Sớm chấn chỉnh công tác thẩm định dự án hỗ trợ sản xuất ở Bắc Kạn
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã đầu tư hơn 182 tỷ đồng để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Tuy nhiên, một số dự án được phê duyệt với mức hỗ trợ vượt xa định mức kinh tế, kỹ thuật đã được quy định.

Dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ gà thịt do Hợp tác xã Nhung Lũy triển khai ở Ba Bể được hỗ trợ 5 tỷ đồng nhưng chỉ liên kết sản xuất cho 17 hộ. Trong ảnh: Gà dự án chăn nuôi tập trung tại hợp tác xã. (Ảnh: TUẤN SƠN)
Tính bình quân, mỗi hộ tham gia dự án sẽ được nhận hơn 620 triệu đồng là con số “trên trời”, gây nhiều bất ngờ tại dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà thả vườn thương phẩm tại xã Yên Mỹ, huyện Chợ Đồn.
Dự án này được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Đồn phê duyệt vào ngày 15/9/2023, tại quyết định số 372/QĐ-NNPTNT.
Dự án có tổng kinh phí thực hiện hơn 7,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 5 tỷ đồng.
Dự án có quy mô chăn nuôi 60.000 con gà, chia làm 3 chu kỳ sản xuất với mỗi chu kỳ 20.000 con với 8 hộ tham gia liên kết.
Khi triển khai, đơn vị chủ trì liên kết là Hợp tác xã Bánh chưng xanh lập 4 điểm chăn nuôi tập trung. Mỗi điểm chăn nuôi có 2 hộ tham gia.
Chúng tôi đến chuồng trại của ông Bàn Đặng Vững, thôn Pác Khoang, một trong 4 điểm chăn nuôi. Hệ thống chuồng trại khá lớn nhưng vắng vẻ, đìu hiu. Theo người dân lân cận, toàn bộ gà nuôi của dự án đã được bán hết trước Tết Nguyên đán.
Theo định mức kinh tế kỹ thuật được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn quy định tại Quyết định số 1449/QĐ-UBND ngày 12/8/2020, trong thực hiện các chương trình, dự án, mô hình trên địa bàn hỗ trợ không quá 1.000 con gà thịt/hộ; đối với nuôi trâu, bò sinh sản không quá 3 con bò/hộ và 2 con trâu/hộ.
Dự án tại xã Yên Mỹ nói trên tính bình quân, mỗi hộ sẽ được hỗ trợ tới 7.500 con gà, tương đương số tiền hơn 620 triệu đồng. Nếu trao bằng tiền mặt thì chắc chắn các hộ tham gia sẽ thoát nghèo bền vững, đỡ phải tham gia chăn nuôi gà.

Một hệ thống chuồng trại chăn nuôi của Hợp tác xã Bánh chưng xanh tại thôn Pác Khoang. (Ảnh: NGỌC TÚ)
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Mỹ Hoàng Văn Tuy, mức hỗ trợ của dự án này là lớn. Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi một chu kỳ nuôi, các hộ được hỗ trợ hơn 104 tấn cám. Dù nhận hỗ trợ lớn nhưng theo thông tin từ chính Hợp tác xã Bánh chưng xanh thì kết quả sản xuất năm 2024 của đơn vị đang bị lỗ vốn.
Khâu thẩm định dự án đang cho thấy nhiều vấn đề khi nhiều dự án vượt định mức kinh tế, kỹ thuật rất lớn, dẫn tới tính bình quân, số tiền hỗ trợ hộ dân tham gia nhận được rất cao.
Dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trâu sinh sản tại Chợ Đồn do Hợp tác xã nông nghiệp Bằng Phúc chủ trì liên kết được phê duyệt hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hơn 4 tỷ đồng.
Dự án có quy mô 105 con trâu với 12 hộ tham gia liên kết. Tính bình quân, mỗi hộ nhận hơn 8 con trâu, tương đương hơn 330 triệu đồng.
Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trâu, bò vỗ béo tại huyện Bạch Thông do Hợp tác xã Hòa Phát chủ trì liên kết được phê duyệt hỗ trợ gần 2 tỷ đồng.
Dự án có quy mô vỗ béo 415 con trâu, bò trong 3 chu kỳ với 4 hộ tham gia. Bình quân mỗi hộ được hỗ trợ hơn 450 triệu đồng.
Trong khi đó, có nhiều dự án khác, dù mức vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước không lớn bằng các dự án nêu trên nhưng lại hỗ trợ được cho rất nhiều hộ. Đơn cử, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gà thịt ở Na Rì do Hợp tác xã Trần Phú chủ trì liên kết, được hỗ trợ hơn 500 triệu đồng, nhưng đã hỗ trợ liên kết cho tới 50 hộ.
Dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lợn thịt bản địa ở Pác Nặm do Hợp tác xã Giả Ve chủ trì liên kết, được hỗ trợ hơn 400 triệu đồng tạo liên kết sản xuất cho 16 hộ.
Dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bò sinh sản ở Chợ Mới do Hợp tác xã Tân Sơn chủ trì liên kết, được hỗ trợ hơn 2,9 tỷ đồng tạo liên kết sản xuất cho 68 hộ dân.
Vấn đề đặt ra ở đây là vì sao quy định đã có nhưng vẫn có tình trạng thẩm định vượt định mức kinh tế, kỹ thuật?
Theo kết quả giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn, công tác thẩm định, lựa chọn, phê duyệt dự án chưa kỹ lưỡng, còn chung chung, chưa đầy đủ nội dung theo quy định.
Các quyết định phê duyệt cơ bản không phê duyệt danh sách các hộ tham gia liên kết, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo theo quy định; không có nội dung và kinh phí hỗ trợ cho các hộ gia đình hoặc người dân thuộc đối tượng hỗ trợ của chương trình theo quy định.
Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn Triệu Thị Thu Phương, Trung ương, tỉnh và ngành nông nghiệp đã có hướng dẫn hết sức chi tiết, cụ thể về quy trình lập, thẩm định, phê duyệt các dự án. Nếu Hội đồng thẩm định của các địa phương thực hiện đầy đủ các bước theo hướng dẫn thì chắc chắn sẽ không có chuyện vượt định mức kinh tế, kỹ thuật và không bảo đảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định.
Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, một số địa phương ở Bắc Kạn đã có những dự án được phê duyệt chưa bảo đảm đúng định mức kinh tế, kỹ thuật và tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Điều này đồng nghĩa nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã mất đi cơ hội có sinh kế thoát nghèo.
Đây là điều cần được tỉnh Bắc Kạn sớm làm rõ để chấn chỉnh, đưa việc triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thật sự đến đúng đích và mục tiêu đặt ra.