Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua: Lộ diện Thủ tướng thứ 10 của Đức, Hạ viện Mỹ tung 'phát súng' lịch sử, Sudan cắt đứt quan hệ với UAE

Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật từ ngày 5-11/5.

Biên giới Ấn Độ-Pakistan đỏ lửa

Khu vực biên giới trở thành vấn đề gây tranh cãi từ lâu giữa Ấn Độ và Pakistan. (Nguồn: ABC)

Khu vực biên giới trở thành vấn đề gây tranh cãi từ lâu giữa Ấn Độ và Pakistan. (Nguồn: ABC)

Vụ tấn công khủng bố tại thung lũng Baisaran, thuộc vùng lãnh thổ Jammu và Kashmir miền Bắc Ấn Độ khiến ít nhất 26 người thiệt mạng hôm 22/4 làm bùng lên căng thẳng vốn chưa bao giờ thực sự lắng dịu giữa New Delhi và Islamabad.

Rạng sáng 7/5, lực lượng vũ trang Ấn Độ phát động “Chiến dịch Sindoor”, không kích 9 trại “khủng bố” tại Pakistan và khu vực Jammu và Kashmir do Pakistan quản lý (PoJK). Ngay sau vụ tấn công, quân đội Pakistan pháo kích dữ dội nhằm vào khu vực Karnah thuộc huyện Kupwara, vùng lãnh thổ liên bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ.

Khu vực biên giới tạm thời lặng tiếng súng khi hai nước nhất trí thông qua lệnh ngừng bắn có hiệu lực ngày 10/5 dưới vai trò trung gian đàm phán của Mỹ. Song không lâu sau, Ngoại trưởng Ấn Độ Vikram Misri lên tiếng cáo buộc Pakistan liên tiếp vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, sau khi xuất hiện nhiều tiếng nổ tại cả hai khu vực Kashmir do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát. Đáp lại cáo buộc trên, Bộ trưởng Thông tin Pakistan Attaullah khẳng định: "Việc chúng tôi vi phạm thỏa thuận ngừng bắn là điều không thể xảy ra".

Lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng của Nga

Năm nay, các đơn vị từ 13 quốc gia đã tham gia lễ duyệt binh tại Quảng trường Đỏ, bao gồm Việt Nam, Azerbaijan, Belarus, Ai Cập, Kazakhstan, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Lào, Mông Cổ, Myanmar, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. (Nguồn: Reuters)

Năm nay, các đơn vị từ 13 quốc gia đã tham gia lễ duyệt binh tại Quảng trường Đỏ, bao gồm Việt Nam, Azerbaijan, Belarus, Ai Cập, Kazakhstan, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Lào, Mông Cổ, Myanmar, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. (Nguồn: Reuters)

Ngày 9/5, lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc xã trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945) diễn ra tại Quảng trường Đỏ của thủ đô Moscow, Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin, các cựu chiến binh, khách mời, cùng 27 nhà lãnh đạo quốc tế theo dõi cuộc duyệt binh từ khán đài trung tâm trên Quảng trường Đỏ.

Phát biểu tại lễ duyệt binh, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, Moscow luôn ghi nhớ những bài học của Thế chiến thứ II và sẽ không bao giờ đồng ý với việc bóp méo sự kiện này, cũng như những nỗ lực vu khống những người chiến thắng thực sự.

"Cha ông chúng ta đã cứu Tổ quốc và để lại cho chúng ta nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đoàn kết, giữ vững lợi ích quốc gia, lịch sử ngàn năm, văn hóa, các giá trị truyền thống, mọi thứ thân thương đối với chúng ta, những thứ thiêng liêng đối với chúng ta", nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh.

Tổng thống Putin cho biết, Ngày Chiến thắng 9/5 là ngày lễ quan trọng nhất đối với người Nga và đất nước tưởng nhớ tất cả những người đã cống hiến sinh mạng của mình cho Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Giáo hoàng người Mỹ đầu tiên của Vatican

Hồng y người Mỹ Robert Prevost, 69 tuổi, là Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử đến từ Mỹ và là vị Giáo hoàng thứ 267 của Vatican. (Nguồn: Reuters)

Hồng y người Mỹ Robert Prevost, 69 tuổi, là Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử đến từ Mỹ và là vị Giáo hoàng thứ 267 của Vatican. (Nguồn: Reuters)

Chiều 8/5, khói trắng bốc lên trên Nhà nguyện Sistine ngay trong ngày thứ hai của mật nghị Hồng y, dấu hiệu cho thấy các Hồng y đã chọn được Giáo hoàng mới cho Vatican. Tân Giáo hoàng là Hồng y người Mỹ Robert Prevost, 69 tuổi, Tổng Giám mục - cựu Giám mục giáo phận Chiclayo (Peru). Ngài chọn lấy tông hiệu là Giáo hoàng Leo XIV và ra mắt tại ban công chính của Vương cung thánh đường Thánh Peter vào cùng ngày.

