Chuyên gia nêu giải pháp phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam
Theo TS Tô Văn Trường, để phát triển điện hạt nhân (ĐHN) tại Việt Nam một cách an toàn và bền vững, cần áp dụng các giải pháp trọng tâm như thúc đẩy hợp tác quốc tế, hoàn thiện khung pháp lý, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và cải cách chính sách giá điện.
Cơ hội bảo đảm an ninh năng lượng
Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng và áp lực giảm phát thải khí carbon để đối phó với biến đổi khí hậu, ĐHN đang dần trở lại như một lựa chọn chiến lược trên toàn cầu. Nhiều quốc gia, kể cả những nước từng hoài nghi về loại hình năng lượng này, nay đang xem xét hoặc tái khởi động các chương trình phát triển ĐHN nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Bộ Công Thương đã có cảnh báo nhiều dự án nguồn và lưới điện theo Quy hoạch điện VIII đang gặp khó khăn trong triển khai, làm tăng nguy cơ thiếu điện. Sau khi tạm dừng dự án nhà máy ĐHN Ninh Thuận vào năm 2016 vì lo ngại về tài chính, công nghệ, an toàn hạt nhân và hiệu quả kinh tế, Quốc hội khóa XV đã quyết định tái khởi động chương trình phát triển ĐHN. Đây là một bước ngoặt quan trọng, không chỉ mở ra cơ hội lớn cho ngành năng lượng Việt Nam mà còn đặt ra những thách thức không nhỏ về vốn đầu tư, công nghệ, nguồn nhân lực và sự chấp nhận của công chúng.
Trao đổi với PetroTimes, TS Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về tài nguyên và môi trường, nhận định rằng năng lượng hạt nhân được xem là một nguồn năng lượng chiến lược có khả năng thay thế dần các nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Với những tiến bộ vượt bậc về công nghệ và an toàn hạt nhân, các nhà máy ĐHN ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện ổn định cho hệ thống lưới điện quốc gia, ít phát thải carbon, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế hiện đại.
Vì vậy theo TS Trường, việc tái khởi động dự án ĐHN tại Ninh Thuận, được Quốc hội khóa XV nhất trí thông qua, thể hiện tầm nhìn dài hạn của Việt Nam trong việc phát triển năng lượng sạch và bền vững. Mục tiêu xây dựng và hoàn thành 2 nhà máy ĐHN trong vòng 5 năm không chỉ là một dự án kỹ thuật quan trọng mà còn là một công trình đại sự quốc gia, mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế và công nghệ.
![TS Tô Văn Trường: phát triển điện hạt nhân mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế và công nghệ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_232_51461119/6ef495eea2a04bfe12b1.jpg)
TS Tô Văn Trường: phát triển điện hạt nhân mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế và công nghệ
ĐHN sẽ bảo đảm an ninh năng lượng cho Việt Nam, cung cấp nguồn điện ổn định và giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu. Dự án này là minh chứng cho cam kết của Việt Nam trong việc chuyển đổi mô hình phát triển sang năng lượng sạch, góp phần xây dựng một nền kinh tế xanh và thân thiện với môi trường. Hơn nữa, quá trình triển khai dự án sẽ tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ hiện đại và xây dựng đội ngũ chuyên gia hạt nhân có trình độ cao, từ đó nâng cao năng lực công nghệ quốc gia.
Việc tìm kiếm đối tác nước ngoài trong công tác chuyển giao công nghệ và quản lý dự án không chỉ tạo ra các mối liên kết chiến lược mà còn giúp Việt Nam tích lũy kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Như vậy, năng lượng hạt nhân không chỉ là một giải pháp cho hiện tại mà còn là nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai của đất nước.
Thách thức và giải pháp
Tuy nhiên theo TS Tô Văn Trường, việc xây dựng nhà máy ĐHN hiện nay đối mặt với nhiều thách thức lớn. Phát triển ĐHN không chỉ là bài toán tài chính mà còn đòi hỏi công nghệ cao với 2 thách thức lớn nhất là bảo đảm an toàn lò phản ứng và xử lý chất thải phóng xạ.
![Ứng cứu sự cố tại nhà máy ĐHN Fukushima sau thảm họa kép động đất, sóng thần (Ảnh: AFP).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_232_51461119/f8dcfcc6cb8822d67b99.jpg)
Ứng cứu sự cố tại nhà máy ĐHN Fukushima sau thảm họa kép động đất, sóng thần (Ảnh: AFP).
Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành 2 nhà máy ĐHN trong vòng 5 năm, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ. Tuy nhiên, xét trên góc độ khoa học và thực tiễn, đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn với nhiều rào cản như thiếu hụt nhân lực chuyên môn. ĐHN là ngành công nghệ cao, đòi hỏi đội ngũ chuyên gia có trình độ sâu rộng về thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo trì và an toàn hạt nhân. Hiện tại, Việt Nam chưa có đủ nhân sự đáp ứng yêu cầu này.
Dù có đủ nguồn lực, một nhà máy ĐHN trung bình trên thế giới vẫn mất 7-10 năm để hoàn thành từ giai đoạn lập kế hoạch, cấp phép, xây dựng, thử nghiệm đến vận hành. Điều này cho thấy mục tiêu 5 năm là rất khó đạt được nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự, công nghệ và chính sách.
Để thực hiện kế hoạch phát triển ĐHN tại Việt Nam, TS Tô Văn Trường đã nêu ra những giải pháp cần thiết và cấp bách. Chính phủ đã giao cho hai tập đoàn lớn của đất nước là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Petrovietnam nhiệm vụ đầu tư vào 2 nhà máy ĐHN. Để bảo đảm thành công và an toàn cho các dự án này, việc hợp tác với các đối tác quốc tế có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến là điều thiết yếu. Thông qua hợp tác này, các công nghệ phù hợp sẽ được lựa chọn, qua đó xác định quy mô, công suất và tổng vốn đầu tư.
Ngoài ra, cần thiết phải điều chỉnh và bổ sung khung pháp lý, cụ thể là hoàn thiện Luật Năng lượng nguyên tử để phù hợp hơn với thực tiễn phát triển. Về cơ sở hạ tầng, việc xác định địa điểm xây dựng và tái khởi động lập báo cáo khả thi là cần thiết, nhằm bảo đảm các yếu tố về giải phóng mặt bằng và kết nối giao thông.
Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đã thành công trong lĩnh vực này như Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Tham gia vào các tổ chức quốc tế như Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ giúp cập nhật tiêu chuẩn an toàn và công nghệ hiện đại nhất.
Chính sách giá điện cần cũng được cải cách để phù hợp với định hướng thị trường, tạo cơ sở cho việc điều phối hiệu quả nguồn điện. Công tác quy hoạch đóng vai trò quan trọng, tránh chồng chéo do sự phát triển thị trường không đồng bộ, nhất là trong bối cảnh năng lượng tái tạo đang trên đà phát triển.
Chính phủ cần giao Bộ Công Thương khẩn trương bổ sung ĐHN vào Quy hoạch điện VIII và triển khai chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Ngoài ra, cần thiết lập chính sách đãi ngộ cho cán bộ trong lĩnh vực hạt nhân và thuê chuyên gia nước ngoài để đào tạo.
Cuối cùng, việc đánh giá trữ lượng uranium và nghiên cứu về tự chủ nhiên liệu hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm đối tác xây dựng Nhà máy Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2. Việc ưu tiên hợp tác với Nga và Nhật Bản, những quốc gia đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển ĐHN tại Việt Nam.