Sớm hoàn thiện thẩm định đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII để trình Chính phủ
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã cơ bản hoàn thành và được lấy ý kiến rộng rãi từ các tầng lớp nhân dân, các bộ, ngành và địa phương liên quan.
![Bộ Công Thương tổ chức họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh). (Ảnh: PV/Vietnam+)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_293_51461067/d761b8788f3666683f27.jpg)
Bộ Công Thương tổ chức họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh). (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chiều 12/2, Bộ Công Thương tổ chức họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh).
Theo ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, ngày 11/2, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 261/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng thẩm định điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội đồng được yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ trước ngày 28/2/2025, bảo đảm tuân thủ các quy trình, thủ tục pháp luật về quy hoạch và điện lực.
Hội đồng thẩm định gồm đại diện các bộ, ngành như: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực năng lượng như EVN, PVN, TKV, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và các tổng công ty điện lực khu vực cùng các chuyên gia phản biện.
Theo ông Tô Xuân Bảo, việc tham vấn ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định, các bộ, ngành và cơ quan liên quan là bước quan trọng nhằm đảm bảo tính toàn diện và chặt chẽ của đề án. Trên tinh thần vừa triển khai, vừa đánh giá, buổi họp diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Hội đồng-Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên theo ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng.
Gấp rút hoàn thiện các nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành Luật điện lực (sửa đổi)
Sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh mục tiêu quan trọng về tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch năng lượng bền vững trong giai đoạn tới, đặc biệt là giai đoạn 2025-2050. Theo Bộ trưởng, Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đã xác định mục tiêu đưa tăng trưởng kinh tế đạt mức tối thiểu 8% vào năm 2025, phấn đấu tăng trưởng hai con số vào những năm tiếp theo. Đến năm 2030, Việt Nam phải hoàn thành mục tiêu phát triển quy mô gấp 2,5-3 lần công suất điện hiện tại, tiến tới quy mô gấp 5-7 lần vào năm 2050.
Để thực hiện các mục tiêu này, tăng trưởng năng lượng phải đồng bộ với quy mô kinh tế, đồng thời đáp ứng cam kết quốc tế về trung hòa carbon vào năm 2050. Điều này đòi hỏi phải nhanh chóng điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, dù mới được phê duyệt vào năm 2023 để phù hợp với nhu cầu tăng trưởng mạnh và xu hướng chuyển dịch năng lượng sạch.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Chính phủ đã chỉ đạo tối đa hóa tiềm năng năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời tập trung và điện Mặt Trời áp mái. Bên cạnh đó, cần phát triển hợp lý các nguồn năng lượng nền như điện khí hóa lỏng và từng bước khôi phục, phát triển điện hạt nhân để đảm bảo nguồn cung điện ổn định, sạch và bền vững.
Theo ông, 3 mục tiêu chính của Quy hoạch điện VIII được xác định rõ ràng, gồm: Đáp ứng nhu cầu phụ tải trong nước theo từng vùng miền, thúc đẩy mua bán điện trực tiếp và xuất khẩu điện sạch sang các nước lân cận. Hiện Việt Nam đã ký kết một số hợp đồng xuất khẩu điện với Singapore và Malaysia, tạo tiền đề cho việc mở rộng thị trường năng lượng sạch trong khu vực.
![Ông Tô Xuân Bảo thông tin về quy hoạch điện. (Ảnh: PV/Vietnam+)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_293_51461067/cb8ba79290dc798220cd.jpg)
Ông Tô Xuân Bảo thông tin về quy hoạch điện. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Song song với việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, Chính phủ đã hoàn tất việc sửa đổi Luật Điện lực - một bước ngoặt quan trọng sau 20 năm thi hành. Lần sửa đổi này giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quá trình phát triển các nguồn năng lượng mới. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Luật Điện lực sửa đổi đã được thảo luận, thông qua trong một kỳ họp Quốc hội, với thời gian chuẩn bị chỉ 8 - 9 tháng, thay vì 22 tháng như quy trình thông thường.
Để triển khai Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Công Thương đang gấp rút hoàn thiện các nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành, dự kiến sẽ được công bố trong vài ngày tới. Những văn bản này sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc, giúp hiện thực hóa các mục tiêu của Quy hoạch điện VIII và tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai quyết liệt việc xây dựng dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. Đến nay, dự thảo này đã cơ bản hoàn thành và được lấy ý kiến rộng rãi từ các tầng lớp nhân dân, các bộ, ngành và địa phương liên quan.
Theo quy định, trước khi trình cấp thẩm quyền phê duyệt, dự thảo sẽ được thẩm định bởi hội đồng thẩm định quốc gia. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kỳ vọng, việc hoàn thiện và thực hiện Quy hoạch điện VIII sửa đổi sẽ là bước đột phá quan trọng, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng hiệu quả, góp phần vào mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Giải pháp bền vững cho miền Trung và điện hạt nhân
Ông Ngô Tuấn Kiệt, nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng, nhấn mạnh rằng tình hình kinh tế và xã hội đang thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi phải điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII để đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ hơn. Theo ông Kiệt, quyết tâm của hệ thống chính trị, Quốc hội và Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao hơn so với Quy hoạch Điện VIII là điểm mới quan trọng. Đặc biệt, quyết định tái khởi động hai dự án điện hạt nhân là bước đi mang tính chiến lược.
