Ninh Thuận thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP đặc trưng, chất lượng cao

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu, tỉnh Ninh Thuận đang nỗ lực khai thác tối đa tiềm năng từ nguồn nguyên liệu địa phương, các đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề có giá trị kinh tế và văn hóa được ưu tiên phát triển thành sản phẩm OCOP đặc trưng, chất lượng cao.

Giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của Ninh Thuận tại Trung tâm thương mại Vincom (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm).

Giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của Ninh Thuận tại Trung tâm thương mại Vincom (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm).

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2025, tỉnh Ninh Thuận đề ra mục tiêu có thêm 20 - 30 sản phẩm mới được chứng nhận OCOP; trong đó, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng, phấn đấu đạt thêm 2 - 5 sản phẩm OCOP 4 sao và 1 - 2 sản phẩm chăn nuôi đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh củng cố, nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng và phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu và du lịch nông thôn.

Song song với đó, tỉnh ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chương trình OCOP với mục tiêu nâng tỷ lệ chủ thể OCOP lên ít nhất 30% là hợp tác xã và 40% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ninh Thuận phấn đấu 30% chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn, phát triển OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định và có ít nhất 50% làng nghề có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương.

Điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của Ninh Thuận tại Trung tâm thương mại Vincom (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm).

Điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của Ninh Thuận tại Trung tâm thương mại Vincom (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm).

Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận thông tin, tỉnh đang tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm, gồm: Nhóm thực phẩm; nhóm đồ uống; nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; nhóm hàng thủ công mỹ nghệ; nhóm sinh vật cảnh và nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Tỉnh chú trọng sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ độc đáo, mang đậm nét truyền thống và khai thác được lợi thế riêng của từng địa phương. Mục tiêu là phát huy tối đa yếu tố sáng tạo, nguồn nhân lực, nguyên liệu sẵn có và giá trị văn hóa để gia tăng giá trị sản phẩm, góp phần vào sự phát triển chung của cộng đồng.

Để triển khai thực hiện, tỉnh Ninh Thuận đề ra 15 nhóm nhiệm vụ và giải pháp; trong đó, tập trung giải pháp huy động nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình khuyến công và xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ; nguồn vốn của các đơn vị, địa phương, chủ thể để đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm sâu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP. Các địa phương xây dựng mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng.

Tỉnh Ninh Thuận sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế về điều kiện đất đai và khí hậu khô nóng để phát triển đa dạng các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP thế mạnh. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 270 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; trong đó, có 228 sản phẩm đạt 3 sao, 42 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Với mục tiêu không ngừng nâng cao giá trị cho các sản phẩm OCOP, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp sạch, xây dựng vùng trồng chuyên canh, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm chế biến sâu, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn.

Vùng trồng cây đinh lăng để sản xuất trà đinh lăng và các sản phẩm chế biến từ cây đinh lăng của Công ty cổ phần Thảo dược liên kết Việt Nam ở xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận. Sản phẩm trà đinh lăng của Công ty đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Vùng trồng cây đinh lăng để sản xuất trà đinh lăng và các sản phẩm chế biến từ cây đinh lăng của Công ty cổ phần Thảo dược liên kết Việt Nam ở xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận. Sản phẩm trà đinh lăng của Công ty đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại nông sản Thái Thuận - Ninh Thuận (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn) cho biết, Công ty mỗi năm thu mua khoảng 500 tấn táo và trên 200 tấn nho tươi từ các hợp tác xã, hộ dân liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Khoảng 50% sản lượng tiêu thụ ở dạng tươi, phần còn lại được Công ty chế biến trên dây chuyền máy móc hiện đại thành sản phẩm đa dạng như: Táo sấy dẻo tách hạt, nước cốt táo, siro táo, giấm táo, nho sấy tách hạt và nguyên hạt, vang nho. Các sản phẩm của Công ty đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng được cung ứng rộng rãi tại cửa hàng OCOP, sân bay, siêu thị và chuỗi bán lẻ trên toàn quốc.

Để thúc đẩy tiêu thụ và mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP, UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các sở, ngành liên quan như, Công Thương, Nông nghiệp, Du lịch và các địa phương tăng cường hỗ trợ chủ thể OCOP tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trên thị trường trong và ngoài nước, kết nối sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại. Đáng chú ý, tỉnh phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử tại địa chỉ: http://sanphamninhthuan.vn, hiện thu hút gần 100 đơn vị tham gia, giới thiệu và giao dịch khoảng 370 sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương trên nền tảng này.

Bài và ảnh: Nguyễn Thành (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/ninh-thuan-thuc-day-phat-trien-san-pham-ocop-dac-trung-chat-luong-cao-20250210115311796.htm
Zalo