Tân thủ tướng Đức đối mặt 'sóng' khủng hoảng
Ông Friedrich Merz - chính trị gia 69 tuổi - trở thành thủ tướng đúng vào thời điểm nước Đức đối mặt với những thách thức to lớn nhất kể từ khi thống nhất 35 năm trước.

Hai thập niên trước, ông Friedrich Merz nhận lời mời dự buổi họp mặt của Quân đoàn Ngoại giao Pháp tại Corsica. Vào phút cuối, ban tổ chức yêu cầu ông đến nơi diễu hành, không phải bằng đường bộ hay đường sắt, mà bằng dù. Ông Merz - khi đó là luật sư doanh nghiệp - chưa bao giờ nhảy ra khỏi máy bay. Nhưng ông không ngần ngại thực hiện cú nhảy, thành công nhưng tiếp đất hơi thô.
Giờ đây, khi đã 69 tuổi và là một chính trị gia, ông Merz chuẩn bị thực hiện "cú nhảy" nguy hiểm hơn nhiều. Ông Merz - người không có kinh nghiệm điều hành chính phủ - trở thành thủ tướng Đức thứ 10, nhậm chức đúng vào thời điểm thách thức nhất với Berlin kể từ khi Đông Đức và Tây Đức thống nhất cách đây 35 năm, theo New York Times.
Vị chính trị gia phải trải qua tới hai vòng bỏ phiếu hôm 6/5 tại Quốc hội Đức, một điều chưa từng có tiền lệ. Kể từ khi thành lập nước Đức hiện đại, chưa có ứng viên thủ tướng nào thất bại trong vòng bỏ phiếu đầu tiên.
Thủ tướng mới và chính phủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) cùng Dân chủ Xã hội trung tả sẽ cần giải quyết một loạt khủng hoảng quốc gia, từ kinh tế trì trệ và mối quan hệ căng thẳng với Mỹ. Trong bối cảnh đó, Alternative for Germany (AfD) - đảng theo chủ nghĩa dân tộc và chống nhập cư - đã vượt qua ông Merz và các đảng chính thống trong một số cuộc thăm dò.
Tụt hạng ngay sau chiến thắng
Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 2, ông Merz quyết liệt giải quyết các thách thức. Ông chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump và đặt câu hỏi về sự ổn định của nền dân chủ Mỹ, đồng thời hợp tác với các nước lãnh đạo một châu Âu mới mạnh mẽ hơn.
Vị chính trị gia phá vỡ lời hứa tranh cử quan trọng, đạt thỏa thuận với đối thủ trung tả để nới lỏng các giới hạn vay nợ của chính phủ chi cho quốc phòng. Mặc dù cùng AfD chung tay thông qua các hạn chế nhập cư ngay trước bầu cử, ông cam kết sẽ tránh xa đảng này tại Quốc hội. Ông cũng đảo ngược cam kết từ chối người xin tị nạn.
Những người ủng hộ ông Merz cho biết những động thái này là dấu hiệu của một chính trị gia có tiềm năng giải quyết các vấn đề lớn khiến công chúng Đức lo lắng: Tăng trưởng kinh tế, quốc phòng, nhập cư. "Ông ấy đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, rất sâu sắc và chu đáo", John P. Schmitz - cố vấn Nhà Trắng dưới thời George H.W. Bush - nhận định.

