên cứu võ thuật của Tổng cục Thể dục thể thao Trung Quốc.
Không giống như hình ảnh võ sư ẩn dật trên núi, chưởng môn phái Thanh Thành hiện tại, Lưu Tuy Tân là một có lối sống hiện đại. Ông xuất bản sách, làm DVD hướng dẫn, thậm chí còn viết blog, sử dụng mạng xã hội để quảng bá võ thuật Thanh Thành. Ông tin rằng: "Luyện võ không nhất thiết phải cực khổ. Quan trọng là giữ tâm thái vui vẻ, không nhất thiết phải thành tông sư."
Tinh thần này đã giúp nhiều người bận rộn trong xã hội hiện đại dễ dàng tiếp cận với võ thuật và dưỡng sinh Thanh Thành. Hiện nay, phái Thanh Thành được phổ biến rộng rãi với hàng chục nghìn môn sinh tại hơn 20 quốc gia trên thế giới.
Lưu Tuy Tân cho rằng nhà văn Kim Dung đã góp phần quảng bá môn phái Thanh Thành nói riêng và văn hóa Trung Quốc nói chung: "Võ thuật phái Thanh Thành không vì Kim Dung nói là xấu mà trở thành xấu; cũng không vì ông ta nói Thái Cực Quyền Kiếm của Thanh Thành hay mà đột nhiên tiến bộ vượt bậc. Tất cả vẫn phải dựa vào sự nỗ lực và phấn đấu của các môn đồ qua từng thế hệ”.
Theo chưởng môn phái Thanh Thành, nhà văn Kim Dung đã truyền bá văn hóa truyền thống Trung Quốc. "Bây giờ đi tìm một chuyên gia võ thuật, ông ta cũng chưa chắc nhớ được 50 môn phái, nhưng hầu hết người dân bình thường đều biết đến Thanh Thành phái", Lưu Tuy Tân nói.