Con điện thoại từ nước ngoài khóc van nài bố mẹ ở quê đừng 'chữa bệnh' trên mạng

Từ Ma Cao gọi điện về, chị Lan bất lực khóc van xin bố mẹ đừng tin theo quảng cáo trên mạng xã hội mua những loại thực phẩm chức năng không có tác dụng chữa bệnh.

LỜI TÒA SOẠN

Giữa vô vàn quảng cáo về các loại “thần dược” trên mạng và qua mách bảo của người quen, một số người cao tuổi vô tình trở thành nạn nhân của những cái bẫy nguy hiểm. Lời hứa hẹn “chữa khỏi nhanh chóng” chỉ bằng vài viên thuốc đã khiến họ đặt trọn niềm tin, bất chấp cảnh báo từ con cái và bác sĩ. Hậu quả là không ít trường hợp rơi vào tình trạng tiền mất, tật mang, thậm chí đe dọa tới tính mạng.

Báo VietNamNet đăng tải loạt bài: Con cái bất lực vì bố mẹ già mắc bẫy "thần dược" phản ánh thực trạng đáng lo ngại trên.

Bài 1: Bố mẹ chi 20-25 triệu ‘chữa bệnh’ trên mạng mỗi tháng, con bất lực khuyên can

Van nài bố mẹ đừng tin quảng cáo

Chị Nguyễn Thị Lan (Nam Định), hiện làm việc tại Ma Cao (Trung Quốc), chia sẻ nỗi lo lắng khi người thân ở quê liên tục bị cuốn vào vòng xoáy lừa đảo. Tuổi ngoài 60, bố mẹ của chị Lan ở nhà chăm sóc các cháu và dành phần lớn thời gian lướt mạng xã hội. Nhà cửa khang trang, cuộc sống sung túc vô tình khiến ông bà trở thành "con mồi" của những kẻ bán hàng không rõ nguồn gốc.

Hai năm trước, sau khi được bác sĩ chẩn đoán thoái hóa xương khớp và mỡ máu cao, bố chị Lan bắt đầu tìm kiếm các sản phẩm sức khỏe trên mạng. Từ thùng sữa ngũ cốc giá hơn 8 triệu đồng được quảng cáo "chữa tiểu đường" đến thực phẩm chức năng không rõ xuất xứ, ông tin dùng tất cả.

Chị Lan kể, có lần bố chị nghe lời mách trên mạng về việc nhịn ăn để chữa đái tháo đường. Ông làm theo và kết quả chỉ một ngày đã bủn rủn chân tay, vã mồ hôi vì hạ đường huyết. May mắn, chị kịp phát hiện qua camera và nhờ hàng xóm hỗ trợ. "Nếu hôm đó tôi không để ý, có lẽ bố đã nguy kịch", chị Lan nghẹn ngào.

Dù con cái khuyên can, bố mẹ chị Lan vẫn tiếp tục mua các sản phẩm từ những hội thảo ở thôn, thậm chí tham gia các tour du lịch "0 đồng" để rồi mang về cả túi thực phẩm chức năng vô tác dụng.

"Tôi từng khóc lóc, van nài bố mẹ đừng tin quảng cáo trên mạng nữa nhưng chỉ được một thời gian, tháng sau họ lại tiếp tục mua", chị Lan thở dài.

Tương tự, chị Thúy Hạnh (Thạch Thất, Hà Nội) cũng rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười khi mẹ trở thành "tín đồ" của các chương trình quảng cáo trên mạng.

Ba tháng trước, mẹ chị nhận lời mời khám răng miễn phí, có xe đưa đón tận nơi. Tại nha khoa, bà được chẩn đoán đủ thứ bệnh về răng miệng và được yêu cầu bọc sứ với giá 5,4 triệu đồng/hàm.

"Chỉ chậm vài phút, mẹ tôi đã bị mài răng", chị Hạnh kể lại. Ngoài ra, mẹ chị còn tham gia các chuyến đi lễ miễn phí ở Tam Đảo, nơi bà bị lôi kéo nghe giới thiệu về thực phẩm chức năng và mang về một túi đầy muối hồng, sữa, thuốc.

"Khó khuyên mẹ tôi lắm, mắng không được, nịnh cũng chẳng xong", chị Hạnh than thở.

