Sống chung với AI

Tác động từ trí tuệ nhân tạo (AI) đến giới trẻ Việt Nam ngày càng rõ nét, mở ra nhiều xu hướng đầy hứa hẹn cũng như đặt ra thách thức

AI không còn là khái niệm xa lạ với đa số người trẻ, thậm chí còn góp phần thay đổi cách họ làm việc, học tập, tư duy và cả hành động.

Trợ lý đắc lực

Nhận được đề tài từ giảng viên trong lớp, dù đã được gợi ý thảo luận nhóm cùng bạn bè để tìm ra đáp án nhưng Nguyễn Lê Quỳnh (sinh viên năm nhất ngành quan hệ công chúng) vẫn rút điện thoại ra tham khảo ý kiến… ChatGPT. Không ít gen Z khác đều có thói quen dùng AI trong học tập.

Ngày càng nhiều ứng dụng, web, phần mềm… ra mắt, phục vụ nhu cầu đa dạng của người học. Phổ biến nhất là ChatGPT (OpenAI) - trợ lý ảo trả lời câu hỏi, viết bài, giải thích khái niệm, hỗ trợ ngôn ngữ và lập trình. Grammarly giúp kiểm tra ngữ pháp, chỉnh sửa câu cú, gợi ý cách viết tiếng Anh tự nhiên hơn. QuillBot có tính năng viết lại câu văn, paraphrase, tóm tắt, kiểm tra đạo văn. Khanmigo (của Khan Academy) thì không khác gì trợ lý cá nhân: giải thích bài học, bài tập và hỗ trợ luyện tập. Nổi bật trong dòng ứng dụng học ngoại ngữ phải kể kến Duolingo với khả năng điều chỉnh bài học phù hợp với năng lực từng người.

AI không cướp việc mà thực tế là người biết dùng AI sẽ có lợi thế hơn những ai chưa quan tâm, sử dụng AI. Minh họa AI: HẠ LINH

AI không cướp việc mà thực tế là người biết dùng AI sẽ có lợi thế hơn những ai chưa quan tâm, sử dụng AI. Minh họa AI: HẠ LINH

Ngoài ra, còn có Jasper AI phù hợp gợi ý cho bài luận; Elicit rất hữu ích để tìm tài liệu học thuật, tóm tắt và so sánh các bài nghiên cứu; Socratic by Google là ứng dụng giải bài tập bằng AI, giúp học sinh hiểu từng bước giải bài; Otter.ai chuyên ghi âm và chuyển đổi bài giảng, buổi họp thành văn bản, giúp người học ghi chú dễ dàng hơn. Trước đây, học sinh - sinh viên chủ yếu dựa vào thầy cô, sách vở và internet để tra cứu kiến thức. Nay, có AI hỗ trợ tóm tắt tài liệu, giải bài tập, viết báo cáo, luyện ngoại ngữ... với chi phí thấp. Do đó, nhiều người trẻ xem AI là phương tiện để học tập tốt, nhanh, hiệu quả và sáng tạo hơn.

Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra lo ngại: Liệu giới trẻ có dần trở nên "lười" tư duy, đánh mất khả năng phân tích, sáng tạo cũng như phản biện - khi phụ thuộc quá nhiều vào AI?

Không nên lệ thuộc

Sống chung với AI giờ đây không còn là lựa chọn, mà là thực tế khó phủ nhận khi thị trường lao động đang có những thay đổi. AI đảm nhận khá tốt nhiều công việc có tính chất lặp lại, có quy trình rõ ràng như nhập liệu, biên dịch, tổng hợp tài liệu…

Anh Lê Văn Lộc (29 tuổi; ngụ quận Bình Tân, TP HCM) cho biết sử dụng Chatbot tự động giúp anh tiết kiệm kha khá chi phí thuê riêng nhân sự trực fanpage 24/7. Chatbot có thể phân loại và xử lý các câu hỏi đơn giản trong hoạt động chăm sóc khách hàng, tiếp nhận đặt hàng… Với một người mới khởi sự kinh doanh ngành sách như anh Lộc thì AI thật sự là "đồng nghiệp" giá trị khi đội ngũ nhân lực còn mỏng.

Sự nhanh nhạy thích nghi, sẵn sàng tiếp cận và tận dụng công nghệ là điểm chung dễ thấy của những bạn trẻ gen Z như Lộc. Nguyễn Như Mây (30 tuổi, quê Tiền Giang) thường xuyên dùng Notion AI để viết ghi chú, tóm tắt, lên kế hoạch... Tuy nhiên, với một người làm việc trong ngành marketing như cô, AI dù là công cụ cực mạnh nhưng chỉ có vai trò hỗ trợ, không thể thay thế hoàn toàn con người. Theo Như Mây, việc xây dựng ý tưởng sáng tạo, kiểm soát nội dung, nắm bắt tâm lý khách hàng để đưa ra chiến lược phù hợp… vẫn cần sự quyết định của con người với trí tuệ cảm xúc. "Nếu hiểu đúng và dùng đúng, AI giúp chúng ta tăng năng suất lao động và là "đòn bẩy" để vươn xa trong sự nghiệp. Nhưng nếu quá lệ thuộc hoặc lạm dụng thì có thể đem đến hiệu ứng ngược" - Như Mây nhận định.

Nhiều công ty có xu hướng cắt giảm nhân lực, đầu tư vào AI, người lao động không nâng cấp kỹ năng dễ bị tụt lại. Những nghề mới như Prompt Engineer (người soạn câu lệnh cho AI), AI Trainer (huấn luyện AI), Data Annotator (dán nhãn dữ liệu)… ngày càng được quan tâm và có triển vọng phát triển mạnh mẽ.

Bắt nhịp xu thế

ThS Lê Anh Tú, Giám đốc điều hành iGem Agency, cho rằng người trẻ am hiểu AI sẽ dễ dàng bắt nhịp xu thế, tư duy linh hoạt và không bị "tụt hậu" so với thị trường lao động hiện nay. Với một công ty có lượng lớn lao động gen Z, với nhiều đối tác và khách hàng cùng độ tuổi, ông Anh Tú quan sát và nhận thấy: "Với các nhân viên trẻ, cách tiếp cận nên là ứng dụng vào các công đoạn, quy trình làm việc sẵn có, sao cho tăng chất lượng, hiệu quả, năng suất". Có nhiều dạng AI nhưng với ngành sáng tạo nội dung, thông thường các bạn sẽ sử dụng để tìm đề tài, triển khai đề tài hay hỗ trợ việc thiết kế hình ảnh. "Cần chú ý rèn khả năng ra câu lệnh (prompt) hiệu quả. Khi dùng nhiều trên một tài khoản AI (có bản quyền) thì AI càng hiểu được người dùng, từ đó làm việc "ăn ý" hơn" - ThS Lê Anh Tú nhấn mạnh.

Quỳnh My

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/song-chung-voi-ai-19625041919251148.htm
Zalo