Sôi nổi không khí lao động của làng nghề dịp đầu năm
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán kéo dài, nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đã nhộn nhịp sản xuất trở lại. Đầu Xuân mới, khí thế mới, người dân làng nghề ai cũng phấn khởi, hăng say lao động, kỳ vọng một năm mới với nhiều thành công, thắng lợi.
Đến làng nghề rèn thôn Bàn Mạch, xã An Nhân, huyện Vĩnh Tường dịp đầu năm, đâu đâu cũng vang lên tiếng búa, tiếng đe, tiếng máy bào, máy đục..., báo hiệu nhịp sản xuất đã trở lại.
Trong những xưởng rèn tại gia, lò lửa hồng ấm luôn thắp sáng cả ngày lẫn đêm bởi theo quan niệm, ngọn lửa đỏ được giữ càng lâu thì gia chủ quanh năm càng làm ăn phát đạt.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_589_51464593/e482a5c5958b7cd5259a.jpg)
![Người dân làng nghề rèn Bàn Mạch, xã An Nhân nhộn nhịp lao động sản xuất trong những ngày đầu năm mới. Ảnh: Trà Hương](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_589_51464593/1a985fdf6f9186cfdf80.jpg)
Người dân làng nghề rèn Bàn Mạch, xã An Nhân nhộn nhịp lao động sản xuất trong những ngày đầu năm mới. Ảnh: Trà Hương
Ông Trần Văn Phẩm, chủ một xưởng rèn lâu đời ở thôn Bàn Mạch cho biết: “Khác với nhịp độ sản xuất hối hả, tất bật những ngày cuối năm, bước sang năm mới, nhịp độ sản xuất ở xưởng rèn có phần thong thả hơn.
Năm nay tôi chọn ngày mùng 6 Tết để khai Xuân, “nổi lửa”. Đầu Xuân năm mới, gia đình tôi may mắn nhận được 5 đơn hàng, mỗi đơn có số lượng hơn 100 sản phẩm, gồm cuốc, xẻng, liềm. Đây là những vật dụng nông nghiệp được đặt để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân sắp tới nên tôi đang tập trung chế tác để kịp giao hàng theo đúng tiến độ”.
Hòa chung nhịp độ sản xuất đầu năm, tại xưởng sản xuất đồ gỗ của anh Trương Văn Đại, làng nghề mộc Bích Chu, xã An Nhân cũng rộn vang tiếng cưa, tiếng đục.
Anh Đại chia sẻ: “Từ mùng 10 tháng Giêng đến nay, cơ sở đã bắt đầu sản xuất để đảm bảo tiến độ các đơn hàng đã ký kết trước đó. Không chỉ vậy, từ mùng 6 Tết, chúng tôi còn “chốt” được thêm 3 đơn hàng trị giá gần 200 triệu đồng. Đây là tín hiệu tích cực về sự khởi đầu hanh thông trong năm mới”.
Xã An Nhân là địa phương có 5 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, trong đó có 4 làng nghề mộc, 1 làng nghề rèn. Đây đều là các làng nghề có từ lâu đời với đa dạng các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp được khách hàng khắp nơi trên cả nước ưa chuộng và còn xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Toàn xã có trên 2.100 hộ dân làm nghề mộc và rèn truyền thống. Thu nhập bình quân của mỗi lao động đạt từ 8-10 triệu đồng/tháng. Năm 2024, tổng giá trị sản xuất từ các làng nghề của toàn xã đạt trên 1.300 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Cũng tại làng nghề mây tre đan Triệu Xá, xã Tây Sơn, huyện Lập Thạch, một vài hộ dân làm nghề đan lát đã khẩn trương trở lại công việc thường nhật để khởi động cho vụ sản xuất mới.
Bà Trần Thị Bình làm nghề đan lát thủ công gần 50 năm tâm sự: “Thông thường ở làng nghề Triệu Xá, sau Rằm tháng Giêng là thời điểm các hộ dân đồng loạt sản xuất nhộn nhịp vì trước đó bà con còn bận cấy lúa.
Còn tại gia đình tôi, từ sáng mùng 8 tháng Giêng, gia đình đã bắt bắt tay vào công việc đan lát các sản phẩm thúng, mủng, giần, sàng, nong, nia, rổ, rá… để bảo đảm giao sản phẩm đúng thời hạn cho các tiểu thương, thương lái đặt hàng.
Trung bình mỗi ngày, nếu làm việc đều tay, tôi và 3 thành viên khác trong gia đình có thể hoàn thiện được 6 sản phẩm, giá bán từ 40 – 150 nghìn đồng/món. Với khí thế lao động vụ sản xuất mới, đặc biệt lại được quây quần bên con cháu, làm việc trong không khí vui tươi, tôi mong muốn sẽ có một năm “vạn sự như ý”.
![Những đơn hàng xuất bán đầu năm là động lực để bà con làng nghề mây tre đan Triệu Xá vững tin bước vào vụ sản xuất mới. Ảnh: Trà Hương](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_589_51464593/ef9ea6d996977fc92686.jpg)
Những đơn hàng xuất bán đầu năm là động lực để bà con làng nghề mây tre đan Triệu Xá vững tin bước vào vụ sản xuất mới. Ảnh: Trà Hương
Là làng nghề đan lát mây tre truyền thống của tỉnh, làng Triệu Xá hiện có gần 300 hộ làm nghề. Bình quân hằng năm, người dân ở làng nghề có thể sản xuất khoảng 200.000 sản phẩm thủ công, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng.
Ngày nay, trước sự đổi thay của cơ chế thị trường, nghề đan lát vẫn được nhiều hộ dân làng nghề duy trì và phát triển bởi đối với họ, đây không chỉ là một nghề kiếm sống mà còn là niềm đam mê và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa được các thế hệ đi trước gìn giữ, truyền dạy cho thế hệ sau.
Làng nghề rèn Bàn Mạch, Làng mộc Bích Chu hay làng nghề mây tre đan Triệu Xá là 3 trong 25 làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đang sôi nổi khí thế lao động trong những ngày đầu năm mới. Không còn quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, những người dân làng nghề ngày nay đã dần thay đổi cách nghĩ, cách làm và luôn sẵn sàng đón đầu cơ hội.
Năm mới khởi đầu từ mùa xuân, thành công khởi đầu từ tinh thần hăng say lao động. Hi vọng rằng, với sự khởi đầu tốt đẹp, các làng nghề truyền thống sẽ tiếp tục phát triển, tạo thêm nhiều việc làm, gia tăng thu nhập cho người dân địa phương.