Các quốc gia đã làm gì để cải thiện tầm vóc của thế hệ tương lai?

Kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cho thấy nhiều nước đã có luật riêng về dinh dưỡng học đường hoặc có quy định tiêu chuẩn nghiêm ngặt về bữa ăn học đường.

Không chỉ riêng Việt Nam mà hiện nay trên thế giới, nhiều nước cũng đang phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng. Đó là tình trạng suy dinh dưỡng thiếu vi chất dinh dưỡng cùng với sự gia tăng nhanh thừa cân, béo phì đặc biệt là đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên.

Can thiệp kiểm soát thừa cân, béo phì, cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ lứa tuổi học đường là vấn đề cần thiết đã được nhiều quốc gia triển khai tổng thể và đồng bộ với những kết quả tốt, qua đó nhiều nước khác như Việt Nam có thể học hỏi mô hình như của Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Tại Hội thảo quốc tế Dinh dưỡng người Việt lần 2 với chủ đề dinh dưỡng học đường - do Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) và Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản đồng tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn TH và Viện Dinh dưỡng TH, các chuyên gia dinh dưỡng và các nhà khoa học hàng đầu trong và ngoài nước, đại diện từ các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề bữa ăn học đường.

Nhật Bản: Hành lang pháp lý ‘chuẩn chỉ’ về dinh dưỡng

Nhật Bản là một đất nước điển hình trong khu vực châu Á với một mô hình thành công nổi bật trên thế giới trong việc cải thiện vóc dáng của người Nhật thông qua những bữa ăn học đường.

Giáo sư Nakamura Teiji - Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản nhấn mạnh sau Thế chiến thứ hai, tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng trở thành một vấn đề nghiêm trọng tại Nhật Bản. Nhằm cải thiện tầm vóc và thể lực của người dân Nhật, nhất là đối với thế hệ trẻ, Nhật Bản đã đặt ưu tiên và chú trọng đến bữa trưa học đường.

Năm 1954, “Luật Bữa trưa học đường” của Nhật Bản đã được Thiên Hoàng và Thủ tướng ban hành. Nhật Bản hướng đến mục tiêu làm sao để nhanh chóng có biện pháp đảm bảo tất cả trẻ em đều được cung cấp bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh. Vào năm 2005, chính phủ Nhật Bản đã ban hành "Luật cơ bản về Giáo dục thực phẩm và Dinh dưỡng (Shokuiku Basic Act.). Như vậy, có thể thấy Luật về dinh dưỡng học đường ở Nhật Bản đã ra đời từ sớm và có sự thay đổi theo từng giai đoạn, để phù hợp với tình hình thực tế về tình trạng dinh dưỡng, kinh tế và xã hội. Luật vừa chuẩn hóa bữa ăn học đường vừa chú trọng phát triển giáo dục dinh dưỡng.

 Giáo sư Nakamura Teiji - Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Giáo sư Nakamura Teiji - Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Hiện nay, tỷ lệ triển khai bữa trưa học đường ở Nhật Bản đạt 99% tại các trường tại các trường

tiểu học và 91,5% tại các trường trung học cơ sở. Kết quả, tình trạng suy dinh dưỡng giảm đáng kể, thanh niên Nhật Bản ngày càng phát triển mạnh mẽ về thể chất và trí tuệ, với tầm vóc, chiều cao trung bình tăng trưởng vượt bậc so với thời điểm cách đây 50 năm.

Theo Giáo sư Nakamura Teiji, Nhật Bản coi giáo dục dinh dưỡng cho trẻ thông qua bữa trưa học đường đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những tác động tích cực lâu dài đến sức khỏe con người. Vì vậy, bữa trưa học đường ở Nhật được xác định với hai vấn đề cốt lõi trong việc triển khai hiện bao gồm: tiêu chuẩn dinh dưỡng, tiêu chuẩn về quản lý vệ sinh.

Tuy nhiên, bữa trưa học đường không chỉ đơn thuần là bữa ăn cung cấp dinh dưỡng, mà còn là dịp để giáo dục cho trẻ về thói quen ăn uống lành mạnh.

Bữa trưa học đường tại Nhật Bản đã trở thành một nền tảng để giáo dục toàn diện về dinh dưỡng và chế độ ăn uống. Bữa trưa học đường không chỉ là một bữa ăn, mà còn là cơ hội để trẻ em khám phá và học hỏi về nhiều lĩnh vực như dinh dưỡng, sức khỏe, nông nghiệp, thủy sản, lao động, chế biến thực phẩm, nấu ăn, vệ sinh thực phẩm, mối quan hệ giữa con người, môi trường và văn hóa ẩm thực một cách toàn diện.

Theo kết quả khảo sát mới nhất của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, công bố vào năm 2023, chiều cao trung bình của người Nhật cải thiện rất ấn tượng: Nam – 1m72; Nữ - 1m58. Cách đây 50 năm, các con số này lần lượt chỉ là 1m50 và 1m49. Hiện tại, chiều cao trung bình của người Nhật đứng hàng đầu thế giới.

