Tự lực, tự cường về KH-CN là con đường tất yếu để Việt Nam hưng thịnh

'Tự lực, tự cường về khoa học và công nghệ không chỉ là khát vọng, mà là con đường tất yếu để Việt Nam vươn tới hưng thịnh'.

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) Nguyễn Mạnh Hùng vào ngày 28.4. Bộ trưởng nhấn mạnh: "Hiện đại hóa đất nước phải lấy KH-CN làm nền tảng, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực. Kiên trì tự lực, tự cường về KH-CN, làm chủ công nghệ chiến lược, phát triển năng lực đổi mới sáng tạo toàn dân, đó chính là cách Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045".

Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng - Ảnh: Bộ KH-CN

Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng - Ảnh: Bộ KH-CN

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, KH-CN mà mạnh thì quốc gia mới mạnh. KH-CN không phải vì KH-CN mà phải vì sự hưng thịnh quốc gia, đóng góp cho nhân loại. Một quốc gia muốn trở thành cường quốc thì phải là cường quốc KH-CN. Một quốc gia muốn trở thành nước phát triển thì phải là một quốc gia có KH-CN phát triển.

Hiện đại hóa Việt Nam phải dựa vào hiện đại hóa KH-CN làm nền tảng. Phát triển chất lượng cao phải dựa vào KH-CN. Phát triển 2 con số phải dựa vào KH-CN. Bởi vậy, KH-CN là cái nền quốc gia.

Con đường phát triển KH-CN Việt Nam: Thứ nhất là KH-CN hướng vào phát triển kinh tế - xã hội, giải các bài toán lớn quốc gia; thứ hai là chuyển đổi số (CĐS) toàn diện để tạo đất cho KH-CN, đổi mới sáng tạo (ĐMST); thứ ba là ĐMST toàn dân để phát triển KH-CN; thứ tư là KH-CN tập trung vào làm chủ các công nghệ chiến lược, các công nghệ mà Việt Nam có nhu cầu lớn nhưng đang phụ thuộc; thứ năm là gắn KH-CN với công nghiệp, với đổi mới công nghiệp, hỗ trợ phát triển năng lực sản xuất; thứ sáu nhân tài là cốt lõi; thứ bảy là đổi mới hệ thống quản trị KH-CN.

Thể chế KH-CN phải liên tục được cải cách để khơi dậy tính chủ động, tích cực và sáng tạo của nhà khoa học, kỹ sư, hướng tới làm chủ công nghệ, tự lực, tự cường trong KH-CN. Tái cấu trúc hệ thống KH-CN, tái cấu trúc các cơ cấu chi, nâng cao năng lực đổi mới của các chủ thể, cá nhân hoạt động KH-CN. Loại bỏ các rào cản tư duy, rào cản cơ chế đối với KH-CN. Trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các tổ chức và cá nhân nghiên cứu KH-CN. Xây dựng thể chế trở thành lợi thế cạnh tranh về KH-CN.

Phân bổ đủ nguồn lực quốc gia để KH-CN thực sự trở thành động lực phát triển (3% ngân sách nhà nước cho KH-CN, ĐMST). Vai trò quyết định của thị trường trong phân bổ nguồn lực cho KH-CN, đồng thời tận dụng vai trò của Nhà nước để mồi, khơi dậy sự tích cực ở các khâu nghiên cứu, sản xuất và đào tạo. Luật KH-CN sửa đổi phải thể hiện được các định hướng này.

KH-CN hướng tới giải quyết các bài toán lớn của quốc gia: Tăng trưởng 2 con số, tinh gọn bộ máy, tăng trưởng chất lượng cao, giải quyết ô nhiễm môi trường, tăng cường tiềm lực bảo vệ tổ quốc, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045...

Bộ trưởng cũng cho rằng phải coi ĐMST và CĐS là đặc điểm lớn nhất của phát triển KH-CN giai đoạn này. ĐMST và CĐS thì dễ hơn KH-CN, nhưng lại mang tính quyết định trong sự phát triển của Việt Nam. ĐMST và CĐS cũng là bước trung gian để tiến tới làm chủ công nghệ. Kiên trì con đường tự lực, tự cường KH-CN để nắm quyền chủ động.

Luật Khoa học - Công nghệ được sửa đổi thành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, đặt ĐMST ngang với KH-CN để nhấn mạnh khía cạnh ứng dụng của KH-CN. Cường quốc KH-CN phải thông qua cường quốc về ĐMST. Các tổ chức nghiên cứu KH-CN phải gắn với các tổ chức ĐMST. KH-CN là tìm ra hạt giống, nhưng gieo trồng ở mảnh đất nào, chăm sóc cho đến khi thu hoạch là công đoạn tiếp theo của KH-CN, là ĐMST. KH-CN mà bị đứt gãy, không nối được với ĐMST thì là thất bại.

