Sống mãi ký ức ngày toàn thắng

Tháng Tư về, phố phường Tuyên Quang ngập tràn cờ đỏ sao vàng, những khẩu hiệu rực rỡ mừng ngày thống nhất non sông. Trong không khí thiêng liêng ấy, mỗi người dân xứ Tuyên lại lặng mình tưởng nhớ về một thời đạn bom, về những ngày cả dân tộc cùng nhau đi qua gian khó, để rồi vỡ òa trong hạnh phúc khi đất nước hòa bình, Bắc - Nam liền một dải.

Niềm vui vỡ òa

Ông Bùi Văn Cường (83 tuổi, xã Hồng Sơn, Sơn Dương) - một Cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị những năm 1972 - 1974, ngồi trầm ngâm bên bàn trà khi chúng tôi ghé thăm. Mắt ông nhòa đi khi kể về thời khắc lịch sử mà ông được nghe tin chiến thắng 30/4 năm ấy: Lúc đó tôi đã xuất ngũ. Sáng 30/4, chúng tôi đang làm đồng thì nghe loa phát bản tin Đài Tiếng nói Việt Nam: Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, quân ta đã chiếm Dinh Độc Lập. Tôi đứng sững giữa ruộng, tim đập thình thịch. Nước mắt tôi rơi mà không nói nên lời. Cả làng bỏ cày bỏ cuốc chạy về trụ sở xã nghe tin, rồi ôm nhau khóc, reo mừng như đón người thân trở về từ cõi chết.

Các em học sinh tìm hiểu truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh.

Các em học sinh tìm hiểu truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh.

Bà Phạm Thúy Mơ (phường Minh Xuân, TP Tuyên Quang) từng là thanh niên xung phong phục vụ tuyến đường Trường Sơn, kể lại: Ngày đất nước thống nhất, chúng tôi mừng không tả xiết. Nhớ lại những tháng ngày trèo đèo lội suối, tránh bom đạn, khổ cực, thiếu thốn, tôi chỉ nghĩ một điều: chỉ cần hòa bình, mọi gian khổ đều xứng đáng.

Bà Nguyễn Thị Chiên, nguyên cán bộ Ty Thương nghiệp tỉnh cho biết: Tôi đang làm việc thì nghe radio vang lên: “Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện”. Tôi không tin vào tai mình nữa. Mọi người trong cơ quan đang cắm cúi làm việc bỗng cùng nhau đứng bật dậy, ôm chầm lấy nhau vui mừng. Sau bao năm gian khổ, đất nước mình cuối cùng đã thống nhất.

Khi tỉnh tổ chức mít tinh mừng ngày chiến thắng, tại sân vận động tỉnh, hàng nghìn người dân đã tự tập trung mừng chiến thắng. Những bài hát như “Giải phóng miền Nam”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” vang lên từ loa phóng thanh, hòa cùng tiếng vỗ tay, tiếng hát đồng thanh của cả nghìn người. Ông Vũ Văn Chiến, phường Minh Xuân kể lại: Không ai bảo ai, người dân mang cờ đỏ sao vàng, ảnh Bác Hồ, ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mũ cối, khăn quàng ra đường. Tiểu thương chợ Tam Cờ cũng bỏ phiên bán hàng, người dân vỗ tay, reo vui, chia nhau từng mẩu tin nóng hổi. Một cảm giác tự hào và xúc động đến rơi nước mắt.

Ông Nguyễn Văn Mạch, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa nhớ lại: Năm 1975, khi đó tôi là cán bộ của Ty Văn hóa phụ trách Tập san Văn nghệ Tuyên Quang (3 tháng ra 1 số). Ngày đó thông tin còn rất hạn chế, để Nhân dân nắm được tình hình chiến thắng miền Nam, Ty văn hóa giao cho nhóm họa sỹ làm tấm pano bản đồ Việt Nam treo tại khu vực ngã ba Quảng Tường (nay là khu vực ngã ba giáp sông Lô và Quảng trường Nguyễn Tất Thành). Anh họa sỹ có nhiệm vụ nghe tin chiến thắng qua radio tới địa danh nào thì đánh dấu hình cờ Tổ quốc lên đó. Đến ngày chiến thắng dồn dập, tâm lý ai cũng háo hức chờ đợi. Những người làm tập san văn nghệ như chúng tôi đứng ngồi không yên bèn xin phép lãnh đạo Ty Văn hóa cho phép xuất bản báo với mong muốn kịp thời diễn tả hết những cảm xúc của người dân, chào mừng chiến thắng. Ấn phẩm đầu tiên xuất bản là “Bình Thuận ơi! Giải phóng rồi”, đó là những bài báo viết lên cảm xúc của người dân Tuyên Quang đối với tỉnh Bình Thuận kết nghĩa khi được giải phóng. Ấn phẩm thứ 2 là chào mừng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tờ báo chỉ có 8 trang nhưng chứa đựng nhiều thông tin, cảm xúc về chiến thắng. Hôm tỉnh tổ chức mít tinh chào mừng chiến thắng, anh em trong ban văn nghệ tổ chức mang báo ra sân vận động phát báo miễn phí cho người dân. Chúng tôi cảm thấy tự hào vì đã nhanh chóng góp một phần vào ngày vui chiến thắng.

Những đóng góp của Tuyên Quang trong kháng chiến chống Mỹ

Hơn 46.000 lượt thanh niên của tỉnh lên đường nhập ngũ, tham gia các chiến dịch lớn như Đường 9 - Nam Lào, chiến dịch Trị - Thiên, chiến dịch Hồ Chí Minh...

