Sóc Trăng tăng cường quảng bá sản phẩm OCOP
Hơn 6 năm triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay tỉnh Sóc Trăng đã có 263 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao, 26 sản phẩm 4 sao và 236 sản phẩm 3 sao của 150 chủ thể. Sau khi đạt sao OCOP, các sản phẩm đã được ngành chuyên môn hỗ trợ về công nghệ, trang thiết bị máy móc, thiết kế in ấn bao bì, nhãn mác; hỗ trợ xây dựng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ, xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… Thông qua các hỗ trợ đã giúp cho các chủ thể OCOP có điều kiện cải thiện quy trình sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh...
Kết quả đạt được của Chương trình OCOP không chỉ là số lượng sản phẩm đạt sao OCOP vượt so với kế hoạch đề án đã đề ra mà còn vượt về số lượng các địa phương trên toàn tỉnh thành lập các cửa hàng an toàn vệ sinh thực phẩm, giới thiệu và bán các sản phẩm, trong đó ưu tiên giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (12 cửa hàng). Tính riêng trong năm 2024, ngành chuyên môn tỉnh đã hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm đạt 3, 4 sao OCOP thiết kế bao bì, nhãn mác thể hiện đầy đủ thông tin theo quy trình cho 13 sản phẩm; hỗ trợ in ấn 20.500 bao bì sản phẩm OCOP; hỗ trợ 3 chủ thể có sản phẩm tiềm năng OCOP cải tiến quy trình sản xuất mới để sản phẩm sớm đạt sao OCOP; hỗ trợ 7 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã thực hiện thiết kế, in ấn và lắp đặt 11 pano về sản phẩm OCOP tại 11 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh để tuyên truyền nâng cao hiểu biết về Chương trình OCOP cho cán bộ, chủ thể và người dân; thiết kế, cấp phát 14.500 tờ rơi về Chương trình OCOP đến người dân trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tập huấn kiến thức về môi trường, chuỗi giá trị, kinh tế tuần hoàn, bảo hộ nhãn hiệu cho 105 chủ thể OCOP; hỗ trợ 16 chủ thể đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu.
![Trao Chứng nhận sản phẩm đạt 4 sao OCOP cho các chủ thể trong năm 2024. Ảnh: THÚY LIỄU](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_451_51440177/8a2e56e562ab8bf5d2ba.jpg)
Trao Chứng nhận sản phẩm đạt 4 sao OCOP cho các chủ thể trong năm 2024. Ảnh: THÚY LIỄU
Ông Nguyễn Quang Trung - đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến thực phẩm nấm xuất khẩu Tư Thao Sóc Trăng cho biết, sau khi 4 sản phẩm dứa, nấm rơm, bắp non đóng hộp và hạt sen đường phèn của doanh nghiệp đạt OCOP 4 sao, số lượng sản phẩm bán ra thị trường tăng hơn 30% so với trước. Các sản phẩm được phân phối rộng rãi hơn ở thị trường các tỉnh miền Trung, miền Bắc và mở rộng xuất khẩu sang các nước trên thế giới… Sản phẩm đã nhận được niềm tin của người tiêu dùng nên đơn vị đã không ngừng nỗ lực cải tiến, nâng cấp công nghệ để sản phẩm đạt được chất lượng vượt trội hơn. Sắp tới công ty sẽ phát triển và cho ra mắt một số sản phẩm mới để xét chứng nhận OCOP như: chôm chôm đóng hộp, thanh long đóng hộp và mãng cầu xiêm cô đặc, trứng cút đóng hộp…
Để sản phẩm đạt sao OCOP của tỉnh được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến rộng rãi hơn, ngành Nông nghiệp tỉnh đã thực hiện phóng sự về sản phẩm OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng; đưa sản phẩm đi trưng bày tại các cuộc hội chợ xúc tiến thương mại, các dịp lễ hội, hội nghị trong và ngoài tỉnh. Tổ chức các hội thảo liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP; đưa 185 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Soctrangtrade.vn và một số sàn thương mại điện tử khác như sàn Postmart, Voso… để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng.
Đồng chí Trần Trọng Khiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, để sản phẩm OCOP tiêu thụ tốt hơn nữa trên thị trường, đơn vị sẽ tiếp tục củng cố và nâng hạng các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Ưu tiên phát triển sản phẩm của các hợp tác xã và phấn đấu có 24% chủ thể OCOP là hợp tác xã, phấn đấu có 14% chủ thể OCOP là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hỗ trợ một số chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và xếp hạng. Duy trì từ 50 - 60% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...). Hỗ trợ phát triển sản phẩm thông qua nâng chất lượng sản phẩm bằng cách cải tiến quy trình sản xuất; ứng dụng máy móc công nghệ mới và hiện đại vào sản xuất; hỗ trợ cấp mã số vùng trồng; hỗ trợ chứng nhận ISO, HACCP trong chế biến sản phẩm. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP tại các hội chợ, sàn thương mại điện tử…