Ngài là Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử đến từ Mỹ và là vị Giáo hoàng thứ 267 của Vatican, có quá trình hoạt động truyền giáo tại Peru, cùng hiểu biết sâu sắc về hoạt động nội bộ của Giáo hội. Năm 2023, ông Prevost được Đức Giáo hoàng Francis phong Hồng y sau khi được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Thánh bộ - một trong những cơ quan quan trọng nhất của Vatican và là vị trí giúp ông tiếp xúc với tất cả nhân vật chủ chốt trong Giáo hội.

Trước kết quả này, Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi lời chúc mừng tân Giáo hoàng Leo XIV. Ông viết trên mạng xã hội Truth Social: “Thật vinh dự khi biết rằng ngài là Giáo hoàng người Mỹ đầu tiên. Thật phấn khích và thật là một vinh dự lớn cho đất nước chúng ta. Tôi mong được gặp Giáo hoàng Leo XIV. Đó sẽ là một khoảnh khắc rất ý nghĩa!”.

Lộ diện Thủ tướng thứ 10 của Đức

Ngày 6/5, lãnh đạo Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) Friedrich Merz chính thức được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Đức trong vòng bỏ phiếu thứ 2, sau thất bại bất ngờ trong vòng bỏ phiếu đầu tiên trước đó, cùng ngày. (Nguồn: PBS)

Ngày 6/5, lãnh đạo Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) Friedrich Merz chính thức được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Đức trong vòng bỏ phiếu thứ 2, sau thất bại bất ngờ trong vòng bỏ phiếu đầu tiên trước đó, cùng ngày. (Nguồn: PBS)

Ông Merz đã vượt qua vòng bỏ phiếu thứ hai tại Quốc hội Liên bang chiều 6/5 với 325 phiếu ủng hộ, 289 phiếu chống và 3 phiếu trắng, vượt qua ngưỡng 316 phiếu cần thiết để trở thành người đứng đầu chính phủ Đức. Tại trụ sở Quốc hội Liên bang, ông Merz đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Đức, chính thức trở thành vị thủ tướng thứ 10 của nước này, kế nhiệm ông Olaf Scholz, người đứng đầu chính phủ “đèn giao thông” trong hơn 3 năm.

Phát biểu tại buổi lễ, lãnh đạo CDU/CSU nói: “Tôi cam kết sẽ cống hiến hết mình vì hạnh phúc của người dân, thúc đẩy phúc lợi, bảo vệ người dân trước hiểm nguy, duy trì và bảo vệ luật cơ bản và luật pháp của Liên bang, thực hiện nhiệm vụ của mình một cách tận tâm và công bằng với tất cả mọi người”. Trước đó, Thủ tướng Merz cùng nội các mới gồm 22 thành viên đến Phủ Tổng thống tại Cung điện Bellevue để nhận quyết định bổ nhiệm chính thức.

Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã gửi lời chúc mừng tân Thủ tướng Đức. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ cùng nhau làm việc vì một châu Âu mạnh mẽ và cạnh tranh hơn. Tôi mong được hợp tác chặt chẽ với ngài!".

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa bày tỏ mong muốn được cùng với ông Merz "thực hiện chương trình nghị sự chung đầy tham vọng của châu Âu".

Mỹ tung dự luật lịch sử

Một trong những sắc lệnh đầu tiên Tổng thống Donald Trump ký trong nhiệm kỳ thứ hai là đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ. (Nguồn: VPM)

Một trong những sắc lệnh đầu tiên Tổng thống Donald Trump ký trong nhiệm kỳ thứ hai là đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ. (Nguồn: VPM)

Ngày 8/5, với 211 phiếu thuận và 206 phiếu chống, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát đã phê chuẩn dự luật đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ. Dự luật này do Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene (Cộng hòa - bang Georgia) đề xuất nhằm luật hóa sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump về việc đổi tên này. Hạ nghị sĩ Don Bacon (bang Nebraska) là thành viên Cộng hòa duy nhất bỏ phiếu chống dự luật.

