Sông Mã chăm sóc nhãn trái vụ

Áp dụng khoa học, kỹ thuật, điều chỉnh chế độ chăm sóc nhãn ra hoa, đậu quả rải vụ, là giải pháp giúp nhiều hộ dân trồng nhãn trên địa bàn huyện Sông Mã nâng cao hiệu quả canh tác.

Nông dân xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã chăm sóc vườn nhãn trái vụ.

Nông dân xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã chăm sóc vườn nhãn trái vụ.

Chiềng Cang là xã trồng nhiều nhãn của huyện Sông Mã. Từ lâu cây nhãn bén rễ tại vùng đất này, do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, quả nhãn có mẫu mã đẹp, cùi dày, vị ngọt đậm, được người tiêu dùng ưa thích. Hiện nay, xã có hơn 800 ha nhãn cho thu hoạch, tập trung ở các bản Chiềng Cang, Chiềng Xôm, Anh Trung, Bó Lạ, bản Tre; trong đó trên 200 ha nhãn chín sớm, sản lượng hơn 1.600 tấn. Đặc biệt, bà con nông dân áp dụng kỹ thuật trong chiết, ghép, sử dụng quy trình chăm sóc nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; nhiều hộ còn đầu tư hệ thống phun tưới ẩm, cung cấp đủ nước cho cây nhãn trong quá trình ra hoa, đậu quả, tạo ra quả nhãn chín sớm, cho thu nhập cao hơn so với quả nhãn chính vụ.

Anh Lò Văn Thưởng, bản Chiềng Xôm, xã Chiềng Cang, cho biết: Gia đình tôi có 3 ha nhãn, 4 năm gần đây, khách hàng rất ưa thích nhãn chín sớm. Từ năm 2020, tôi áp dụng các quy trình trồng nhãn ra hoa, đậu quả sớm đối với 1/3 diện tích nhãn của gia đình. Đồng thời, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, chọn thời điểm tỉa cành, bón phân đúng cách để nhãn ra quả sớm theo ý muốn. Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật, chất lượng nhãn chín sớm tăng rõ rệt, quả to, mẫu mã đẹp. Tuy sản lượng không cao như chính vụ, nhưng nhãn chín sớm dễ bán, thu hoạch đến đâu, thương lái đến mua đến đó.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sông Mã hướng dẫn nông dân chăm sóc nhãn chín sớm.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sông Mã hướng dẫn nông dân chăm sóc nhãn chín sớm.

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, bản Tây Hồ, xã Nà Nghịu, có 17 thành viên, trồng 24 ha nhãn; trong đó, hơn 12 ha nhãn chín sớm; còn lại là nhãn miền. Toàn bộ diện tích nhãn của HTX được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Dẫn chúng tôi tham quan các vườn nhãn chín sớm đang kỳ ra hoa, đậu quả non, ông Dương Tự Thanh, Giám đốc HTX, thông tin: Cây nhãn chín sớm ra hoa vào mùa khô, nếu không chăm sóc đúng kỹ thuật, cây đậu ít quả hoặc hoa, quả non bị rụng, ảnh hưởng đến năng suất... Do vậy, thời điểm này, chủ vườn bổ sung dinh dưỡng, cung cấp đầy đủ nước kịp thời cho cây, thời gian tưới kéo dài ít nhất là 2 tháng từ khi cây ra hoa (nếu thiếu hoặc thừa nước trong giai đoạn này sẽ làm hoa bị rụng). Chủ động khâu tưới nước ngay từ đầu vụ nhãn chín sớm, hầu hết diện tích nhãn của HTX phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa, đậu quả đạt gần 90%.

Đến nay, huyện Sông Mã có gần 7.660 ha nhãn, chiếm khoảng 70,4% diện tích cây ăn quả toàn huyện, sản lượng đạt 45.000 tấn. Trong đó, trên 910 ha nhãn được nông dân sản xuất chín sớm, rải vụ... 7 năm trở lại đây, mùa nhãn ở Sông Mã không chỉ trong 2 tháng chính vụ mà còn kéo dài từ tháng 4, tháng 5 đến tháng 9, tháng 10, với nhiều giống nhãn như T6, nhãn ánh vàng, miền thiết.

Toàn huyện có 50 HTX, công ty sản xuất cây ăn quả an toàn theo quy trình VietGAP, với hơn 982 ha; 86 ha nhãn áp dụng theo hướng công nghệ tưới phun sương. Cục Bảo vệ thực vật đánh giá và cấp 48 mã số vùng trồng, với hơn 480 ha, sản lượng trên 4.500 tấn. Trong đó, 12 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, 23 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 13 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Úc, New Zealand.

Nông dân huyện Sông Mã áp dụng hệ thống tưới ẩm trồng và chăm sóc nhãn chín sớm.

Nông dân huyện Sông Mã áp dụng hệ thống tưới ẩm trồng và chăm sóc nhãn chín sớm.

Ông Phạm Quang Thành, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Những năm qua, đầu ra của quả nhãn ở Sông Mã tương đối ổn định, xuất khẩu sang một số thị trường nước ngoài, giúp các hộ trồng nhãn có thu nhập cao. Đặc biệt, hộ dân, HTX đã biết áp dụng các biện pháp trồng nhãn chín sớm, rải vụ, giá thành cao gấp nhiều lần giá nhãn chính vụ. Đảm bảo năng suất, chất lượng nhãn phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu, ngay từ đầu vụ, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, vận động các nhà vườn chú trọng chăm sóc cây nhãn thời kỳ ra hoa, đậu quả; hướng dẫn quy trình sản xuất theo quy trình VietGAP; áp dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp; sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật phù hợp. Thường xuyên theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của cây nhãn; sử dụng phân bón, tưới nước hợp lý để nhãn phát triển.

Chủ động ứng phó với biến đổi bất thường của thời tiết và ý thức trong việc chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, sự quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ của chính quyền địa phương, tin rằng, những vụ nhãn chín sớm ở huyện Sông Mã sẽ ngày càng ổn định và mở rộng, đem lại thu nhập bền vững cho người nông dân.

Lường Thị Nhung (Trường Cao đẳng Y tế Sơn La)

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/song-ma-cham-soc-nhan-trai-vu-5F0mAhINg.html
Zalo