Nhiều quốc gia đang 'gồng lãi' khi giá Bitcoin đạt đỉnh
Trước đà tăng giá mạnh mẽ, Bitcoin được coi là chiến lược dài hạn để củng cố kinh tế và giảm phụ thuộc vào USD. Nhiều nước như Mỹ, Nga còn 'âm thầm' xây dựng kho dự trữ tiền số.
Ngày 16/12, Bitcoin một lần nữa thiết lập kỷ lục mới với giá tăng vọt lên trên 107.000 USD/BTC sau khi Tổng thống Donald Trump tái khẳng định kế hoạch thành lập một quỹ dự trữ chiến lược Bitcoin của Mỹ, tương tự như quỹ dự trữ dầu chiến lược của nước này.
Tuyên bố đã làm dậy sóng giới đầu tư tiền điện tử, trong khi nhiều chính phủ cũng bắt đầu đẩy mạnh tích trữ và đầu tư vào Bitcoin.
Chạy đua gom Bitcoin
Theo nhà cung cấp dữ liệu CoinGecko, tính đến tháng 7, các chính phủ trên toàn thế giới nắm giữ 2,2% tổng nguồn cung Bitcoin. Trong đó, Mỹ là quốc gia sở hữu Bitcoin nhiều nhất thế giới với khoảng 207.189 BTC, trị giá hơn 21 tỷ USD theo giá hiện tại, theo Forbes.
Phần lớn số Bitcoin của Mỹ đến từ các vụ tịch thu tài sản của các tổ chức tội phạm, cho thấy chính phủ Mỹ đang quản lý chủ động và hiệu quả nguồn tài sản kỹ thuật số này.
Đáng chú ý, Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis là người đề xuất ý tưởng xây dựng một kho dự trữ Bitcoin quốc gia. Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ sẽ mua 200.000 BTC mỗi năm trong vòng 5 năm, hướng tới mục tiêu nắm giữ 1 triệu Bitcoin, tương đương 5% tổng nguồn cung thế giới.
Kế hoạch này sử dụng nguồn tài trợ từ lợi nhuận của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và dự trữ vàng, với cam kết duy trì kho Bitcoin trong ít nhất 20 năm nhằm củng cố vị thế của Mỹ trên thị trường Bitcoin toàn cầu.
Trong bài phát biểu hồi tháng 7, ông Trump cho rằng việc nắm giữ Bitcoin giúp Mỹ chi phối thị trường, đẩy lùi cạnh tranh từ các quốc gia như Trung Quốc.
"Chúng ta sẽ làm điều gì đó vĩ đại với tiền mã hóa. Chúng ta không muốn để Trung Quốc hay bất kỳ ai khác dẫn đầu… Nhiều quốc gia khác đang tiếp cận tiền mã hóa và chúng ta phải tìm cách vượt lên trước", ông Trump chia sẻ trên CNBC.
Không chỉ thế, những người ủng hộ chiến lược này tin rằng Bitcoin, với tiềm năng tăng giá dài hạn, có thể giúp giảm thâm hụt ngân sách mà không cần tăng thuế, đồng thời củng cố sức mạnh của đồng USD trong hệ thống tài chính quốc tế.
Trong khi đó, chiến lược của Nga với Bitcoin nổi lên rõ nét sau khi nước này hứng chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây liên quan đến xung đột tại Ukraine. Với khoảng 300 tỷ USD tài sản bị phong tỏa, Điện Kremlin buộc phải tìm kiếm các giải pháp thay thế để bảo vệ nền kinh tế và duy trì thanh khoản quốc gia.
Dù phủ nhận Bitcoin như một công cụ tránh trừng phạt, đã có các dấu hiệu cho thấy sự chuyển hướng của Nga sang tài chính phi tập trung. Các đơn vị do chính phủ quản lý và tài phiệt Nga được ghi nhận đã tăng cường giao dịch tiền điện tử.
Phó chủ tịch Duma Quốc gia Anton Tkachev gần đây còn đề xuất thành lập một quỹ dự trữ Bitcoin chiến lược nhằm đa dạng hóa nguồn dự trữ quốc gia và giảm phụ thuộc vào đồng USD cũng như hệ thống thanh toán SWIFT (Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế).
Tổng thống Vladimir Putin cũng công khai ủng hộ Bitcoin như một giải pháp tiềm năng để thay thế dự trữ ngoại tệ. Ông nhấn mạnh vai trò của tiền điện tử trong việc đối phó với các lệnh trừng phạt và thúc đẩy tự chủ tài chính.
Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Nga đã bắt đầu thử nghiệm thanh toán xuyên biên giới bằng tiền điện tử, một động thái có thể giúp Nga giao dịch quốc tế trong bối cảnh bị cô lập.
Việc xây dựng kho dự trữ Bitcoin không chỉ giúp Nga bảo vệ nền kinh tế trước biến động toàn cầu mà còn mở ra kênh thanh toán thay thế, giảm sức ép từ hệ thống tài chính truyền thống do phương Tây kiểm soát.
Giá Bitcoin đạt đỉnh, nhiều quốc gia "gồng lãi"
Còn tại Trung Quốc, dù đã cấm giao dịch và khai thác Bitcoin từ năm 2021, quốc gia này vẫn sở hữu một lượng Bitcoin đáng kể trong kho dự trữ. Theo dữ liệu của Bitcoin Treasuries, Trung Quốc sở hữu khoảng 194.000 BTC, tương đương với 20 tỷ USD, chủ yếu có được từ các vụ thu giữ liên quan đến hoạt động phi pháp như vụ lừa đảo Ponzi PlusToken.