Câu chuyện của bà N.T.B.X (78 tuổi, Long Biên, Hà Nội) còn khiến người nghe xót xa hơn. Tin theo các video trên mạng cho rằng ăn thịt đỏ gây ung thư, bà kiêng khem triệt để, chỉ ăn rau luộc và cơm muối vừng. Hậu quả, bà suy kiệt, phải nhập viện. Dù bác sĩ khuyên ăn uống đủ chất, bà vẫn bị ám ảnh bởi những lời khuyên bảo trên mạng, cho rằng bệnh tật đều từ miệng mà ra.

"Con cái nói nhưng mẹ tôi không nghe, thua hết mấy người nổi tiếng trên mạng", chị Mai, con gái bà, buồn bã chia sẻ.

Nhóm người trên 55 tuổi dễ bị tổn thương nhất trên mạng xã hội. Ảnh minh họa cho bài viết. (Lê Anh Dũng).

Nhóm người trên 55 tuổi dễ bị tổn thương nhất trên mạng xã hội. Ảnh minh họa cho bài viết. (Lê Anh Dũng).

Cạm bẫy tinh vi rình rập, dễ trở thành nạn nhân của lừa đảo

Những câu chuyện trên không phải cá biệt. Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, nguyên giảng viên trường Đại học Y Dược TPHCM cho rằng, trong thời đại công nghệ bùng nổ, mạng xã hội không chỉ là sân chơi của giới trẻ mà còn trở thành "người bạn" thân thiết của nhiều người cao tuổi.

Lướt mạng giúp họ xoa dịu nỗi cô đơn. Chỉ cần chiếc điện thoại hay máy tính là mọi người hòa vào dòng chảy Internet sôi động, lôi cuốn. Video cảm hứng, bài viết hay phim triết lý, tất cả khiến thời gian trôi nhanh. Rồi hàng hóa muôn màu, độc đáo, quảng cáo hấp dẫn và giá rẻ nên thu hút người xem.

“Đêm nào cũng vậy, người lớn tuổi kèm theo bệnh tật của tuổi già làm cho chúng tôi ngày càng khó ngủ và lại lướt Facebook như một thói quen cố hữu. Nhưng người cao tuổi cũng cần biết giới hạn”, bác sĩ Nam, hiện đã nghỉ hưu, nói.

Đằng sau những tiện ích là các cạm bẫy lừa đảo tinh vi rình rập, khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh bất lực khi cha mẹ, ông bà trở thành nạn nhân.

Trong khi đó, mỗi người cao tuổi ở Việt Nam phải chịu 15 năm bệnh tật, chi phí chăm sóc, điều trị sức khỏe người cao tuổi cao gấp từ 7-10 lần so với người trẻ. Vì vậy, tâm lý người già thường e dè khi đến bệnh viện, họ sợ tốn kém cho con cháu nên uống thuốc cầm chừng, đang đau thì mua vài viêm giảm đau; hết đau thì thôi. Đây cũng là nguyên nhân họ tin vào những cách chữa bệnh không tốn tiền trên mạng, trở thành nạn nhân của đủ trò lừa đảo.

Theo khảo sát của Google nhân Ngày An toàn mạng thế giới 2024, 90% người dùng Internet tại Việt Nam từng tiếp xúc với lừa đảo trực tuyến. Đặc biệt, nhóm trên 55 tuổi dễ bị tổn thương nhất, với 49% từng bị lừa. Cục An toàn thông tin cũng ghi nhận xu hướng lừa đảo nhắm vào người cao tuổi ngày càng gia tăng. Đáng chú ý, tỷ lệ bị lừa không khác biệt nhiều giữa khu vực nông thôn (69%) và thành thị (73%), hay giữa những người dùng mạng nhiều (69%) và ít (75%). Điều này cho thấy, sự cẩn trọng và nhận thức về an toàn mạng mới là yếu tố quyết định.

Để bảo vệ cha mẹ, ông bà khỏi những cạm bẫy lừa đảo trên mạng, bác sĩ Nam cho rằng, các gia đình cần kiên nhẫn trò chuyện, hướng dẫn họ nhận diện thông tin sai lệch. Đồng thời, cộng đồng và các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn trực tuyến. Trong tương lai, việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế cho người cao tuổi vô cùng quan trọng và cần được quan tâm.

Kỳ tới: Hai con trai bất lực, nước mắt trực trào khi bố ung thư đòi chữa bằng phơi nắng

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/con-dien-thoai-tu-nuoc-ngoai-khoc-van-nai-bo-me-o-que-dung-chua-benh-tren-mang-2410876.html
Zalo