Hàng ngàn người con ưu tú đã anh dũng hy sinh, để lại máu xương trên khắp dải đất miền Nam, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Chi viện hơn 8.000 tấn lương thực, hàng trăm tấn thực phẩm, thuốc men, dụng cụ y tế, hàng ngàn phương tiện thủ công phục vụ chiến trường.

Hàng chục nghìn ngày công của nông dân, dân công hỏa tuyến tham gia vận chuyển đạn dược, tiếp tế, mở đường, phục vụ hậu cần.

Tuyên Quang phải hứng chịu 342 trận đánh phá của máy bay Mỹ, với hơn 1.100 tấn bom đạn, khiến 251 người thiệt mạng, 404 người bị thương; nhiều làng mạc, trường học, bệnh viện, kho tàng bị phá hủy.

Là nơi đóng quân, huấn luyện, tập kết của các đơn vị chủ lực trước khi vào Nam chiến đấu. Nhiều địa phương như Sơn Dương, Chiêm Hóa, Hàm Yên là căn cứ hậu cần chiến lược.

Nơi nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh, đùm bọc cán bộ miền Nam tập kết, tổ chức học văn hóa, sản xuất khí tài quân dụng thô sơ.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Tuyên Quang có các phong trào thi đua lan rộng khắp tỉnh như

►“Ba sẵn sàng” trong thanh niên - tình nguyện lên đường, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
►“Năm xung phong” trong phụ nữ - xung phong tòng quân, sản xuất giỏi, nuôi con khỏe, giữ gìn an ninh.
►“Tất cả vì miền Nam ruột thịt” - gửi thư, mũ áo, khăn tay, lương thực ra tiền tuyến.
►“Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” - phương châm hành động của Nhân dân toàn tỉnh.

(Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, 1940 - 1975)

Những giọt nước mắt lặng thầm từ hậu phương

Không chỉ là hậu phương, Tuyên Quang còn là nơi hàng vạn thanh niên tình nguyện lên đường nhập ngũ, mang theo niềm tin “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và lời thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trong ngày vui đại thắng, không ít gia đình lặng lẽ khóc bên bàn thờ người thân - những người mãi mãi nằm lại nơi chiến trường.

Trong căn nhà nhỏ ở phường Hưng Thành, TP Tuyên Quang, ký ức về ngày 30/4/1975 vẫn còn in đậm trong tâm trí bà Phạm Thị Ân, người phụ nữ suốt những năm tháng chống Mỹ nuôi con, rồi trông ngóng từng cánh thư chồng mình gửi về từ chiến trường. Ước mong về ngày chiến thắng của bà gửi gắm vào tên 2 người con, một người tên Chiến, một người tên Thắng. Bà kể: “Hôm ấy tôi đang giặt áo cho con thì nghe tiếng loa xã vang lên tin chiến thắng. Chân tay tôi bủn rủn, nước mắt cứ thế trào ra. Tôi chạy vào nhà, mở hòm gỗ, ôm chặt tấm ảnh ông ấy. Ông đi biền biệt hết đánh Pháp rồi đánh Mỹ. Lúc đó tôi chỉ biết ông đang ở trong Nam, đánh nhau ở đâu thì không rõ, ngày nào cũng mong, cũng đợi”.

Khi cả thị xã đổ ra đường mừng chiến thắng, bà Ân không ra ngoài. Bà ngồi trong nhà, một tay lau nước mắt, một tay xếp lại những bức thư cũ chồng gửi từ chiến trường B. Bà thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên, cầu trời cho ông trở về. Hơn một tháng sau ngày thống nhất, gia đình bà mới nhận được tin chồng bà vẫn sống, đang hành quân về Bắc cùng đơn vị. Chiến thắng 30/4, với bà Ân, không chỉ là dấu mốc của đất nước hòa bình, mà còn là ngày đoàn tụ sau nhiều năm ly biệt, là khoảnh khắc yêu thương vượt lên mọi gian khó của chiến tranh.

Tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh nhiều năm nay, cứ mỗi dịp 30/4, từng dòng người đến dâng hương, đặt những bó hoa tươi lên mộ các anh hùng liệt sĩ. Cụ Lê Văn Hảo (85 tuổi), từng tham gia chống Mỹ, chậm rãi nói: “Chúng tôi đến đây để nói với các đồng đội đã hy sinh rằng đất nước đã độc lập, Nhân dân đang sống trong hòa bình. Máu các anh đổ xuống, giờ đã đơm hoa kết trái”.

Chiến thắng 30/4/1975 không chỉ là dấu mốc kết thúc chiến tranh, mà còn là khởi đầu của hành trình mới, hành trình dựng xây và bảo vệ đất nước trong hòa bình. Với người dân Tuyên Quang, ký ức chiến thắng ấy luôn lắng sâu trong tim, trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho mọi hành động hôm nay. Không có sự hy sinh nào là vô nghĩa, không có chiến công nào là ngẫu nhiên. Và hôm nay, giữa phố phường sáng đèn, giữa dòng người đang hối hả trong công cuộc đổi mới, lời ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” vẫn vang lên như lời nhắn nhủ của lịch sử. Những hồi ức ấy, những giọt nước mắt trong ngày vui ấy, như một bản trường ca sống mãi với thời gian. Và mỗi độ tháng Tư về, mỗi người dân Tuyên Quang lại lắng lòng tưởng nhớ để từ đó bước tiếp trên con đường dựng xây quê hương giàu mạnh, xứng đáng với sự hy sinh của lớp lớp cha anh năm xưa.

Bài, ảnh: Thanh Phúc

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/song-mai-ky-uc-ngay-toan-thang-210948.html
Zalo