Hiện thực hóa '6 hơn'

Sau khi lãnh đạo hai nước Việt-Trung nhất trí tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược theo định hướng '6 hơn', thực tế triển khai đã và đang tiến triển đúng hướng: tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn và bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.

Hai bên đã và đang tăng cường giao lưu mật thiết giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước. Tháng 10/2024, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thăm chính thức Việt Nam; trong chuyến thăm, hai bên ký 10 thỏa thuận hợp tác về thương mại nông sản, thanh toán xuyên biên giới, phát triển đường sắt... Từ ngày 14-15/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam; dự kiến hai bên sẽ ký khoảng 40 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, xuất nhập khẩu, giao lưu thanh niên...

Việt Nam và Trung Quốc đang phát huy đầy đủ vai trò đặc biệt của kênh Đảng trong chỉ đạo đường lối, hướng dẫn thực hiện, nâng cao hiệu quả giao lưu, hợp tác song phương trong mọi lĩnh vực, từ ngoại giao, khoa học công nghệ đến giáo dục. Đồng thời, tăng ngoại giao nhân dân, giao lưu nhân dân, nhất là giới trẻ. Tháng trước, Tổng Bí thư Tô Lâm tham dự chương trình “Gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam-Trung Quốc các thời kỳ”. Tháng này, lãnh đạo cấp cao hai nước dự kiến dự Gặp gỡ hữu nghị Nhân dân Việt Nam-Trung Quốc và Lễ khởi động Hành trình đỏ: Nghiên cứu, học tập của thanh niên.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân năm 2024. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân năm 2024. Ảnh: TTXVN

Về quốc phòng - an ninh, Việt Nam và Trung Quốc duy trì tiếp xúc cấp cao, giao lưu, hợp tác quốc phòng, tăng giao lưu, hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật, vừa đạt được nhận thức chung mang tính định hướng vừa đạt được kết quả cụ thể, có ý nghĩa quan trọng với cả hai nước, như thiết lập hotline giữa Hải quân Việt Nam và Chiến khu Nam Bộ của Trung Quốc (nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc năm 2024), tiếp tục tổ chức, tham gia Đối thoại chiến lược quốc phòng, tuần tra liên hợp trên Vịnh Bắc bộ, tuần tra chung biên giới trên đất liền, Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới… Bộ trưởng quốc phòng hai nước sẽ gặp nhau ở biên giới và đồng chủ trì Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 9 từ ngày 16-17/4 tại Lạng Sơn và Quảng Tây.

Việt Nam và Trung Quốc đều coi trọng ngoại giao láng giềng, kiên trì chính sách hữu nghị với nhau, coi nhau là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng, là lựa chọn chiến lược của hai bên.

Hai bên cũng tăng giao lưu, hợp tác về công tác chính trị, đào tạo cán bộ, nghiên cứu chung; tiến tới thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng, diễn tập và huấn luyện chung, y tế hậu cần… Ngoài chung tay phòng chống tội phạm mạng, nhất là tội phạm công nghệ cao, bắt tội phạm truy nã, tội phạm ma túy, chống “diễn biến hòa bình”, “cách mạng màu”, chống can thiệp, bảo vệ an ninh chính quyền, an ninh chế độ…, hai bên đang hoàn thiện các cơ chế mới về tương trợ tư pháp, thiết lập các phương thức giải quyết tranh chấp dân sự và thương mại biên giới, nâng cao hiệu quả hợp tác pháp luật và tư pháp địa phương có chung đường biên giới.

Hợp tác thực chất sâu sắc hơn

Về hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, các cơ quan liên quan đang cụ thể hóa nhiều chương trình, dự án cụ thể để kết nối “Hai hành lang, một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai - Con đường”, triển khai hợp tác năng lực sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng và kết nối giao thông, trong đó có các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, cầu bắc qua sông Hồng nối Lào Cai với Vân Nam... Hai bên cũng đang tăng cường chia sẻ kinh nghiệm ra chính sách, phát triển thương mại điện tử qua biên giới, nghiên cứu về hợp tác giữa các ngân hàng, tổ chức chuyển mạch quốc gia về thanh toán điện tử, xây dựng mô hình, nền tảng hợp tác cụ thể.

Đặc biệt, Việt Nam và Trung Quốc tăng xuất nhập khẩu một số mặt hàng mới để giảm mất cân bằng thương mại. Việt Nam đã có 14 loại nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, mới đây hoàn tất thủ tục với 4 mặt hàng khác, hy vọng sẽ tiếp tục với quả bơ, na, roi, thịt gia súc, gia cầm. Để thuận lợi hóa xuất nhập khẩu, hai bên đang tăng vai trò của Cơ chế liên hợp giải quyết ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới, đẩy nhanh tiến độ thực hiện mô hình Cửa khẩu thông minh (ở Lạng Sơn, rồi nhân rộng ở Lào Cai, Quảng Ninh). Hai bên cũng đang tăng đầu tư trong nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng lượng, kinh tế số, phát triển xanh; khuyến khích doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng đường bộ, cầu, đường sắt, điện sạch, viễn thông, logistics…

Trong khi đó, nền tảng xã hội (văn hóa-du lịch-giao lưu nhân dân) đang ngày càng vững chắc hơn; giao lưu địa phương, nhất là các tỉnh biên giới, giao lưu nhân dân và giao lưu thanh niên được đẩy mạnh.

Hai nước cũng phối hợp đa phương chặt chẽ hơn với việc hai Bộ Ngoại giao tăng cường cơ chế tham vấn về quyền con người, chính sách, ủng hộ ASEAN duy trì vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn, cụ thể là kiên định, bình tĩnh, linh hoạt xử lý các bất đồng liên quan, sự cố trên Biển Đông, giữ gìn đại cục, coi trọng giải pháp bền vững, không để vấn đề trên biển ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.

Thái An

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hien-thuc-hoa-6-hon-post1733165.tpo
Zalo