Khi giá Bitcoin đạt đỉnh, Trung Quốc thực hiện chiến lược "gồng lãi" bằng cách giữ nguyên lượng Bitcoin thay vì bán ra, nhằm tận dụng tiềm năng tăng giá dài hạn và đa dạng hóa dự trữ ngoại hối.
Bên cạnh việc duy trì kho dự trữ Bitcoin, Trung Quốc còn tập trung phát triển đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (CBDC) nhằm tăng cường kiểm soát và phát triển hệ thống tiền tệ quốc gia.
Theo Arkham Intelligence, Bhutan đã nổi lên như một trong những quốc gia nắm giữ Bitcoin lớn nhất, với hơn 1,3 tỷ USD Bitcoin.
Khác với Mỹ, Trung Quốc hay Nga, nguồn tiền số khổng lồ này chủ yếu đến từ hoạt động trực tiếp khai thác, không phải từ việc tịch thu tài sản. Theo đó, chính phủ Bhutan hợp tác với công ty Bitdeer để xây dựng cơ sở khai thác Bitcoin, với mục tiêu đạt công suất 600 megawatt vào năm 2025.
Việc khai thác Bitcoin bằng năng lượng thủy điện giúp Bhutan duy trì chi phí năng lượng thấp và bảo vệ môi trường, đồng thời gia tăng tài sản dự trữ quốc gia.
Lượng Bitcoin mà Bhutan nắm giữ hiện chiếm gần 1/3 GDP của quốc gia này, phản ánh chiến lược tích lũy và khai thác bền vững nhằm tạo ra giá trị lâu dài cho nền kinh tế, đồng thời giúp Bhutan giảm phụ thuộc vào nguồn thu từ du lịch - vốn đang gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, El Salvador là quốc gia tiên phong công nhận Bitcoin là tiền tệ hợp pháp. Theo MarketWatch, tính đến tháng 11, giá trị tài sản Bitcoin của El Salvador đã tăng lên hơn 600 triệu USD, mang lại lợi nhuận khoảng 300 triệu USD.
Đáng chú ý, quốc gia này tiếp tục phát hành trái phiếu Bitcoin để huy động vốn cho các dự án như "Bitcoin City", nhằm tạo ra một trung tâm kinh tế dựa trên tiền điện tử.
El Salvador không chỉ sử dụng Bitcoin như tài sản bảo vệ giá trị mà còn là công cụ thúc đẩy phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài. Với chiến lược này, El Salvador đang thử nghiệm một mô hình mới trong việc sử dụng tiền điện tử làm trung tâm cho các chính sách kinh tế.
Kỷ nguyên mới
Trong một kịch bản đưa ra, nếu các quốc gia phân bổ nguồn dự trữ Bitcoin với giá trị tương đương dự trữ vàng, thị trường sẽ chứng kiến nhu cầu chưa từng có, với giá Bitcoin có thể vượt mốc 952.000 USD/BTC và tổng vốn hóa thị trường đạt khoảng 20.000 tỷ USD, theo Forbes.
Do đó, nếu các quốc gia bắt đầu tích trữ Bitcoin ở quy mô này, thế giới có thể chứng kiến một kỷ nguyên mới, nơi “vàng kỹ thuật số” thay thế các tài sản truyền thống trong kho bạc quốc gia.
Sự chuyển đổi này sẽ là một bước ngoặt lịch sử trong lĩnh vực tài chính, khi những đặc điểm đặc biệt của Bitcoin, bao gồm tính phân quyền, nguồn cung hạn chế và khả năng chống lại lạm phát thách thức sự thống trị của các đồng tiền truyền thống như USD. Nhu cầu tăng cao đối với Bitcoin sẽ tạo ra một mô hình tài chính mới, thay đổi cách các quốc gia lưu trữ và sử dụng tài sản.
Xu hướng này cũng sẽ mang đến những tác động sâu sắc đối với tình hình địa chính trị. Theo đó, những quốc gia nhỏ, linh hoạt về kinh tế có thể giành lợi thế cạnh tranh bằng cách áp dụng Bitcoin từ sớm, sử dụng tiền số như một biện pháp phòng ngừa lạm phát và công cụ trao quyền kinh tế.
Ngược lại, các nền kinh tế lớn sẽ đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc tích hợp Bitcoin vào kho dự trữ quốc gia để tránh mất đi tầm ảnh hưởng trong bối cảnh tài chính toàn cầu thay đổi.
Khi Bitcoin trở thành một phần không thể thiếu trong kho bạc quốc gia, nó có thể làm giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống tài chính truyền thống và các tổ chức như ngân hàng trung ương, thay đổi đáng kể động lực của thương mại quốc tế, ngoại giao và các biện pháp trừng phạt.
Cùng với đó, kỷ nguyên kho dự trữ Bitcoin quốc gia cũng sẽ mang đến những thách thức mới. Các quốc gia sẽ cần giải quyết các rủi ro về bảo mật, tính biến động và niềm tin của công chúng đối với một tài sản phi tập trung. Những quốc gia thành công trong việc điều hướng sự chuyển dịch này có thể đạt được chủ quyền tiền tệ chưa từng có, tăng cường khả năng chống chịu trước các cuộc khủng hoảng kinh tế và áp lực từ bên ngoài.