KH-CN hướng tới làm chủ các công nghệ chiến lược của Việt Nam. Tiến tới tự lực, tự chủ và tự cường về KH-CN. Công nghệ chiến lược phải dẫn đến các sản phẩm chiến lược và các ngành công nghiệp chiến lược. Vì chỉ khi trở thành ngành công nghiệp thì tác động vào nền kinh tế mới đủ lớn. Bởi vậy, KH-CN phải hướng tới các sản phẩm chiến lược, các ngành công nghiệp chiến lược. Cách mà chúng ta làm chủ công nghệ lõi là đi từ làm chủ sản phẩm, làm chủ thiết kế sản phẩm, tích hợp thành sản phẩm thương mại. Đây là giai đoạn trung gian để tiến tới làm chủ công nghệ.

Người đứng đầu ngành KH-CN nhấn mạnh: "Một đồng Nhà nước chi cho KH-CN phải mồi được, kéo được 3-4 đồng nghiên cứu của doanh nghiệp. 70-80% ngân sách nghiên cứu KH-CN là tài trợ cho hoạt động nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp, chứ không như trước đây, hầu như không tài trợ cho doanh nghiệp. Tài trợ doanh nghiệp thì theo công thức đồng tài trợ: nhà nước chi 25%, doanh nghiệp chi 75%. Chi cho viện, trường thì cơ bản Nhà nước phải bỏ ra 100%".

Theo đó, cần phải phát huy vai trò của các doanh nghiệp lớn trong nghiên cứu phát triển, nhất là phát triển các công nghệ chiến lược. Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp chủ trì hoặc tham gia các dự án KH-CN quan trọng của quốc gia; dẫn dắt doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ với các viện, trường, cùng nhau giải quyết các vấn đề KH-CN trong ngành, phối hợp tiến hành các nghiên cứu, tạo ra nhân tài trong lĩnh vực KH-CN; chuyển cơ bản toàn bộ nghiên cứu cơ bản về đại học - nơi có nhân lực tốt nhất và dồi dào nhất, đó là giáo sư, giáo viên, nghiên cứu sinh, sinh viên.

"Cơ cấu lại các chương trình KH-CN. Bỏ hình thức, bỏ dàn trải, tập trung theo hướng ít mà trúng. Hiện chúng ta đang tài trợ quá nhiều (trên 40 chương trình) nhưng hiệu quả không rõ ràng. Phải tái cơ cấu lại chỉ còn dưới 10 chương trình. Bám sát vào các công nghệ chiến lược, các lĩnh vực mũi nhọn mà Việt Nam có nhu cầu và năng lực, để cơ cấu lại. Tài trợ thì lớn hơn, không chỉ vài tỉ đồng, mà còn là vài chục tỉ, vài trăm tỉ và lớn hơn. Quản lý đầu ra cho thật rõ, nhưng kiểm toán đầu vào nhẹ hơn", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhà khoa học không chỉ là người có bài báo, có chức danh khoa học, có bằng cấp hay có giải thưởng mà phải là người có bằng sáng chế được ứng dụng trong thực tế tạo ra giá trị cao cho tăng trưởng kinh tế, hoặc nâng cao tri thức nền. Các tri thức mới, giải pháp mới (lý thuyết, mô hình, thuật toán, công nghệ, hoặc chính sách) được tìm ra có tác động thực tế thông qua kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào sản phẩm, công nghệ, chính sách hoặc giải pháp xã hội.

Người nghiên cứu được khoán chi phí, được sở hữu kết quả nghiên cứu để mang đi thương mại hóa, được hưởng lợi từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Nhà khoa học thương mại hóa được kết quả nghiên cứu thì thu nhập đó được miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân.

Cần xây dựng một chương trình quốc gia quy mô lớn về nâng cấp công nghệ cho các doanh nghiệp theo từng chuỗi. Chọn ra 1% (10.000) những doanh nghiệp quan trọng nhất của các chuỗi (thí dụ dệt may, chế biến nông sản, vật liệu xây dựng...) để nâng cấp công nghệ.

Về cơ cấu chi cho KHCN/ĐMST/CĐS từ ngân sách nhà nước, Bộ trưởng cho rằng là tương đương nhau.

Cơ cấu chi cho KH-CN theo 3 cấu thành chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển và chi nhiệm vụ là: 10/20/70. Dành phần lớn tiền chi cho các nhiệm vụ KH-CN. Liên tục đầu tư hàng năm, mỗi năm 5.000 tỉ đồng, để phát triển cơ sở vật chất, nhất là các phòng thí nghiệm trọng điểm, hình thành hạ tầng KH-CN.

Cơ cấu chi nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và nhiệm vụ phát triển công nghệ là: 15/85. Dành 85% chi KH-CN cho phát triển công nghệ. Chi nghiên cứu khoa học chiếm 15% nhưng về số tuyệt đối là gấp 4-5 lần so với năm 2024.

Cơ cấu chi nhiệm vụ KH-CN giữa viện, trường và doanh nghiệp: 20/80. Dịch chuyển mạnh mẽ phát triển công nghệ về doanh nghiệp.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tu-luc-tu-cuong-ve-kh-cn-la-con-duong-tat-yeu-de-viet-nam-hung-thinh-232099.html
Zalo