Người đàn ông 52 tuổi ở Phú Thọ đột quỵ ngay lúc uống rượu, người nhà nhanh trí làm việc này
Bất ngờ mất dần ý thức, rơi vào trạng thái hôn mê trong lúc uống rượu nhà bạn, nhận thấy dấu hiệu bất thường, người nhà lập tức gọi điện đến Trạm Y tế để được hỗ trợ.
Theo thông tin từ BVĐK Phú Thọ, người bệnh Đ.V.Q, 52 tuổi, trú tại phường Nông Trang, tỉnh Phú Thọ. Trong lúc đang uống rượu với bạn tại nhà, người bệnh bất ngờ mất dần ý thức, rơi vào trạng thái hôn mê. Nhận thấy dấu hiệu bất thường, người nhà lập tức gọi điện đến Trạm Y tế để được hỗ trợ.
Ngay khi tiếp nhận thông tin, cán bộ Trạm Y tế đã nhanh chóng kết nối với bác sĩ tại Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Dưới sự hướng dẫn chuyên môn từ các bác sĩ tại Trung tâm, người bệnh được sơ cứu ban đầu và chuyển đến Bệnh viện nhanh nhất trong thời gian "giờ vàng".

Hình ảnh bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho người bệnh. Ảnh: BVCC
Qua thăm khám kết hợp các biện pháp chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ xác định người bệnh bị nhồi máu não do tắc động mạch não lớn – Nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách sẽ để lại di chứng rất nặng nề.
Ngay lập tức, người bệnh được chỉ định chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) kết hợp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học.
Nhờ được đưa đến bệnh viện trong "khung giờ vàng" và được xử trí can thiệp kịp thời, sau 3 ngày điều trị tích cực, người bệnh đã hồi phục tốt, có thể tự đi lại, sinh hoạt bình thường.
Trường hợp của người bệnh Q. một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống cấp cứu đột quỵ được tổ chức đồng bộ, kết nối giữa Trung tâm chuyên sâu và tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Đây chính là yếu tố quyết định giúp người bệnh được tiếp cận điều trị sớm, gia tăng cơ hội sống và tránh được những di chứng không mong muốn.
Cần làm gì khi có dấu hiệu đột quỵ não?
- Khi thấy người nghi bị đột quỵ não, một trong những việc đầu tiên và quan trọng nhất cần làm là gọi ngay cấp cứu 115 và gọi người hỗ trợ.
- Người nhà cần hết sức bình tĩnh thay vì hoảng loạn. Cố gắng xác định thời điểm xảy ra đột quỵ và tình trạng của người bệnh để cung cấp cho nhân viên y tế cấp cứu và thực hiện theo hướng dẫn.
- Người nhà có thể dìu người bệnh tránh để người bệnh bị ngã, chấn thương. Để người bệnh nằm ở nơi thoáng mát, kê cao đầu từ 20-30 độ, nằm nghiêng để tránh sặc khi bị nôn, lau sạch đờm dãi, nới lỏng quần áo, phụ kiện để người bệnh dễ thở.
- Nếu người bệnh còn tỉnh, giao tiếp được hoặc khi có người hỗ trợ, hỏi thông tin về tình trạng bệnh lý, lịch sử và kết quả khám chữa bệnh, các thuốc đang sử dụng, để có thể trao đổi khi nhân viên 115 tới hoặc với bác sĩ khi tiếp nhận người bệnh. Các thông tin này hết sức có ích cho quá trình cấp cứu và điều trị người bệnh.
- Nếu người bệnh bị rối loạn ý thức, kiểm tra mạch của người bệnh. Nếu người bệnh bị ngưng tim thực hiện ngay hồi sức tim phổi (hô hấp nhân tạo). Bạn có thể thông báo cho nhân viên y tế qua tổng đài cấp cứu 115 để được hướng dẫn khi bạn không biết cách làm.
Dấu hiệu cảnh báo sớm đột quỵ não
Đột quỵ não là bệnh hết sức nguy hiểm, có thể để lại di chứng nặng nề, thậm trí ảnh hưởng tới tính mạng. Hiện tại, hội tim mạch Mỹ (AHA) cũng như nhiều tổ chức khác sử dụng dấu hiệu BE FAST là cụm các chữ cái đầu trong các triệu chứng chính của đột quỵ não để nhận biết sớm đột quỵ não:
B (BALANCE): Diễn tả triệu chứng khi bệnh nhân đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động.
E (EYESIGHT): Thể hiện việc bệnh nhân bị mờ mắt (giảm thị lực) hoặc mất hoàn toàn thị lực của 1 hoặc cả 2 mắt.
F (FACE): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn.
A (ARM): Bệnh nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc.
S (SPEECH): Bệnh nhân khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.