Lựa chọn nào cho doanh nghiệp logistics khi chuyển đổi xanh

Doanh nghiệp logistics Việt muốn hướng tới phát triển xanh, bền vững cần phải chuyển sang sử dụng năng lượng xanh, tối ưu chi phí vận hành, nâng cao hiệu suất, hiệu quả trong cung cấp dịch vụ logistics.

Chiều 12/2, tại TP.HCM Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức hội thảo với chủ đề: "Logistics xanh - Đích đến bền vững".

Các doanh nghiệp cùng bàn thảo làm sao lựa chọn mô hình chuyển đổi xanh phù hợp cho doanh nghiệp logistics

Các doanh nghiệp cùng bàn thảo làm sao lựa chọn mô hình chuyển đổi xanh phù hợp cho doanh nghiệp logistics

Nêu thực trạng phát triển logistics xanh tại Việt Nam hiện nay, ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch VLA cho biết, ngành logistics Việt Nam hiện còn phụ thuộc nhiều vào đường bộ và phát triển không đồng đều giữa các phương thức vận tải.

Trong đó, 75% hàng hóa vẫn vận chuyển bằng đường bộ, trong khi 12% hàng hóa được vận chuyển qua đường biển và chỉ 2% vận chuyển bằng đường sắt.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), trung bình mỗi năm hoạt động vận tải ở Việt Nam phát thải hơn 50 triệu tấn CO2, trong đó, vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng 85% lượng khí phát thải.

Lượng phát thải này được dự báo tăng trung bình 6-7% mỗi năm, đồng thời, lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam bị đánh giá cao hơn nhiều so các quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới.

Bên cạnh phát thải lớn, ngành logistics Việt cũng chịu ảnh hưởng từ các chính sách, quy định và yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng khắt khe hơn.

Trong đó, các hiệp định thương mại thế hệ mới đều yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao tiêu chuẩn, giảm “dấu chân” carbon trong hoạt động logistics để hướng tới phát triển bền vững chuỗi cung ứng.

Ông Phạm Thiên Ân, phụ trách lĩnh vực khí nhà kính của Tập đoàn Vinacontrol chỉ ra rằng hoạt động logistics có 3 nguồn phát thải chính là từ vận tải hàng hóa; từ kho bãi và trung tâm phân phối và các nguồn phát thải khác.

Để giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động logistics, ông Ân khuyến nghị các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ, sử dụng Al để tối ưu hóa quãng đường vận chuyển. Đối với phương tiện vận chuyển nên ưu tiên xe điện, sử dụng xe dùng nhiên liệu sinh học CNG, LPG như giải pháp chuyển tiếp. Đồng thời, sử dụng kết hợp đa dạng phương thức vận tải.

Đối với các kho bãi và trung tâm phân phối có thể giảm phát thải bằng cách triển khai các giải pháp logistics thông minh, tối ưu hóa hệ thống quản lý lưu trữ, giảm lãng phí năng lượng.

Đặc biệt, doanh nghiệp có thể tận dụng lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái kho bãi và trung tâm phân phối để sử dụng năng lượng sạch.

Trong nhà kho có thể chuyển đổi các thiết bị nâng hạ từ xăng, dầu sang sử dụng điện hoặc nhiên liệu thân thiện với môi trường như xăng sinh học, CNG, LPG.

Mặt khác, cần sử dụng vật liệu đóng gói thân thiện với môi trường như giấy tái chế, nhựa sinh học. Tăng cường chuyển đổi số, giảm chứng từ giấy.

Doanh nghiệp logistics ký kết hợp tác chiến lược với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam về chuyển đổi xanh ngành logistics

Doanh nghiệp logistics ký kết hợp tác chiến lược với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam về chuyển đổi xanh ngành logistics

Nêu câu chuyện về chuyển đổi xanh tại doanh nghiệp của mình, bà Phạm Thị Tình, Giám đốc thương mại chi nhánh Hà Nội, Công ty cổ phần Giao nhận tiếp vận quốc tế Interlog cho biết, công ty tập trung vào 3 trụ cột chính là nhận thức của nhân viên, tiếp đến là chuyển đổi năng lượng và có giải pháp tối ưu để cắt giảm chi phí.

Theo bà Tình, từ cuối năm 2022, Interlog đã tập trung vào đào tạo nội bộ từ cấp lãnh đạo đến nhân viên để tăng nhận thức về chuyển đổi xanh. Đồng thời, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để giảm giấy tờ trong quản lý, vận hành.

“Không chỉ nâng cao nhận thức phát triển xanh trong nội bộ công ty, chúng tôi đưa ra đề xuất, giải pháp giúp giảm lượng phát thải carbon cho khách hàng thông qua tư vấn về tuyến đường giao hàng, giúp giảm nhiên liệu và chi phí vận chuyển” bà Tình chia sẻ.

Có thể nói, việc chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp sẽ đóng góp rất lớn vào quá trình giảm thải carbon của ngành logistics Việt Nam.

Tuy nhiên, để tạo “bệ đỡ” cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi này, các doanh nghiệp cho rằng Chính phủ và các cơ quan quản lý cần tạo thuận lợi thương mại, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi xanh.

Ông Phạm Thiên Ân, kiến nghị, cơ quan quản lý cần ban hành thêm nhiều cơ chế ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Hơn nữa, các doanh nghiệp logistics cũng cần thêm các chính sách để tiếp tục cải thiện hạ tầng giao thông và phát triển vận tải đường thủy nội địa và đường sắt.

Lê Quân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/lua-chon-nao-cho-doanh-nghiep-logistics-khi-chuyen-doi-xanh-d245941.html
Zalo