Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả: Ưu tiên hàng đầu
Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đã trở thành xu thế tất yếu và là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Cần thiết ban hành Luật
Ngày 29/4, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tiến hành thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long
Đề cập của sự cần thiết của dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, sau 15 năm triển khai thi hành, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã bộc lộ một số bất cập cần phải rà soát sửa đổi, bổ sung để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn.
Mục đích ban hành của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm thể chế hóa đầy đủ, hiệu quả các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đồng thời, nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trước những thách thức từ các rào cản kỹ thuật của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản và các khu vực khác trên thế giới thông qua các công cụ hỗ trợ tài chính, cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư các dự án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu thông qua cơ chế quỹ.
Cùng với đó, thúc đẩy phát triển, mở rộng thị trường cho các ngành dịch vụ tư vấn năng lượng; góp phần chủ động, tích cực thực hiện các cam kết khi tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26).
Dự thảo Luật được bám sát theo 4 chính sách đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời sửa đổi, bổ sung 21 khoản thuộc 19 điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ban hành năm 2010.
Ủy viên là Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hoàng Hải khẳng định, Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát, đối chiếu, đánh giá từng nội dung trong 4 nhóm chính sách với các quy định của dự thảo Luật để bảo đảm đồng bộ; các nội dung sửa đổi phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật cần tiếp tục rà soát, thể chế hóa rõ hơn một số nội dung về cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực cho chuyển đổi công nghiệp xanh, bền vững và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong điều kiện nguồn năng lượng Việt Nam còn thiếu; thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh trên nền tảng công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… nhằm đạt chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng được nêu trong Nghị quyết số 55-NQ/TW.
Xu thế tất yếu
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh, trong bối cảnh an ninh năng lượng toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, nguồn cung năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp và yêu cầu cấp bách về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã trở thành xu thế tất yếu và là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, Việt Nam đã ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào năm 2010. Qua hơn một thập kỷ triển khai, Luật đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy các hoạt động tiết kiệm năng lượng trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, cùng với những cam kết quốc tế mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính (đặc biệt là cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại COP 26) đòi hỏi chúng ta phải có những điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện khung khổ pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho phù hợp với tình hình mới.
Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điểu của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là rất cần thiết.
Qua những ý kiến đóng góp tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật cũng như chất lượng, tính kịp thời của dự thảo Báo cáo thẩm tra chính thức của cơ quan chủ trì. Những ý kiến của các đại biểu đã được ghi chép đầy đủ để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình.
Ông Lê Quang Huy cũng đề nghị Thường trực Ủy ban phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu thảo luận, hoàn chỉnh dự án Luật trình xin ý kiến các thành viên Ủy ban trước khi trình Quốc hội xem xét.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long ghi nhận và giải trình những ý kiến, đề xuất của các đại biểu. Những ý kiến đều rất xác đáng, thuyết phục để cơ quan soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điểu của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tiếp tục nghiên cứu, rà soát trong quá trình hoàn thiện dự án Luật trước khi gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xem xét trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.