Ông Merz phải trải qua tới hai vòng bỏ phiếu tại Quốc hội mới chính thức trở thành thủ tướng Đức. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng ông Merz phải vật lộn lập kế hoạch từ sớm, khiến ông phải thất hứa một số cam kết, dẫn tới sự ủng hộ suy giảm. Những thay đổi đột ngột về chi tiêu và di cư khiến nhiều cử tri bảo thủ trung thành không hài lòng. Ông Merz cùng đảng đã tụt hạng trong thăm dò hậu bầu cử, và AfD vươn lên ngang họ trong một số khảo sát. Vị chính trị gia bắt đầu nhiệm kỳ với "danh hiệu" một trong những thủ tướng có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất trong thời hiện đại.
"Có một câu nói: 'Dù làm gì, hãy hành động khôn ngoan và cân nhắc đến hậu quả'", Ruprecht Polenz - cựu Tổng thư ký đảng Dân chủ Thiên chúa giáo - nhận định. "Tôi cho rằng điều này không phải thế mạnh chính của ông ấy".
Trong khi đó, ông Schmitz bác bỏ những lời chỉ trích này, khẳng định tính linh hoạt thể hiện khả năng lãnh đạo của ông Merz.
Tại Berlin, ông Merz được biết đến với khả năng tiếp thu những ý tưởng mới. Bạn bè đôi khi phàn nàn ông bị ảnh hưởng quá nhiều bởi người cuối cùng nói chuyện trước khi đưa ra quyết định quan trọng. Tuy nhiên, một khi đã đưa ra quyết định, ông không muốn bị người khác chất vấn. Do đó, có lúc ông bị chỉ trích là cứng đầu.
Một người "luôn biết mình đến từ đâu"
Là cựu luật sư với khối tài sản đáng kể, ông Merz hứa sẽ đi theo đường lối bảo thủ hơn. Điều này phần nào phản ánh xuất thân từ vùng Sauerland, phía tây nước Đức giàu có, vốn định hình nên phong cách chính trị và tính cách của ông. Trong chiến dịch tranh cử, ông Merz đã vận động với khẩu hiệu “Có thêm Sauerland cho nước Đức”.
Cứ 2 năm/lần, ông tham dự nghi lễ có từ thời Trung cổ tại thị trấn Brilon, nơi ông sinh ra và lớn lên, trong đó đàn ông địa phương đi bộ dọc theo ranh giới của thị trấn trước khi tụ tập dự tiệc trên cánh đồng.
“Ông ấy khác biệt ở điểm đó: Luôn gắn bó chặt chẽ với quê hương và biết mình đến từ đâu”, Niklas Frigg - Phó thị trưởng Brilon - cho biết.

Ông Friedrich Merz trở thành thủ tướng thứ 10 của Đức hôm 6/5. Ảnh: Reuters.
Ông Merz cũng đến Brilon vài tuần một lần, thường vào Chủ Nhật, để uống cà phê với cha mẹ đã 97 và 101 tuổi. Vợ ông, Charlotte Merz, là chánh án tòa án ở thị trấn Arnsberg của Sauerland, nơi họ sinh sống và có ba người con đã trưởng thành.
Tân thủ tướng bắt đầu sự nghiệp chính trị vào năm 1989 tại Nghị viện châu Âu. Sau khi chuyển đến Berlin, ông nhanh chóng leo lên hàng ngũ của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, được chú ý vì khả năng lãnh đạo và diễn thuyết.
Đầu những năm 2000, sau khi thua bà Angela Merkel, ông Merz từ bỏ chính trường và bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực luật doanh nghiệp, tư vấn cho những khách hàng muốn thành lập doanh nghiệp tại Đức. Sau đó, ông quay trở lại khi bà Merkel tuyên bố nghỉ hưu.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Merz khai thác nỗi khao khát về thời kỳ kinh tế Đức bùng nổ, cơ sở hạ tầng mới và bộ máy hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng. Mặc dù về nhất trong cuộc bầu cử hồi tháng 2, ông Merz và đảng không có nhiều lựa chọn về một chính phủ liên minh. Ông liên kết với đảng Dân chủ Xã hội, lãnh đạo chính phủ trước đó nhưng không được cử tri ưa chuộng.
Về đối ngoại, ông Merz từng hy vọng xây dựng mối quan hệ tích cực với ông Trump, nhưng ngày càng thất vọng trước hành động của Washington. Do đó, ông cảnh báo Đức cần tự chịu trách nhiệm về vấn đề an ninh. Ngay cả nhiều người chỉ trích phong cách lãnh đạo của ông Merz cũng chấp thuận lập trường của tân thủ tướng với Mỹ.
"Ông ấy hiểu tình hình trên toàn cầu đã và đang thay đổi như thế nào", ông Polenz nhận định. "Ông ấy ủng hộ mạnh mẽ quan hệ xuyên Đại Tây Dương và chắc chắn sẽ duy trì và ổn định mối quan hệ giữa Đức, châu Âu và Mỹ tốt nhất có thể. Nhưng ông ấy không hề ảo tưởng về những khó khăn phía trước".