'Sống như con chuột trong cống', lựa chọn của nhiều người trẻ Trung Quốc

Những thanh niên Trung Quốc theo đuổi lối sống ít năng lượng, tránh xa thành công tự gọi mình là 'người chuột' - từ lóng thu hút hơn 2 tỷ lượt tìm kiếm trực tuyến.

Không giống số đông có lối sống kỷ luật thường thức dậy lúc 5h, đến phòng tập thể dục và tuân theo lịch trình dày đặc trong ngày, những bạn trẻ theo đuổi lối sống "người chuột" lại sống theo cách chậm rãi. Họ dành cả ngày trên giường, sống bằng thức ăn mang về, tránh giao tiếp và không có mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống.

Nhiều bạn trẻ Trung Quốc theo lối sống "người chuột". (Ảnh: SCMP)

Nhiều bạn trẻ Trung Quốc theo lối sống "người chuột". (Ảnh: SCMP)

Thuật ngữ "người chuột" xuất hiện sau một video xuất hiện trực tuyến vào cuối tháng 2, trong đó một cô gái trẻ (sống tại tỉnh Chiết Giang, được biết đến với tài khoản @jiawensishi) chia sẻ về một ngày cực kỳ uể oải của mình.

Cô gái này nằm trên giường 3 tiếng sau khi thức dậy, rửa mặt rồi ngủ thêm 5 tiếng nữa. Cô không ăn gì cho đến khi được bố mẹ đánh thức vào buổi tối. Đến nửa đêm, cuối cùng cô cũng bắt đầu dậy dỡ đồ đạc của một tuần, nhưng vẫn không tắm cho đến tận 2 giờ sáng. Tự gọi mình là “người chuột”, cô mô tả lối sống chậm chạp, ẩn dật của mình "giống như con chuột trong cống".

Video này lan truyền mạnh trên mạng, thu hút hơn 400.000 lượt thích và những bình luận gọi đây là "vlog dễ đồng cảm nhất từ trước đến nay".

“Chúng ta đã chán ngán lối sống bóng bẩy, nhanh chóng, siêu hiệu quả mà chúng ta phải chịu đựng. Chúng ta chỉ muốn được tự do nằm xuống bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào chúng ta muốn", đây là bình luận phổ biến tóm tắt hoàn hảo tư duy của những "người chuột".

Những "người chuột” dành hàng giờ liền trên giường dán mắt vào điện thoại di động. (Ảnh: Weixin)

Những "người chuột” dành hàng giờ liền trên giường dán mắt vào điện thoại di động. (Ảnh: Weixin)

Từ lóng này gợi lại xu hướng “nằm im” trước đó của Trung Quốc, khi những người trẻ sử dụng sự hài hước và tự hạ thấp bản thân để chống lại áp lực không ngừng của xã hội. Một phụ nữ họ Lin ở Bắc Kinh chia sẻ với tờ Post rằng, cô làm việc tại nhà, tránh giao tiếp không cần thiết với đồng nghiệp, sống bằng thức ăn mang về, dành cuối tuần để ngủ và chơi game ở nhà.

“Không cần phải tỏ ra năng nổ hay tham vọng. Chúng ta không sống để gây ấn tượng với bất kỳ ai. Chỉ cần thoải mái là đủ", cô chia sẻ.

Sinh viên Trung Quốc du học tại Anh là một trong những ví dụ dễ thấy nhất về "người chuột". Đối mặt với bầu trời xám xịt, mưa nhiều và chi phí sinh hoạt cao, nhiều người chọn cách ở trong nhà, tránh giao tiếp xã hội để đảm bảo năng lượng tinh thần và thể chất.

Các bài đăng trực tuyến với từ khóa "người chuột" thu hút hơn 2 tỷ lượt xem trên mạng xã hội Trung Quốc. Một nhân vật hoạt hình có tên Big Rat, do họa sỹ minh họa Sugar Xianbei sáng tạo, đã trở thành linh vật không chính thức của những người theo lối sống "người chuột".

Tính đến tháng 4, doanh số bán hàng của sản phẩm có hình ảnh Big Rat đạt hơn 1 triệu nhân dân tệ (3,5 tỷ đồng). Tuy nhiên, dân mạng lo ngại sự phổ biến của lối sống này có thể làm gia tăng ảnh hưởng tiêu cực trong xã hội.

Các bài đăng với từ khóa "người chuột" thu hút hơn 2 tỷ lượt xem trực tuyến. (Ảnh: Weixin)

Các bài đăng với từ khóa "người chuột" thu hút hơn 2 tỷ lượt xem trực tuyến. (Ảnh: Weixin)

Zhang Yong, một nhân viên công tác xã hội (sống tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) cho biết, sự xuất hiện "người chuột" phản ánh xu hướng “rút lui khỏi xã hội” một cách sâu rộng hơn ở những người trẻ tuổi. “Đó là một cơ chế đối phó thụ động sau những thất bại. Họ giảm tiếp xúc xã hội và đơn giản hóa cuộc sống của mình để phục hồi”, Zhang nói.

Ông cũng cảnh báo rằng việc trở thành "người chuột" không thể bền vững: “Sau khi nghỉ ngơi, điều quan trọng là kết nối lại với những gì bạn yêu thích và tích cực tham gia vào cuộc sống một lần nữa".

Nhật Thùy (Nguồn: SCMP)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/song-nhu-con-chuot-trong-cong-lua-chon-cua-nhieu-nguoi-tre-trung-quoc-ar937607.html
Zalo