Trên mạng xã hội X, bà Greene nhấn mạnh: “Luật hóa việc đổi tên thành Vịnh Mỹ là ưu tiên đối với người Mỹ. Người Mỹ đóng thuế là người chi tiền bảo vệ Vịnh này, quân đội của chúng ta bảo vệ vùng nước ở đó và doanh nghiệp Mỹ hỗ trợ nền kinh tế ở đó”.

Theo dự luật, bất kỳ đạo luật, bản đồ, quy định, tài liệu, giấy tờ hoặc hồ sơ nào khác của Mỹ khi nói tới Vịnh Mexico sẽ đều là Vịnh Mỹ. Dự luật này cũng yêu cầu từng cơ quan liên bang cập nhật các tài liệu và bản đồ theo tên mới và Bộ trưởng Nội vụ Doug Burgum sẽ giám sát việc này.

Sudan cắt đứt quan hệ với UAE

Theo Liên hợp quốc, khoảng 25 triệu người Sudan cần viện trợ khẩn cấp, khi xuất hiện nạn đói tại một số khu vực như Darfu. (Nguồn: UNHCR)

Theo Liên hợp quốc, khoảng 25 triệu người Sudan cần viện trợ khẩn cấp, khi xuất hiện nạn đói tại một số khu vực như Darfu. (Nguồn: UNHCR)

Ngày 6/5, Hội đồng quốc phòng Sudan cho biết, nước này sẽ cắt đứt quan hệ với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sau khi Khartoum cáo buộc Abu Dhabi hỗ trợ Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF).

Sudan cho rằng, UAE hậu thuẫn quân sự cho RSF, bao gồm cung cấp vũ khí tiên tiến sử dụng trong các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa vào cảng, sân bay và các nhà máy điện của thành phố Port Sudan.

Sudan tuyên bố, tình hình leo thang ở Port Sudan "đe dọa an ninh khu vực và quốc tế, đặc biệt là an ninh ở Biển Đỏ" và viện dẫn Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) để bảo lưu quyền tự vệ của nước này.

Theo đó, UAE đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc của Sudan về việc cung cấp vũ khí cho RSF. Một quan chức Bộ Ngoại giao UAE đã nói với Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) hồi tháng 4 rằng, những cáo buộc về sự đồng lõa của UAE là "hoàn toàn vô căn cứ".

EU muốn "đoạn tuyệt" khí đốt Nga

Liên minh châu Âu (EU) ngày 6/5 công bố kế hoạch chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu khí đốt từ Nga trước cuối năm 2027, nhằm giảm phụ thuộc năng lượng từ Moscow và phản ứng trước xung đột Ukraine. (Nguồn: Britannica)

Liên minh châu Âu (EU) ngày 6/5 công bố kế hoạch chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu khí đốt từ Nga trước cuối năm 2027, nhằm giảm phụ thuộc năng lượng từ Moscow và phản ứng trước xung đột Ukraine. (Nguồn: Britannica)

Theo kế hoạch do Ủy ban châu Âu (EC) công bố, EU sẽ ngừng ký mới các hợp đồng nhập khẩu khí đốt từ Nga và kết thúc các hợp đồng ngắn hạn hiện có trước cuối năm 2025. Giai đoạn tiếp theo sẽ hướng tới việc dừng hoàn toàn nhập khẩu khí đốt đường ống và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga trước năm 2027.

EU cũng lên kế hoạch ngăn chặn các “tàu ma” vận chuyển dầu mỏ Nga né tránh lệnh cấm vận và đang xem xét cấm nhập urani làm giàu từ Nga.

EC dự kiến trình các đề xuất lập pháp về kế hoạch trên vào tháng 6 tới, đồng thời kêu gọi các nước thành viên phối hợp thực hiện trong bối cảnh một số quốc gia như Hungary vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với Moscow.

Dù bị áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt, Nga vẫn là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai của EU, chiếm 18% lượng khí đốt đường ống nhập khẩu và 20% LNG nhập khẩu trong năm 2024.

Nguyễn Phượng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/su-kien-quoc-te-noi-bat-tuan-qua-lo-dien-thu-tuong-thu-10-cu-a-duc-ha-vien-my-tung-phat-sung-lich-su-sudan-cat-dut-quan-he-voi-uae-314057.html
Zalo