Bối cảnh hội nhập, SV tốt nghiệp ngành Quan hệ quốc tế có nhiều cơ hội việc làm

Ngành Quan hệ quốc tế ngày càng thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay.

Ngành Quan hệ quốc tế (International relations) là lĩnh vực nghiên cứu về mối quan hệ giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế, các vấn đề toàn cầu như hòa bình, an ninh, phát triển, chính trị, kinh tế, văn hóa…

Do đó, ngành học này không chỉ mở ra cơ hội nghề nghiệp phong phú trong các tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao, doanh nghiệp đa quốc gia mà còn giúp sinh viên phát triển các kỹ năng quan trọng như tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và giao tiếp đa văn hóa.

Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh là một trong những cơ sở giáo dục có thế mạnh về đào tạo ngành Quan hệ quốc tế. Đặc biệt, những năm gần đây, ngành Quan hệ quốc tế của nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của người học.

Chương trình học được thiết kế nhiều lĩnh vực

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tăng Nghị - Trưởng khoa Khoa Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nhận định, ngành Quan hệ quốc tế đã và đang khẳng định vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nhờ tính hội nhập cao và cơ hội nghề nghiệp đa dạng.

 Tiến sĩ Nguyễn Tăng Nghị - Trưởng khoa Khoa Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Website nhà trường)

Tiến sĩ Nguyễn Tăng Nghị - Trưởng khoa Khoa Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Website nhà trường)

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tăng Nghị, trước bối cảnh Việt Nam đang ngày càng đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, ngành học này ngày càng trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với sinh viên. Bởi đây không chỉ là ngành học góp phần hỗ trợ chính sách đối ngoại mà còn thúc đẩy Việt Nam hòa nhập sâu hơn vào cộng đồng quốc tế.

Thầy Nghị cho hay, một trong những điểm mạnh của ngành Quan hệ quốc tế tại nhà trường là chương trình đào tạo tiên tiến, được đối sánh với các trường đại học uy tín trên thế giới như ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Việc áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại giúp sinh viên không chỉ tiếp cận được kiến thức chuyên môn mà còn phát triển kỹ năng thực tiễn, đảm bảo khả năng làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, nhờ chương trình học được thiết kế đa ngành, kết hợp kiến thức về chính trị, kinh tế, lịch sử, xã hội và truyền thông quốc tế giúp sinh viên nắm bắt toàn diện các khía cạnh của ngành Quan hệ quốc tế, từ đó tạo nền tảng vững chắc để có thêm cơ hội việc làm. Đơn cử sinh viên tốt nghiệp ngành Quan hệ quốc tế có thể làm việc trong các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đa quốc gia, hay thậm chí trong lĩnh vực truyền thông quốc tế. Trong từng tổ chức, các vị trí như chuyên viên đối ngoại, cố vấn chính sách, chuyên gia quan hệ công chúng đều cần nhân sự tốt nghiệp ngành Quan hệ quốc tế. Trên thực tế, nhiều cựu sinh viên ngành Quan hệ quốc tế đã và đang đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong lĩnh vực ngoại giao và hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao uy tín của ngành học này cũng như nhà trường.

“Để đào tạo ra nhiều thế hệ sinh viên giỏi chuyên môn, khả năng ngoại ngữ tốt, việc tuyển dụng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên ngành Quan hệ quốc tế rất quan trọng. Với tỷ lệ giảng viên có học hàm, học vị cao, trong đó có 63% giảng viên là phó giáo sư và tiến sĩ, ngành học đảm bảo chất lượng đào tạo cho sinh viên. Hơn nữa, nhiều giảng viên đã từng học tập và làm việc ở nước ngoài, do đó có thể mang lại những góc nhìn phong phú và thực tế về các vấn đề quốc tế.

Ngoài ra, nhà trường còn có chính sách hỗ trợ giảng viên tiếp tục học tập, nghiên cứu như giảm giờ dạy và hỗ trợ học phí để nâng cao trình độ. Điều này giúp đội ngũ giảng viên không ngừng phát triển, góp phần duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo của ngành”, thầy Nghị bày tỏ.

Đa dạng việc làm, cơ hội rộng mở với sinh viên học ngành Quan hệ quốc tế

Theo Trưởng khoa Khoa Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, việc xây dựng chặt chẽ mạng lưới với cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước là cầu nối giúp sinh viên có cơ hội được tham gia các chương trình thực tập, học hỏi kinh nghiệm thực tế và tăng cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức các chương trình thực tập thực tế ở nước ngoài như tại Trung Quốc và Thái Lan, giúp sinh viên tiếp cận với môi trường làm việc quốc tế. Bởi nhà trường luôn chú trọng tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên phát triển và có cơ hội giao lưu quốc tế. Ngoài ra, cộng đồng cựu sinh viên cũng phát triển mạnh mẽ, góp phần hỗ trợ trong việc chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết và cơ hội việc làm cho các thế hệ sinh viên.

Chia sẻ với phóng viên, ông Đỗ Thiện, Trưởng ban ban Media (Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh) là một trong những cựu sinh viên khoa Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: "Quan hệ quốc tế là một trong những ngành học rất được yêu thích trong giai đoạn Việt Nam đẩy mạnh công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện. Đây là ngành học được kỳ vọng sẽ đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng làm việc trong nhiều lĩnh vực, môi trường đa dạng, nhất là môi trường có yếu tố đối ngoại, ngoại giao, nước ngoài.

