Số người chết trong cô độc ở Nhật Bản gia tăng
Cùng với việc số người cao tuổi không nơi nương tựa gia tăng, số người già chết trong cô độc một cách lặng lẽ không ai hay biết đang trở thành vấn đề xã hội lớn tại Nhật Bản.
Theo báo cáo của Cơ quan cảnh sát Nhật Bản, trong số hơn 204.000 trường hợp tử vong phải tiến hành khám nghiệm tử thi trong năm 2024, có tới hơn 76.000 trường hợp là những người già sống một mình, không nơi nương tựa.
Trong đó, số người từ 65 đến 70 tuổi chiếm khoảng 70%, còn lại là những người từ 70 đến 85 tuổi. Cảnh sát Nhật Bản cũng cho biết, trong số những người cao tuổi chết cô độc, có gần 29.000 được phát hiện sau khi chết 1 ngày, gần 7.000 người được phát hiện sau 31 ngày, và đặc biệt, có tới 253 người sau khi chết hơn 1 năm mới được phát hiện.

Số người cao tuổi phải sống một mình của Nhật Bản liên tục gia tăng. Ảnh: Jiji Press
Liên tục trong những năm gần đây, số người già không nơi nương tựa phải sống một mình và chết trong cô độc tại Nhật Bản không ngừng gia tăng và được coi là một vấn đề xã hội nghiêm trọng cần được giải quyết càng sớm càng tốt.
Hiện nay, các bộ ngành, cơ quan, tổ chức của Nhật Bản đang phải tiến hành đồng loạt nhiều biện pháp đối phó khẩn cấp như lên danh sách người cao tuổi cần hỗ trợ, phái cử các nhân viên phúc lợi xã hội đến nhà người già neo đơn thăm hỏi định kỳ, ký kết hợp tác với các công ty cung cấp dịch vụ có nhân viên thường xuyên đến các hộ gia đình để thu thập thông tin về tình trạng của người già cô độc, thiết lập mạng lưới tình nguyện viên hỗ trợ người cao tuổi, cung cấp các thiết bị có thể giữ liên lạc liên tục với người già neo đơn, thành lập các trung tâm tư vấn giành riêng cho người cao tuổi phải sống một mình …
Mặc dù những biện pháp này đang mang lại những hiệu quả thiết thực, giúp người già neo đơn cải thiện được tâm lý và thể chất, cũng như giảm áp lực tinh thần về sự cô đơn…, nhưng vẫn chưa làm giảm được số người ra đi lặng lẽ không ai hay biết.
Trong bối cảnh đó, Cơ quan cảnh sát Nhật Bản cam kết sẽ tham gia tích cực vào hoạt động phòng chống “cái chết cô độc” thông qua việc cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan, cũng như bổ sung thêm vào phạm vi trách nhiệm của cảnh sát khu vực việc theo dõi tình hình người cao tuổi neo đơn trên địa bàn mình quản lý.