Ông Kiệt cho biết, mặc dù bản dự thảo điều chỉnh nhận được vẫn còn mang tính rút gọn, chưa đầy đủ các tính toán chi tiết, nhưng Ban soạn thảo đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ trong thời gian ngắn, đáp ứng cơ bản các yêu cầu về quan điểm và mục tiêu phát triển.
Một trong những vấn đề lớn được ông Ngô Tuấn Kiệt đề cập là sự mất cân đối trong phát triển kinh tế vùng miền. Hiện tại, miền Bắc và miền Nam vẫn là hai trung tâm kinh tế chủ yếu, trong khi miền Trung - dù sở hữu nhiều tiềm năng năng lượng tái tạo - lại chưa được khai thác đúng mức. Ông Ngô Tuấn Kiệt đề xuất nghiên cứu một kịch bản phát triển kinh tế miền Trung để giảm bớt áp lực truyền tải điện ra miền Bắc và miền Nam. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro thiên tai đối với hệ thống truyền tải mà còn tận dụng tối đa các nguồn năng lượng sẵn có tại chỗ.
Ngoài ra, ông Kiệt nhấn mạnh việc cần xem xét kỹ hơn về phát triển năng lượng mặt trời trên các hồ thủy điện để giảm chi phí truyền tải và diện tích đất sử dụng. Đây là giải pháp hiệu quả, vừa bảo vệ môi trường vừa nâng cao tính ổn định cho hệ thống.
Về nguồn than, vị chuyên gia này lưu ý, nhiều dự án lớn chưa tìm được nhà đầu tư và cần tạm dừng theo tinh thần Quy hoạch điện VIII. Tuy nhiên, ông cho rằng Việt Nam nên cân nhắc phát huy vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước trong nước thay vì phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn nước ngoài. Đặc biệt, việc đầu tư các công trình trọng điểm như nhà máy điện tại Quảng Trạch là cần thiết để giảm áp lực vốn.
Đối với điện hạt nhân, ông Kiệt khẳng định đây là lựa chọn tất yếu để đảm bảo nguồn cung năng lượng dài hạn. Với kinh nghiệm từ các nghiên cứu khả thi trước đây, Việt Nam có thể rút ngắn thời gian thực hiện, đặt mục tiêu hoàn thành hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trong vòng 5-6 năm nếu có sự quyết tâm và cơ chế phù hợp.
Ông Ngô Tuấn Kiệt cũng nhấn mạnh việc cần bỏ mô hình hợp đồng mua bán điện cố định, chuyển sang cơ chế thị trường linh hoạt hơn để phù hợp với tình hình mới. Đây là bước tiến quan trọng giúp Việt Nam xây dựng một hệ thống năng lượng bền vững và hiện đại trong tương lai.
![Các đại biểu đóng góp ý kiến cho Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_293_51461067/cb72a36b94257d7b2434.jpg)
Các đại biểu đóng góp ý kiến cho Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu những ý kiến về dự báo tăng trưởng, ở kịch bản cơ sở đề nghị phải điều chỉnh từ 45-50% so với Quy hoạch điện VIII.
Về nguồn, Bộ trưởng cho biết thống nhất phát triển tối đa tiềm năng của năng lượng tái tạo, tuy nhiên cũng phải tính đến tiềm năng và lợi thế ở vùng nào, miền nào tốt nhất để phát triển. Về thủy điện và thủy điện tích năng, Bộ trưởng đề nghị khai thác triệt để, tối đa nguồn này vì vừa là năng lượng sạch, vừa là nguồn điện nền.
Về điện sinh khối, Bộ trưởng lưu ý cần phải theo tiêu chí 15 MW/triệu dân. Ngoài ra, nếu sử dụng những nguyên liệu từ rừng trồng hay phế thải, rác thải công nghiệp hay rác thải sinh hoạt phải tính theo định mức. Đặc biệt chú ý phát triển năng lượng mới. Điện, khí bao gồm cả khí tự nhiên trong nước và khí hóa lỏng và điện hạt nhân.
Về truyền tải, Bộ trưởng đề nghị trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh phải áp dụng lưới điện thông minh và triển khai rộng rãi. Bên cạnh đó, truyền tải liên miền phải tính đến phương án cáp ngầm, kể cả ngầm trên bờ và ngầm dưới nước, dưới đáy đại dương.
Bộ trưởng cũng đề nghị Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn phải đề xuất ngay lập tức giá điện, thủy điện tích năng, đồng thời, Bộ trưởng đề nghị khẩn trương tách bạch được giá truyền tải ra khỏi cái giá thành điện năng theo hướng thị trường, tính đúng, tính đủ, tính hết chi phí của giá truyền tải.
“Như vậy mới có thể huy động được nguồn lực xã hội hóa trong lĩnh vực truyền tải, kể cả truyền tải liên miền và truyền tải nội miền. Đặc biệt cần phải có cơ chế đặc thù cho từng loại hình điện năng, nhất là nguồn điện nền và nguồn năng lượng mới,” Bộ trưởng nêu rõ./.