Môi trường Quan hệ quốc tế tôi theo học cung cấp cho sinh viên nhiều kiến thức nền tảng về lịch sử, chính trị quốc tế, ngoại giao, các vấn đề toàn cầu, đồng thời tạo hệ sinh thái để người học có thể tiếp cận các cơ hội và thực hành, rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp, quản lý công việc, tinh thần tự học hướng tới việc trở thành những công dân toàn cầu. Tất nhiên, sau khi tốt nghiệp vẫn phải duy trì việc tìm tòi, học tập chuyên sâu để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng gắt gao của thị trường lao động” - ông Đỗ Thiện chia sẻ.

Từng là biên tập viên, sau đó là Trưởng ban ban Quốc tế trước khi chuyển sang Trưởng ban ban Media, ông Thiện nhận định, những nền tảng lý thuyết về quan hệ quốc tế, chính trị-an ninh quốc tế, chính sách đối ngoại của các quốc gia và vùng lãnh thổ, văn hóa chính trị của các nước… đóng vai trò quan trọng trong công việc sau khi tốt nghiệp và đi làm. Sinh viên cũng được dạy và hướng dẫn bởi những giảng viên giàu kinh nghiệm, có những người từng làm hoặc đang làm trong các cơ quan ngoại giao; cũng có những giảng viên đang giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu nổi tiếng trong nước và quốc tế.

“Tôi nghĩ không chỉ hữu ích cho việc làm báo, nhiều kiến thức và kỹ năng mà khoa Quan hệ quốc tế cung cấp đã giúp nhiều thế hệ sinh viên trước tôi, cùng khóa với tôi và cả về sau này gặt hái được nhiều kết quả tích cực trong công việc. Sinh viên Quan hệ quốc tế thường rất cá tính, độc lập, có khả năng giải quyết vấn đề, khả năng phản biện và kỹ năng giao tiếp tốt. Vì vậy, có nhiều anh chị, bạn bèmà tôi biết đã trở thành các nhà ngoại giao giỏi hoặc khởi nghiệp, làm ở các bộ phận đối ngoại doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, trường đại học hay cơ sở nghiên cứu về quan hệ quốc tế rất thành công” - ông Thiện nói thêm.

 Nhà báo Đỗ Thiện - cựu sinh viên khóa 7 ngành Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Nhà báo Đỗ Thiện - cựu sinh viên khóa 7 ngành Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên ông Thiện cho rằng rất khó để kỳ vọng rằng chỉ cần học xong đại học là có thể làm tốt công việc, phát triển sự nghiệp. Bất kỳ ngành nghề nào cũng cần người làm có kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu, cùng với đó là kinh nghiệm, kỹ năng quản lý rủi ro, giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian, nguồn lực…

Còn theo quan điểm của ông Trần Minh Hiếu - cựu sinh viên khóa 10 ngành Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang công tác tại Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, đa số các môn trong chương trình học của nhà trường đều hỗ trợ cho công tác đối ngoại, đặc biệt là các môn như chính sách đối ngoại, lý thuyết quan hệ quốc tế, lịch sử, nghiệp vụ lễ tân ngoại giao và đàm phán quốc tế.... Ngoài ra, bản thân vận dụng được nhiều kỹ năng mềm thông qua việc tham gia các câu lạc bộ, 3 chương trình thực tập thực tế xuyên suốt gồm theo dòng lịch sử, thực tế nước ngoài và thực tập doanh nghiệp.

 Sinh viên ngành Quan hệ quốc tế được trau dồi nhiều kỹ năng thông qua các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ tại trường. (Ảnh: Website Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh)

Sinh viên ngành Quan hệ quốc tế được trau dồi nhiều kỹ năng thông qua các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ tại trường. (Ảnh: Website Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh)

Theo ông Hiếu, để có một công việc tốt trong ngành Quan hệ quốc tế, một trong những cơ hội tốt nhất chính là thực tập đủ lâu. Bởi nếu chỉ thực tập trong thời gian 2 tháng thì sẽ rất khó để có thể trải nghiệm tất cả các công việc của một phòng/ ban và thời gian quá ngắn nên thường các bạn cũng sẽ chỉ được giao các công việc mang tính sự vụ. Do đó, một khoảng thời gian đủ lâu sẽ giúp các bạn sinh viên vừa hiểu về môi trường, vừa giúp nhận được sự tin tưởng nhất định từ tổ chức và có cơ hội được thử sức với những đầu việc khó.

Bên cạnh đó, các bạn trẻ cần trau dồi tính kiên nhẫn và khả năng thích ứng nhanh vì sẽ phải làm việc với nhiều nền văn hóa khác nhau, con người ở nhiều thế hệ khác nhau. Ngoài ra, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, các bạn tập trung vào việc nâng cao trình độ ngoại ngữ và có thể học thêm các thứ tiếng khác để tăng cơ hội trong tìm kiếm việc làm sau này. Thêm vào đó, cần chủ động xin ý kiến từ thầy cô hoặc các anh chị khóa trước để tham khảo và chuẩn bị tâm thế luôn sẵn sàng học hỏi.

Thu Thủy

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/boi-canh-hoi-nhap-sv-tot-nghiep-nganh-quan-he-quoc-te-co-nhieu-co-hoi-viec-lam-post247846.gd
Zalo