Nhật Bản đã trở thành một dẫn chứng điển hình về cách một quốc gia có thể sử dụng dinh dưỡng, được quy định bởi một “hành lang pháp lý” chuẩn mực, như một công cụ mạnh mẽ để cải thiện sức khỏe, tầm vóc, chất lượng sống của thế hệ trẻ. Trong đó, dinh dưỡng học đường không chỉ là một giải pháp cải thiện sức khỏe học sinh, mà còn là nền tảng vững chắc để xây dựng một xã hội khỏe mạnh và phát triển bền vững.

“Nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước trong thế kỷ 21, chúng tôi đảm bảo trẻ em được rèn luyện thể chất và tinh thần khỏe mạnh, để phát triển trong tương lai và hội nhập với cộng đồng quốc tế. Đồng thời, điều quan trọng là mọi công dân đều được đảm bảo sức khỏe tinh thần và thể chất, để sống một cuộc sống trọn vẹn,” Giáo sư Nakamura Teiji phân tích.

Việc thúc đẩy thực hiện luật dinh dưỡng ở Nhật Bản đã góp phần đảm bảo tuổi thọ và đạt được cuộc sống năng động và hạnh phúc cho mọi người ở mọi lứa tuổi, giáo dục mọi người quan tâm đến sức khỏe của mình.

Mỹ: Đặt ra tiêu chuẩn nghiêm ngặt về dinh dưỡng học đường

Thạc sỹ Josselyn Neukom - Phó Chủ tịch phụ trách Sức khỏe Cộng đồng tổ chức SwipeRx nhấn mạnh trường học là môi trường để khuyến khích trẻ em duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, bởi đây là nơi các em dành phần lớn thời gian hàng ngày cho việc học tại trường.

 Thạc sỹ Josselyn Neukom cho hay tại Mỹ, các tiêu chuẩn về bữa ăn học đường được đặt ra nghiêm ngặt. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Thạc sỹ Josselyn Neukom cho hay tại Mỹ, các tiêu chuẩn về bữa ăn học đường được đặt ra nghiêm ngặt. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Phân tích về những thành công của mô hình này tại Mỹ, Thạc sỹ Josselyn Neukom nhấn mạnh tới phương pháp tiếp cận hệ thống trong việc nâng cao chất lượng dinh dưỡng học đường. Chính phủ Mỹ đã đặt ra những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về dinh dưỡng, trong đó tập trung vào việc giảm thiểu lượng đường, muối và chất béo; chú trọng bổ sung rau củ, ngũ cốc và sữa tươi trong các bữa ăn học đường. Bên cạnh đó, việc giáo dục dinh dưỡng cũng được tích hợp vào chương trình học chính khóa, giúp trẻ nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sức khỏe.

Đặc biệt, về phía các cơ quan quản lý, Mỹ đảm bảo các chính sách, cơ chế và nguồn lực cho sức khỏe và tinh thần được thúc đẩy một cách bền vững trong tất cả các khía cạnh của đời sống học đường. Đó là sự hợp tác giữa nhiều lĩnh vực khác nhau, với quy trình tham gia, mô hình lãnh đạo phân quyền, nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá một cách hiệu quả.

Một điểm nổi bật trong bữa ăn học đường tại Mỹ đó là việc khuyến khích giáo viên dùng bữa cùng học sinh để củng cố thói quen ăn uống lành mạnh và thực hành vệ sinh; Bổ nhiệm nhân sự chuyên trách về dinh dưỡng, chịu trách nhiệm giám sát việc tuân thủ các tiêu chuẩn dinh dưỡng và thu thập/xem xét ý kiến từ học sinh.

Bữa ăn học đường tại Mỹ cũng đưa ra tiêu chuẩn về mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và cộng đồng. Theo đó, nhà trường kết nối với các nhóm cộng đồng tại địa phương như: hội nông dân, trường dạy nấu ăn, các nhóm tôn giáo... để khuyến khích việc sử dụng thực phẩm tươi sống từ địa phương và đa dạng hóa chế độ ăn uống thông qua các buổi trình diễn nấu ăn và sự kiện do cộng đồng tổ chức.

Trong những năm gần đây, các vấn đề môi trường đã trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt là liên quan đến biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu. Điều này dẫn đến việc xem xét về cách tiếp cận “dinh dưỡng và chế độ ăn uống thân thiện với sức khỏe con người và Trái Đất.” Cách tiếp cận này không chỉ tập trung vào lợi ích sức khỏe mà còn yêu cầu đánh giá quy trình sản xuất, phân phối, lựa chọn, chế biến và tiêu thụ thực phẩm với mục tiêu giảm thiểu lượng phát thải CO2.

Các chuyên gia tham luận tại Hội thảo đều cho rằng bài học kinh nghiệm từ các nước sẽ giúp Việt Nam định hình con đường để xây dựng các giải pháp cần được triển khai tổng thể và đồng bộ trong thời gian sớm nhất về dinh dưỡng học đường./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cac-quoc-gia-da-lam-gi-de-cai-thien-tam-voc-cua-the-he-tuong-lai-post1002959.vnp
Zalo