Su-35S hộ tống Su-34 phá hủy cứ điểm của Ukraine ở Kursk
Từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra, giới phân tích quân sự đã đặt nhiều giả thuyết về vai trò của Su-35S như một máy bay hộ tống cho oanh tạc cơ Su-34.
Mặc dù khả năng tác chiến của Su-35S khiến nhận định này có cơ sở, Moscow vẫn giữ im lặng cho đến khi chính thức xác nhận vai trò này gần đây.
Trong một tuyên bố ngày 31/1, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận rằng một chiếc Su-34, được hộ tống bởi máy bay chiến đấu đa năng Su-35S, đã thực hiện cuộc không kích nhằm vào một cứ điểm quân sự của Ukraine.
"Máy bay ném bom chiến đấu siêu thanh Su-34, với sự hộ tống của Su-35S, đã cất cánh từ căn cứ và tiến hành cuộc tấn công vào vị trí của lực lượng vũ trang Ukraine", tuyên bố cho biết. Cuộc không kích được thực hiện bằng các mô-đun lập kế hoạch và hiệu chỉnh tiên tiến và theo báo cáo tình báo, mục tiêu đã bị phá hủy thành công.
Su-35S – Lựa chọn hộ tống chiến lược
Việc Nga chính thức xác nhận Su-35S là máy bay hộ tống cho Su-34 đánh dấu một bước tiến mới trong chiến lược tác chiến trên không. Điều này phản ánh nhu cầu bảo vệ các tài sản quan trọng như Su-34 trong môi trường chiến sự đầy rủi ro.
Thay vì sử dụng phiên bản Su-35SM tiên tiến hơn, Nga chọn Su-35S cho vai trò này vì một số lý do chiến thuật và hậu cần. Dù Su-35SM có hệ thống điện tử hàng không và cảm biến tối tân hơn, Su-35S vẫn là một nền tảng chiến đấu mạnh mẽ, phù hợp với nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không và hộ tống.
Được trang bị radar mạnh mẽ cùng vũ khí hiện đại, Su-35S có thể bảo vệ Su-34 – một oanh tạc cơ kém cơ động và dễ bị tấn công – khi hoạt động trong không phận tranh chấp. Sự hiện diện của Su-35S giúp Su-34 tập trung vào nhiệm vụ ném bom mà không lo bị tiêm kích hoặc hệ thống phòng không của đối phương đe dọa.
Ngoài ra, quyết định sử dụng Su-35S còn mang ý nghĩa chiến lược trong việc phân bổ nguồn lực. Với số lượng nhiều hơn Su-35SM, các chiến đấu cơ Su-35S có thể được triển khai rộng rãi mà không ảnh hưởng đến các nhiệm vụ quan trọng khác của Su-35SM, nơi cần đến khả năng tác chiến điện tử vượt trội.
Su-35S là chiến đấu cơ đa nhiệm tiên tiến do Sukhoi phát triển, dựa trên dòng Su-27 nhưng được nâng cấp đáng kể về hệ thống điện tử hàng không, cảm biến và khung thân.
Máy bay này được trang bị radar Zhuk-A, một hệ thống radar mảng pha có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách hơn 400 km, theo dõi đồng thời 30 mục tiêu và tấn công cùng lúc 8 mục tiêu. Ngoài radar hiện đại, Su-35S còn có hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST), giúp phát hiện các máy bay tàng hình hoặc khó nhận diện ở tầm trung và gần.
Sức mạnh của Su-35S còn đến từ 2 động cơ Saturn AL-41F1S với khả năng điều hướng lực đẩy 3D, giúp máy bay đạt tốc độ tối đa Mach 2.25 và thực hiện các động tác cơ động siêu hạng trong không chiến tầm gần.
Kho vũ khí của Su-35S cũng rất đa dạng, với khả năng mang tới 8 tấn vũ khí trên 12 giá treo. Máy bay có thể triển khai tên lửa không đối không R-77, R-73, cùng các loại vũ khí không đối đất như tên lửa Kh-31 và Kh-59, giúp nó linh hoạt trong cả tác chiến phòng không lẫn tấn công mặt đất.
Bên cạnh khả năng chiến đấu vượt trội, Su-35S còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử hiện đại giúp giảm nguy cơ bị phát hiện và bị tấn công. Công nghệ điều khiển điện tử (fly-by-wire) tiên tiến giúp giảm tải công việc cho phi công, cho phép điều khiển chính xác hơn trong các tình huống chiến đấu căng thẳng.
Dù không phải là tiêm kích tàng hình như F-22 hay F-35 của Mỹ, Su-35S vẫn có thiết kế giúp giảm tiết diện radar đáng kể, mang lại lợi thế trong môi trường tác chiến điện tử dày đặc.