Sốc với 'cột mốc đáng báo động' về nợ quốc gia của Mỹ

Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng (Bipartisan Policy Center) cho biết, khoản nợ quốc gia lên tới hàng chục ngàn tỷ USD của Chính phủ Mỹ hiện đang trở thành mối đe dọa rõ ràng đối với an ninh quốc gia.

Nợ quốc gia Mỹ lập kỷ lục mới

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ, nợ quốc gia của nước này đã vượt mốc 36 ngàn tỷ USD và đạt mức chưa từng có trong lịch sử.

Nợ quốc gia Mỹ vượt mốc 36 ngàn tỷ USD. Ảnh:Rockymountainvoice.com

Nợ quốc gia Mỹ vượt mốc 36 ngàn tỷ USD. Ảnh:Rockymountainvoice.com

Nợ quốc gia Mỹ phản ánh việc chính phủ vay nợ để dùng cho các hoạt động và nghĩa vụ của mình. Đây là khoản nợ quốc gia lớn nhất thế giới tính theo giá trị danh nghĩa và đã tăng 2 ngàn tỷ USD kể từ đầu năm. Tính đến ngày 21/11 (ngày cuối cùng có số liệu thống kê), nợ quốc gia Mỹ là 36.034.994.586.981 USD

Nợ quốc gia Mỹ là số tiền mà chính phủ liên bang nợ các chủ nợ. Họ có thể là cá nhân, hạn như công dân Mỹ hoặc các nhà đầu tư nước ngoài nhỏ, cũng như các tiểu bang và các quỹ tài trợ lớn.

Nợ quốc gia được chia thành 2 phần: nợ nội bộ chính phủ và nợ công. Nợ nội bộ chính phủ là khoản nợ phải trả cho nhiều cơ quan chính phủ khác nhau, ví dụ như quỹ hưu trí. Nợ này chiếm khoảng 20% tổng nợ và tính đến ngày 21/11 là 7,3 ngàn tỷ USD.

Nợ công là nợ các thực thể tư nhân, cá nhân và quốc gia nước ngoài. Nợ công chiếm 80% còn lại của khoản nợ, tương đương gần 28,7 ngàn tỷ USD tính đến ngày 21/11.

Ngày 3/1, nợ quốc gia của Mỹ lần đầu tiên vượt 34 ngàn tỷ USD. Đến tháng 7 năm nay, con số này vượt mốc 35 ngàn tỷ USD. Trong khi đó, nợ quốc gia của Mỹ chỉ dao động quanh mức 907 tỷ USD cách đây 4 thập kỷ.

Nợ quốc gia của Mỹ tăng vọt trong những năm gần đây dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm là Tổng thống Donald Trump, người nhiều lần cam kết giảm nợ trong chiến dịch tranh cử vào năm 2016. Mặc dù lãi suất vay có chậm lại đôi chút trong nửa đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Biden so với thời ông Trump, song hiện đã tăng tốc, với việc Mỹ tăng thêm 1 ngàn tỷ USD nợ chỉ trong năm nay.

Hồi tháng 6, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chỉ trích gay gắt "sự mất cân bằng" dai dẳng của chính sách tài khóa Mỹ, gọi thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ của Washington là "rủi ro ngày càng tăng" đối với toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.

Theo nhận định từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nợ công của nước này hiện là rủi ro lớn nhất đối với sự ổn định tài chính, vượt qua cả vấn đề lạm phát cao dai dẳng. Báo cáo do các nhân viên của Fed chi nhánh New York thực hiện từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 10/2024 nhấn mạnh: “Mối quan ngại xung quanh sự bền vững nợ công của Mỹ đứng đầu danh sách khảo sát, tiếp theo là căng thẳng leo thang ở Trung Đông và sự không chắc chắn về chính sách.”

Áp lực cắt giảm chi tiêu quốc phòng

Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng cảnh báo rằng khoản nợ công ngày càng lớn của Mỹ đang gia tăng áp lực lên các nhà lập pháp, buộc họ phải cắt giảm chi tiêu cho các chương trình chính phủ như quốc phòng nhằm giảm thâm hụt ngân sách.

Theo cảnh báo của Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng, chi phí trả nợ gia tăng sẽ làm giảm đầu tư công vào lĩnh vực quốc phòng và khiến việc vay nợ để đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai trở nên đắt đỏ hơn. Sự bất ổn ngày càng tăng trong quy trình ngân sách liên bang chỉ làm trầm trọng thêm mối đe dọa này, vì các cơ quan an ninh quốc gia cần sự ổn định và khả năng dự đoán để đảm bảo sẵn sàng quân sự.

“Chính phủ cần duy trì ổn định ngân sách để đối phó với các thách thức an ninh quốc gia mới trong một thế giới nhiều biến động”- tổ chức này lưu ý, đồng thời kêu gọi chính phủ Mỹ cần nhanh chóng điều chỉnh, nếu không Washington có nguy cơ đánh mất vị thế cường quốc quân sự thế giới.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội phi đảng phái (CBO) dự đoán rằng nợ công của Mỹ sẽ đạt mức kỷ lục hơn 106% GDP vào năm 2027, phá vỡ kỷ lục được thiết lập vào năm 1946 khi Mỹ đang trong giai đoạn giảm quân sau Thế chiến II.

Trong khi đó, ông Michael Peterson - Giám đốc điều hành của Quỹ Peter G. Peterson nhận định với FOX Business: “Do tình trạng nợ công ngày càng phình to và rủi ro từ lạm phát, 2025 sẽ là một năm quan trọng đối với nền kinh tế và tình hình tài khóa của nước Mỹ”.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/soc-voi-cot-moc-dang-bao-dong-ve-no-quoc-gia-cua-my.html
Zalo