Sớm ban hành quy chế tuyển sinh lớp 10

Ở thời điểm này các năm trước, một số địa phương đã công bố phương án tuyển sinh lớp 10 công lập. Tuy nhiên năm nay, các tỉnh, thành đều phải chờ Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) để thực hiện thống nhất chung trên toàn quốc nên cả giáo viên, học sinh, phụ huynh vẫn đang phải đợi…

Thí sinh dự thi lớp 10 THPT tại Hà Nội năm 2024. Ảnh: Quang Vinh.

Thí sinh dự thi lớp 10 THPT tại Hà Nội năm 2024. Ảnh: Quang Vinh.

TPHCM đề xuất Ngoại ngữ là môn thi thứ ba vào lớp 10

Trong văn bản mới nhất gửi Bộ GDĐT, góp ý vào dự thảo quy chế tuyển sinh THCS và THPT, Sở GDĐT TPHCM nhắc lại đề xuất Ngoại ngữ là môn thi thứ ba vào lớp 10.

Trước đó, Bộ GDĐT ban hành dự thảo, lấy ý kiến về kỳ thi vào lớp 10 công lập, với 3 môn gồm hai môn cố định là Toán và Ngữ văn, môn thứ ba hoặc bài thi tổ hợp. Môn thứ ba phải thay đổi hàng năm, thời hạn công bố trước ngày 31/3, do các Sở GDĐT hoặc trường đại học có cấp THPT lựa chọn trong các môn Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Tin học.

Theo Sở GDĐT TPHCM, chương trình giáo dục ở bậc THCS đảm bảo học sinh được tiếp cận kiến thức, vấn đề cơ bản và xác định được định hướng của bản thân, làm căn cứ lựa chọn các môn học phù hợp ở bậc THPT. Do đó, việc quyết định môn thi thứ ba trong kỳ thi lớp 10 phải đảm bảo không ảnh hưởng đến các vấn đề liên quan tâm lý, quá trình ôn tập và việc lựa chọn môn ở cấp THPT của học sinh. Mặt khác, Ngoại ngữ còn là môn học bắt buộc, xuyên suốt từ lớp 3 đến hết lớp 12. Các môn khác như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ hay Tin học có thể không được học sinh lựa chọn khi lên THPT, do định hướng nghề nghiệp của các em. Vì vậy việc lựa chọn ngẫu nhiên các môn ngoài Toán, Văn dẫn đến học sinh phải thi những môn không thuộc định hướng, từ đó dễ dẫn tới việc “sốc” tâm lý, căng thẳng cho học sinh trước kỳ thi.

Sở GDĐT TPHCM cho rằng, việc lựa chọn môn Ngoại ngữ làm môn thi thứ ba bảo đảm được vấn đề giữ ổn định tâm lý cho người học; phù hợp với mục tiêu định hướng nghề nghiệp cho các em xuyên suốt chương trình GDPT 2018. Đồng thời việc lựa chọn môn Ngoại ngữ cũng đáp ứng đúng mục tiêu mà Bộ Chính trị đề ra trong kết luận 91- KL/TW về việc đưa tiếng Anh từng bước trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học; hướng tới cho người học thành công dân toàn cầu trong tương lai.

Ngoài đề xuất được chủ động quyết định môn thi thứ ba, Sở GDĐT TPHCM còn mong muốn Bộ GDĐT trao quyền chủ động cho các Sở trong việc tổ chức kỳ thi, bao gồm: xây dựng quy chế tổ chức làm việc, coi thi, chấm thi và làm phách; chọn lựa nhân sự tham gia và thời gian công bố kết quả.

Để việc học - ôn chủ động

Theo thông lệ, kỳ tuyển sinh lớp 10 của các địa phương diễn ra vào tháng 6 hoặc tháng 7. Nếu như mọi năm, thời điểm này các thí sinh đều đã biết phương án tuyển sinh lớp 10, thì năm nay, khi đã sắp kết thúc học kỳ I, phương án tuyển sinh vẫn chưa ngã ngũ. Hiện học sinh lớp 9, lớp 12 ở nhiều tỉnh thành vẫn từng ngày mong Bộ GDĐT chính thức công bố quy chế tuyển sinh năm 2025, bởi chỉ khi biết rõ phương án, các em mới có thể yên tâm học- ôn.

Việc thấp thỏm chờ phương án tuyển sinh lớp 10 cũng khiến áp lực của thầy trò gia tăng. Vài năm nay, Hà Nội giữ ổn định phương thức thi tuyển để tuyển học sinh vào lớp 10, gồm 3 môn thi cố định là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Cũng như các địa phương khác, hiện tại thành phố Hà Nội chưa có phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026, do Bộ GDĐT chưa ban hành quy chế tuyển sinh THCS, THPT. Dự thảo quy chế hiện vẫn đang được lấy ý kiến, hạn cuối vào ngày 18/12/2024.

Theo Sở GDĐT TPHCM, việc ban hành quy chế tuyển sinh THCS và THPT thống nhất trên toàn quốc là cần thiết. Quy chế này sẽ là cơ sở để các Sở GDĐT xây dựng quy định tuyển sinh phù hợp với địa phương. Điều này giúp công tác tuyển sinh THCS và THPT ngày càng công khai, minh bạch, đáp ứng được yêu cầu của xã hội, đặc biệt trong năm học 2025-2026, năm đầu tiên tổ chức kỳ thi tuyển sinh THPT theo chương trình GDPT 2018. Sở GDĐT TPHCM cũng kiến nghị Bộ GDĐT sớm ban hành quy chế tuyển sinh THCS, THPT để các cơ sở có thể xây dựng kế hoạch tuyển sinh, các văn bản định hướng, chuẩn bị cơ sở vật chất tạo sự an tâm trong dư luận và xã hội.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 8347 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Thành Long xử lý thông tin báo chí phản ánh liên quan đến dự thảo quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Phụ huynh băn khoăn, lo lắng về môn thi thứ 3 “bí mật” được công bố sát kỳ thi là rất gấp gáp. Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Thành Long chỉ đạo Bộ GDĐT rà soát kỹ, nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân. Từ đó để hoàn thiện ban hành quy chế tuyển sinh THCS và THPT theo thẩm quyền. Trong đó xem xét quy định thời gian công bố đối với phương án thi lớp 10 sớm để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường, các em học sinh, nhất là trong việc chủ động có kế hoạch dạy và học, ôn tập phù hợp, hiệu quả.

Dung Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/som-ban-hanh-quy-che-tuyen-sinh-lop-10-10296800.html
Zalo