Sự khác biệt khi cứu người đột tử và đột quỵ
Cần phân biệt rõ các dấu hiệu đột tử và đột quỵ để biết cách cứu bệnh nhân kịp thời.
Một nam bệnh nhân, 38 tuổi ở Bắc Ninh, bất ngờ ngã gục xuống ghế tại nhà. Người nhà chứng kiến nghĩ anh bị đột quỵ nên chỉ tiến hành các bước theo dân gian bấm nhân trung, xoa ngực... và gọi xe đưa đi cấp cứu.
Điều đáng tiếc, khi xử trí, người nhà không có động tác kiểm tra mạch nên không biết anh bị đột tử và cần được ép tim, cấp cứu ngừng tuần hoàn.
Khi gia đình đưa bệnh nhân đến viện cấp cứu, tim đã ngừng đập quá lâu, não tổn thương nghiêm trọng. Tiên lượng rất xấu, khó hồi phục.

Đột tử cần ép tim, đột quỵ không ép tim - Ảnh minh họa BVCC
Để phân biệt đột tử và đột quỵ, các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai cho biết:
Đứng trước tình trạng người gặp nạn: ngất, bất tỉnh, việc đầu tiên cần kiểm tra dấu hiệu tuần hoàn bằng cách đặt tay dưới gốc hàm, cảm nhận nhịp đập của mạch cổ (động mạch cảnh):
Có mạch đập là đột quỵ: Cần giữ tư thế an toàn, theo dõi nhịp thở, nhanh chóng gọi cấp cứu. Tuyệt đối không lắc, đỡ dậy, vỗ mặt.
Không có mạch là đột tử: Cần ép tim ngay lập tức đến khi có mạch đập trở lại, đồng thời gọi cấp cứu. Mỗi giây chậm trễ là não bị tổn thương thêm.
Ghi nhớ bí kíp bỏ túi
Đột quỵ: Mạch vẫn đập, không ép tim
Đột tử: Tim ngừng đập, ép tim ngay. Ép tim sớm thêm cơ hội sống. Đồng thời gọi cấp cứu.