Sớm xây dựng các phương án dự phòng giảm rủi ro về việc làm

Đà tăng của số người lao động gặp khó khăn, rủi ro về việc làm chưa dừng lại đã đặt ra không ít vấn đề xã hội, dân sinh cần giải quyết. Do đó, các bên liên quan cần sớm xây dựng những phương án dự phòng, giảm thiểu rủi ro về việc làm cho người lao động.

Nhờ có các phương án chăm lo đời sống của người lao động, Tổng công ty May 10 - CTCP có lực lượng lao động tương đối ổn định. Ảnh: Nhật Nam

Nhờ có các phương án chăm lo đời sống của người lao động, Tổng công ty May 10 - CTCP có lực lượng lao động tương đối ổn định. Ảnh: Nhật Nam

Số người rút bảo hiểm xã hội tăng

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá, năm 2023, mặc dù thị trường lao động trên đà phục hồi sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng tình trạng người lao động buộc phải nghỉ việc, giãn việc, thôi việc, mất việc vẫn diễn ra. Riêng 9 tháng năm 2023, các cơ quan chức năng tiếp nhận hơn 812.000 lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2022.

Phần lớn người lao động bị ảnh hưởng về việc làm thuộc các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, đồ gỗ… Đây là nhóm lao động phổ thông, chất lượng việc làm không cao, nên cơ hội có việc làm mới trong khối lao động chính thức (có hợp đồng lao động) không nhiều, buộc họ phải chuyển sang khối lao động phi chính thức (không có hợp đồng lao động).

Làm những công việc tự do, có người thành công, nhưng cũng có không ít người gặp khó khăn chồng chất. Chị Nguyễn Thị Hiền Mai, thôn Yên Bệ, xã Kim Chung (huyện Hoài Đức) cho hay, sau khi rơi vào cảnh thất nghiệp, chị vay mượn tiền của người thân, bạn bè để buôn bán một số mặt hàng tiêu dùng dành cho trẻ em. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường trầm lắng, lại thiếu kinh nghiệm bán hàng, chỉ sau 5 tháng, nguồn vốn đầu tư của chị Mai bị âm với số tiền gần 40 triệu đồng. “Để có tiền trả nợ, tôi sẽ rút bảo hiểm xã hội một lần khi đủ điều kiện (sau một năm mất việc, nghỉ việc). Biết là không nên, nhưng cái khó đang bó cái khôn”, chị Hiền Mai nói.

Không riêng trường hợp nêu trên, do cần tiền trang trải cho những khó khăn trước mắt, nhiều người lao động mất việc ở khối lao động chính thức đã rút bảo hiểm xã hội một lần. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến số người rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng cao. Từ đầu năm 2023 đến nay, trung bình mỗi tháng, các cơ quan chức năng giải quyết cho gần 100.000 người hưởng chế độ. Trong khi đó, ở khối phi chính thức, 98% người lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội, đồng nghĩa họ đang ở ngoài lưới an sinh. Khi không may gặp rủi ro về việc làm, họ sẽ thiếu điểm tựa để vượt qua…

Dưới góc nhìn khoa học, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trịnh Thu Nga cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm bổ sung các phương án phòng ngừa rủi ro về việc làm cho người lao động, nhất là với những người mất việc tại những đơn vị, doanh nghiệp đã phá sản, giải thể...

Đề xuất thành lập Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Góp phần phòng ngừa nguy cơ rủi ro về việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các phương án phòng ngừa lao động thất nghiệp trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Song hành với đó là chuỗi giải pháp vĩ mô nhằm thúc đẩy thị trường lao động phát triển, mở ra nhiều cơ hội việc làm mới cho người lao động.

Cùng mục tiêu bảo đảm việc làm an toàn, bền vững cho người lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa đề xuất thành lập Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp dự phòng rủi ro. Quỹ được thành lập trên cơ sở trích từ số tiền người sử dụng lao động phải đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, mức đóng cụ thể do Chính phủ quy định. Kinh phí từ quỹ được sử dụng để giải quyết quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp bị phá sản, giải thể mà các cơ quan chức năng không thể thu hồi số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, kinh phí từ quỹ có thể dùng để hỗ trợ những đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do thiên tai, dịch bệnh…

Với góc nhìn khách quan, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam Ingrid Christensen đánh giá, các phương án dự phòng, giảm thiểu rủi ro về việc làm nêu trên có tính khả thi. Bởi, một số gói an sinh nhằm hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng về việc làm trong thời gian qua phát huy hiệu quả tích cực.

Minh chứng rõ hơn cho nhận định này, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, các gói hỗ trợ và giảm mức đóng từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với kinh phí hơn 47.200 tỷ đồng đã giúp hàng triệu người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khủng hoảng do Covid-19. Là người thụ hưởng, công nhân Công ty SWCC Showa Việt Nam (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long) Trần Hữu Hiền cho hay, khoản hỗ trợ an sinh cho người lao động gặp khó khăn về việc làm do Covid-19 không chỉ giúp người lao động có thêm khoản tiền trang trải cho cuộc sống, mà còn giúp mỗi người hiểu ra giá trị khi có việc làm bền vững. Đó chính là động lực, niềm tin để mỗi người cố gắng duy trì việc làm, không để bản thân rơi vào cảnh thất nghiệp.

Ngoài những gói an sinh đã triển khai, hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang hỗ trợ bằng tiền (1-3 triệu đồng) đối với đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng, giúp người lao động yên tâm làm việc.

Từ những dẫn chứng nêu trên có thể nhận thấy, việc xây dựng các phương án dự phòng rủi ro về việc làm nói chung, thành lập Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp dự phòng rủi ro nói riêng là yêu cầu, đòi hỏi tất yếu từ thực tiễn. Các phương án, chính sách này càng sớm được thực thi, càng gia tăng cơ hội việc làm bền vững cho người lao động…

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/som-xay-dung-cac-phuong-an-du-phong-giam-rui-ro-ve-viec-lam-646441.html
Zalo