Sôi nổi phong trào thể dục, thể thao trong trường học
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: 'Mỗi người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần, mỗi người dân khỏe mạnh, tức là góp phần làm cho cả nước mạnh khỏe. Dân cường thì nước thịnh, tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Riêng tôi ngày nào cũng tập...'.

Học sinh Thái Nguyên tham gia dự thi môn Aerobic.
Thực hiện lời dạy của Bác, cùng với triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm học, các nhà trường, cấp học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng đổi mới chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất (GDTC) và hoạt động thể thao trường học. Phong trào thể dục thể thao (TDTT) sôi nổi góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần cho học sinh, tạo cơ hội để các em thể hiện năng khiếu, tài năng. Từ đó, giúp học sinh nâng cao thể lực và phát triển toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ; có sức khỏe tốt, tích cực học tập, vui chơi và rèn luyện...
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cho biết: Những năm qua, các trường học trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm nâng cao hiệu quả công tác GDTC và đẩy mạnh phong trào TDTT. Công tác GDTC và hoạt động thể thao có sự chuyển biến rõ rệt, nội dung, hình thức hoạt động phong phú, sáng tạo, được đông đảo giáo viên, học sinh hưởng ứng tích cực.
Nhiều nhà trường đã khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị, nhằm nâng cao chất lượng giờ dạy, quan tâm tuyên dương, khen thưởng kịp thời học sinh đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện TDTT. - ông Nguyễn Đức Thịnh
Để đạt được kết quả trên, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị, trường học thực hiện hiệu quả chương trình môn học GDTC, đảm bảo thời lượng, phù hợp về nội dung, hình thức; đổi mới phương pháp đảm bảo mục tiêu giáo dục phẩm chất và năng lực, nhân cách, rèn luyện kỹ năng, thể lực cho học sinh; tạo sự hứng thú, yêu thích của học sinh đối với GDTC; phát triển phong trào ngày một sâu rộng, thiết thực. Đồng thời, tranh thủ mọi nguồn lực trong xã hội để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, sân chơi, bãi tập...; quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên GDTC đáp ứng yêu cầu chương trình môn học.
Hiện nay, toàn tỉnh có 702 giáo viên GDTC, 100% có trình độ đại học trở lên; trong đó có 25 người trình độ trên đại học.
Đội ngũ giáo viên dạy môn GDTC nhiệt huyết và yêu nghề, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và hoạt động TDTT trong trường học. Hằng năm, các giáo viên GDTC đều được tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn; tham gia hội thảo xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá công tác GDTC và thể thao trường học; các lớp tập huấn phương pháp, kỹ năng dạy bơi, cứu đuối; kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích, đuối nước...

Bóng đá là môn thể thao được nhiều học sinh yêu thích.
Trong quá trình giảng dạy, các giáo viên chú ý hướng dẫn học sinh biết cách chăm sóc sức khỏe và vệ sinh thân thể; hình thành thói quen tự giác tập luyện nâng cao sức khỏe; thông qua các trò chơi vận động và tập luyện TDTT hình thành các kỹ năng vận động cơ bản, phát triển các tố chất thể lực. Đồng thời, lựa chọn nội dung thể thao tự chọn phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và khả năng đáp ứng của nhà trường.
100% trường học đều đảm bảo dạy đúng, dạy đủ 2 tiết/tuần theo chương trình của Bộ GD&ĐT quy định. Việc đánh giá xếp loại thể lực của học sinh, các trường thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Đối với môn thể thao tự chọn, ngành khuyến khích các nhà trường đưa thể thao dân tộc, võ cổ truyền phù hợp vào giảng dạy, kỹ năng bơi lội và phòng chống đuối nước cho học sinh. Một số trường, đơn vị thực hiện khá tốt, như: Trường THPT Chuyên Thái Nguyên, THPT Lương Ngọc Quyến, THPT Chu Văn An, THPT Gang Thép, THPT Đại Từ, THPT Định Hóa; THPT Phú Lương; THPT Sông Công; THPT Lê Hồng Phong; Phòng GD&ĐT các địa phương TP. Thái Nguyên; Phổ Yên; huyện Đại Từ...

Các giáo viên tham gia Giải bóng chuyền hơi do Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên tổ chức.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các trường học đã quan tâm và chỉ đạo tổ chức hoạt động thể thao ngoại khóa, thành lập câu lạc bộ thể thao thu hút các em học sinh tham gia tập luyện, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, góp phần rèn luyện sức khỏe...
Với kết quả đạt được, ngành GD&ĐT Thái Nguyên tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng GDTC nhằm trang bị tốt hơn cho học sinh các kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản, hình thành thói quen tập luyện TDTT thường xuyên. Tăng cường chất lượng và hiệu quả hoạt động TDTT và phong trào TDTT trong trường học, thực hiện mục tiêu GDTC thông qua hình thức tập luyện, thi đấu thể thao, tạo điều kiện học sinh được vui chơi, giải trí, phát triển năng khiếu TDTT. Chú trọng tổ chức thể dục giữa giờ và thể dục buổi sáng theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Đặc biệt, ngành quan tâm phát triển môn võ cổ truyền trong các trường học nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực, xây dựng nhân cách, đạo đức, tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, giữ gìn văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ Việt Nam, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của thời đại công nghệ số...