Sứ mệnh mới của ngoại giao kinh tế
Ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế đất nước là một trong những trụ cột chính của ngoại giao Việt Nam.
Trong Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10-8-2022, Ban Bí thư đã chỉ ra 7 nhiệm vụ cụ thể cho công tác ngoại giao kinh tế.
Chỉ thị xác định ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững; đóng vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường tiềm lực, sức cạnh tranh và năng lực thích ứng của nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh: "Ngoại giao kinh tế phải khơi dậy động lực bên trong, mở ra triển vọng phát triển mới, góp phần tạo bước nhảy vọt về tăng trưởng kinh tế bền vững, duy trì sự phát triển lành mạnh, ổn định của nền kinh tế toàn cầu và ứng phó với các thách thức toàn cầu mới...".
Đại hội Đảng lần thứ XIV sắp tới sẽ bắt đầu kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Ngoại giao kinh tế phải đảm trách sứ mệnh mới trong sứ mệnh mới của đối ngoại nói chung, cho và trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.
Những mục tiêu cao xa và to lớn hơn trong kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu, đòi hỏi mới cho đối ngoại nói chung và cho ngoại giao kinh tế nói riêng. Yêu cầu, đòi hỏi trước tiên và cao nhất là nâng cao hiệu quả thiết thực của các hoạt động ngoại giao kinh tế. Đối ngoại nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng phục vụ đất nước, doanh nghiệp và người dân thật sự đắc lực và hữu ích thể hiện cụ thể, rõ ràng nhất ở tính thiết thực ấy. Hiệu quả thiết thực là tiêu chí hàng đầu và quyết định nhất để đánh giá thành quả đối ngoại nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng.
Ngoại giao kinh tế trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước phải kết hợp việc tìm kiếm và tận dụng mọi điều kiện thuận lợi và nguồn lực ở bên ngoài với việc khai thác và phát huy mọi nguồn lực ở trong nước để làm nên hiệu ứng cộng hưởng phục vụ công cuộc kiến tạo kỷ nguyên phát triển phồn vinh mới của đất nước. Ở đây cũng thể hiện tính thiết thực và giá trị hữu ích của ngoại giao kinh tế càng phải được đặt lên hàng đầu, phải được coi trọng hàng đầu và càng phải được thường xuyên tăng cường.
Để kiến tạo thành công kỷ nguyên phát triển mới, đất nước cần những bước phát triển vượt bậc và đột phá mới trong thời gian ngắn nhất. Bản chất sứ mệnh mới của ngoại giao kinh tế là đóng vai trò mở đường và tạo động lực quyết định cho việc đạt thành quả ấy. Ngoại giao kinh tế phải được hiểu và thực thi trong nghĩa rộng, phải trùm phủ mọi lĩnh vực, phải có được sự tham gia và hợp tác với nhau của nhà nước và doanh nghiệp, của xã hội và người dân, của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương. Sứ mệnh mới của ngoại giao kinh tế là hội tụ được sự tham gia và đồng hành của tất cả. Tất cả đều là những lực lượng cùng tham gia ngoại giao kinh tế. Cho nên sứ mệnh mới chung cho ngoại giao kinh tế đồng thời còn là sứ mệnh mới riêng cho tất cả các bên tham gia trực tiếp cũng như gián tiếp vào ngoại giao kinh tế trong kỷ nguyên mới.