Sống không cần năng lượng của Nga: EU đang tìm kiếm giải pháp thần kỳ
Ba năm sau khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, châu Âu vẫn chưa thể hoàn toàn chấm dứt phụ thuộc vào khí đốt Nga — đặc biệt là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Ủy ban châu Âu vừa công bố kế hoạch nhằm loại bỏ hoàn toàn năng lượng Nga khỏi chuỗi cung ứng, nhưng thực tế cho thấy việc 'cắt đứt' khí đốt Nga là một quá trình đầy khó khăn, vướng mắc cả về chính trị lẫn pháp lý.

Sau nhiều lần trì hoãn, hôm thứ Ba, Liên minh châu Âu đã công bố kế hoạch cố gắng không phụ thuộc vào năng lượng của Nga, một thách thức thực sự khi xét đến việc châu Âu hiện đang nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga. Ảnh AFP
Vì sao khí đốt Nga vẫn đóng vai trò lớn với châu Âu?
Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào đầu năm 2022, Nga cung cấp khoảng 45% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU), bao gồm cả khí qua đường ống và LNG vận chuyển bằng tàu. Khi ấy, Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của EU.
Sau khi xung đột nổ ra, châu Âu đã cố gắng cắt giảm phụ thuộc bằng cách giảm nhập khẩu khí đốt qua đường ống từ Nga. Tuy nhiên, Nga vẫn là nguồn cung cấp khí lớn thứ hai của EU, chỉ sau Na Uy. Năm ngoái, Nga vẫn chiếm 18% lượng khí đốt châu Âu nhập qua đường ống và 20% lượng LNG nhập khẩu — chỉ đứng sau Mỹ, quốc gia chiếm tới 45% lượng LNG mà EU mua vào.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, đã tuyên bố vào cuối tháng 4 rằng EU không thể tiếp tục “phụ thuộc năng lượng vào một quốc gia đối đầu”.
LNG - “phao cứu sinh” năng lượng của châu Âu
Trước khủng hoảng năng lượng do Đại dịch COVID-19 và đặc biệt sau khi xung đột ở Ukraine bùng nổ, châu Âu đã nhanh chóng xoay trục sang khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) — một loại nhiên liệu linh hoạt, được vận chuyển bằng tàu, tiếp nhận tại cảng, tái hóa khí và bơm vào mạng lưới khí đốt nội địa.
Theo số liệu từ tổ chức nghiên cứu năng lượng IEEFA, năm 2024, LNG chiếm khoảng 37% tổng lượng khí đốt mà EU nhập khẩu, còn khí đốt qua đường ống chiếm 63%. Dù đã có bước tiến lớn trong việc đa dạng hóa nguồn cung, châu Âu vẫn chưa thể hoàn toàn “dứt điểm” với khí đốt từ Nga — đặc biệt trong bối cảnh thị trường LNG toàn cầu vẫn biến động mạnh.
Châu Âu có thể dứt khỏi khí đốt Nga – nhưng không phải chuyện ngày một ngày hai
Về lý thuyết, châu Âu hoàn toàn có thể chấm dứt phụ thuộc vào khí đốt Nga. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây là quá trình phức tạp, đòi hỏi thời gian và sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Thị trường LNG toàn cầu hiện đang rất căng thẳng vì nguồn cung hạn chế, trong khi các dự án khai thác mới phải tới năm 2026 hoặc 2027 mới đi vào hoạt động. Theo ông Jan-Eric Fähnrich từ công ty tư vấn Rystad Energy, “phải đến sau năm 2028, thị trường LNG toàn cầu mới có thể chuyển sang trạng thái dư cung”.
Châu Âu có thể tìm nguồn thay thế ở đâu?
Một trong những lựa chọn rõ ràng nhất là tăng cường nhập khẩu LNG từ Mỹ. Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc vào chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Ngoài Mỹ, các quốc gia như Qatar và một số nước châu Phi cũng đang nổi lên như những nguồn cung tiềm năng. Ông Fähnrich cho biết: “Bắc Mỹ và Qatar sẽ mở rộng mạnh mẽ năng lực xuất khẩu LNG trong thời gian tới, còn châu Phi — đặc biệt là Mozambique — có thể trở thành nguồn cung mới nếu tình hình an ninh được cải thiện”.
Ngay tại châu Âu, Na Uy vẫn là đối tác khí đốt quan trọng nhất. Tính đến năm 2024, nước này chiếm khoảng 32% lượng khí mà EU nhập khẩu. Cuối tháng 4, Bộ Năng lượng Pháp cho biết Na Uy có khả năng tăng thêm sản lượng khai thác để hỗ trợ nhu cầu của châu Âu.
Vì sao châu Âu “thoát Nga” khó đến vậy?
Khó khăn lớn nhất nằm ở sự chia rẽ nội bộ trong EU. Một số quốc gia như Hungary có quan điểm thân Nga, trong khi một số nước khác lại phụ thuộc nhiều vào LNG từ Nga. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, 85% LNG Nga nhập vào EU trong năm 2024 đều đi qua ba nước: Bỉ, Pháp và Tây Ban Nha.
Việc cấm hoàn toàn khí đốt Nga — như EU từng làm với dầu mỏ — gần như bất khả thi vì cần sự đồng ý từ cả 27 thành viên. Do đó, theo chuyên gia Simone Tagliapietra từ viện Bruegel, một giải pháp khả thi hơn là áp thuế thật cao đối với khí đốt Nga, bao gồm cả LNG và khí qua đường ống, để làm giảm sức cạnh tranh của nguồn cung này.
Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ các biện pháp mạnh tay. Tháng 2 vừa qua, Tổng giám đốc Tập đoàn TotalEnergies — ông Patrick Pouyanné — cảnh báo rằng, nếu EU trừng phạt dự án LNG Yamal ở Siberia (nơi TotalEnergies nắm 20% cổ phần), giá LNG toàn cầu có thể “tăng vọt ngay lập tức”. Ông nhấn mạnh rằng các lãnh đạo châu Âu chắc chắn không muốn rơi vào một cuộc khủng hoảng giá năng lượng mới.
Ngoài ra, còn một rào cản lớn khác: Các hợp đồng dài hạn mà EU đã ký với các tập đoàn lớn như Shell, Total, SEFE hay Naturgy. Đây là những thỏa thuận có thời hạn dài và rất khó để hủy bỏ hay đàm phán lại trong ngắn hạn.