Sơn Động: Đa dạng cách thức đưa sản phẩm OCOP ra thị trường
Sau khi được gắn 'sao', nhiều chủ thể có sản phẩm OCOP ở Sơn Động tiếp tục quan tâm cải tiến bao bì, dây chuyền sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm, mở rộng 'kênh' bán hàng, đặc biệt là khai thác nền tảng số đưa sản phẩm ra thị trường.
Cải tiến bao bì, tạo điểm nhấn
Từ năm 2013, gia đình ông Nông Văn Bình ở thôn Chào, xã An Lập mở cơ sở sản xuất mỳ gạo. Ưu điểm của mỳ làm từ gạo bao thai trồng ở vùng cao là sợi dai, đậm vị, ngon hơn nhiều sản phẩm mỳ làm từ các loại gạo khác. Tháng 11 vừa qua, sản phẩm mỳ của gia đình ông Bình được chứng nhận OCOP 3 sao.
Ông chia sẻ, trước khi xây dựng sản phẩm OCOP, mỗi ngày gia đình làm hết 5 tạ gạo, tương đương 4 tạ mỳ. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Sau khi được chứng nhận OCOP, thông tin lan tỏa rộng rãi nên nhiều khách tỉnh xa biết đã liên hệ đặt mua. Vì vậy, gia đình cải tạo sân phơi, mở rộng khu vực sản xuất, sử dụng máy làm mỳ công suất 100 kg gạo/giờ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Riêng về bao bì, ông cải tiến hình thức trên cả hai loại ni lông và giấy in, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ và mã QR để khách hàng thuận tiện tra cứu thông tin về sản phẩm.
Nhờ xây dựng nguồn nguyên liệu ổn định, quan tâm nâng chất lượng, mẫu mã nên vừa qua, sản phẩm măng mai Thanh Luận của Hợp tác xã (HTX) Ba kích tím Tây Yên Tử, xã Thanh Luận đã được Hội đồng đánh giá phân hạng OCOP huyện chấm điểm đạt 3 sao. Thành công bước đầu đã có song HTX vẫn tiếp tục đổi mới sản phẩm theo hướng chuyên nghiệp hóa, đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường, từng bước thực hiện mục tiêu xuất khẩu.
Hiện HTX bắt đầu thay đổi logo, cải tiến bao bì, tem nhãn, quy cách đóng gói sản phẩm theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Sản phẩm đóng túi được hút chân không giúp bảo quản lâu dài, vận chuyển thuận tiện. Hiện HTX đang đầu tư thêm kinh phí để làm hộp giấy bao gói sản phẩm, tạo thuận lợi cho khách hàng mua làm quà tặng.
Từ đầu năm đến nay, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Sơn Động đã chứng nhận đạt 3 sao đối với 6 sản phẩm, hoàn thành kế hoạch đề ra; nâng tổng số sản phẩm OCOP 3 sao hiện nay của huyện lên 20 sản phẩm.
Được biết, từ đầu năm đến nay, Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP huyện Sơn Động đã chứng nhận đạt 3 sao đối với 6 sản phẩm, hoàn thành kế hoạch đề ra, nâng tổng số sản phẩm 3 sao toàn huyện lên 20. Nhiều sản phẩm có tên tuổi, chỗ đứng trên thị trường được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu như: Mật ong rừng Sơn Động, rượu men lá Như Bảo, rượu men lá Tây Yên Tử, nấm lim xanh Sơn Động,… Những chủ thể của các sản phẩm trên đều quan tâm thuê đơn vị tư vấn thiết kế bao bì, tờ rơi, pano... với hình thức, nội dung hấp dẫn, làm nổi bật ý nghĩa, giá trị, công dụng cũng như hướng dẫn cách sử dụng, nhờ vậy đã nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.
Quảng bá trên nền tảng số
Thời gian qua, huyện Sơn Động quan tâm chỉ đạo, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người dân phát triển sản phẩm OCOP. Bám sát mục tiêu, kế hoạch phát triển KT - XH của địa phương, nhất là với các xã nằm trong kế hoạch về đích nông thôn mới, hằng năm, các phòng chuyên môn của huyện hướng dẫn, hỗ trợ người dân xây dựng sản phẩm OCOP. Với sản phẩm đã được chứng nhận, huyện tiếp tục tư vấn, hướng dẫn các chủ thể mới tiến hành cải tiến quy trình sản xuất, tạo nguồn nguyên liệu bền vững. Cùng đó quan tâm đưa sản phẩm ra thị trường qua nhiều “kênh” bán hàng, nhất là trên nền tảng số.
Thực tế, đã có một số HTX trên địa bàn phát huy hiệu quả việc bán, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng số. Anh Hoàng Văn Thiện, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thiện Lợi có 2 sản phẩm là khau nhục và thịt kho tàu xì đạt 3 sao chia sẻ: “Tôi thường xuyên đăng tải lên mạng các hình ảnh, video về quá trình chuẩn bị nguyên liệu, chế biến sản phẩm để quảng bá, thu hút khách hàng. Trung bình mỗi buổi phát video trực tiếp có 150- 500 người xem, nhiều người sau đó đã nhắn tin đặt mua hàng”.
Theo đồng chí Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện, qua nhiều lần đánh giá phân hạng lại, huyện không có sản phẩm nào bị mất sao, xuống hạng. Địa phương đang phấn đấu năm 2025 có ít nhất 5 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao trở lên; giai đoạn 2025 - 2023, phát triển thêm 30-35 sản phẩm mới, trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh. Huyện sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể chuẩn hóa quy trình sản xuất, cung cấp đầy đủ thông tin trên bao bì. Mời chuyên gia bán hàng online giúp quảng bá sản phẩm tại các phiên livestream, tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Hướng dẫn các HTX, cơ sở sản xuất vừa đầu tư hoàn thiện sản phẩm truyền thống vừa nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường...
Bài, ảnh: Mai Toan