Sở hữu trí tuệ, động lực của đổi mới sáng tạo
Kinhtedothi – Quyền sở hữu trí tuệ khuyến khích, thúc đẩy bản thân các chủ thể, các cá nhân, pháp nhân, tổ chức liên quan trong xã hội không ngừng sáng tạo ra các đối tượng sở hữu trí tuệ mới để được bảo hộ độc quyền.
Bảo hộ nhãn hiệu giúp sản phẩm khẳng định được tên tuổi
Phó Cục trưởng Cục Sở hữ trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Văn Bảy cho biết: Khi doanh nghiệp đăng ký các đối tượng sở hữu trí tuệ và được bảo hộ, các đối tượng này sẽ mang lại rất nhiều lợi thế như phát triển sản phẩm, cạnh tranh, phòng thủ và nâng cao giá trị doanh nghiệp. Lợi thế về sở hữu trí tuệ là nền tảng giúp một bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt được tốc độ phát triển, doanh thu và số lượng việc làm cao hơn so với phần còn lại.
Mặt khác, hệ thống sở hữu trí tuệ cho phép nhà sáng tạo kiểm soát thành quả đổi mới sáng tạo của mình. Quyền sở hữu trí tuệ giúp bảo vệ chủ thể sáng tạo trước những hành vi sao chép và tạo sự khác biệt để củng cố vị thế của mình trên thị trường.
“Các doanh nghiệp nên tận dụng ưu thế về quyền sở hữu trí tuệ để góp phần tạo dựng giá trị thương hiệu, đẩy mạnh thực hiện hoạt động thương mại và tăng trưởng doanh thu. Ưu thế thu được từ quyền sở hữu trí tuệ sẽ trở thành động lực để doanh nghiệp và nhà đầu tư an tâm, đầu tư nguồn lực tài chính vào hoạt động đổi mới sáng tạo cho các chu kỳ phát triển tiếp theo” – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Nguyễn Văn Bảy khuyến nghị.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty CP trà xạ đen MD Queens Trịnh Kim Thư cho biết: Công ty vừa đăng ký thành công bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm trà xạ đen MD Queens. Đây là sản phẩm do chị Trịnh Kim Thư dày công nghiên cứu. “Hiện nay trên thị trường có nhiều loại trà khác nhau, trong đó có cả sản phẩm kém chất lượng trà trộn làm ảnh hưởng thị trường. Vì vậy, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu giúp sản phẩm khẳng định được tên tuổi, định vị trên thị trường. Sau khi đăng ký thành công nhãn hiệu, tôi thấy tự tin khi đưa sản phẩm ra thị trường. Đây cũng là điều kiện để đưa sản phẩm vào một số hệ thống phân phối lớn, chuyên nghiệp” – chị Thư cho hay.
Hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ
Chính phủ Việt Nam đã sớm xác định chủ trương “sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ làm đòn bẩy thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế xã hội”. Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 28/8/2020. Một trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thực hiện các mục tiêu chiến lược đó là hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội.
Theo Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Nguyễn Văn Bảy, một hệ thống sở hữu trí tuệ vận hành hiệu quả chỉ khi cả xã hội có ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Văn hóa sở hữu trí tuệ có thể được sử dụng như một công cụ mạnh mẽ để giải quyết nhiều vấn đề trong xã hội chỉ khi đã được nhìn nhận một cách toàn diện trên nhiều khía cạnh, được thiết lập cân bằng và nuôi dưỡng một cách phù hợp. Văn hóa sở hữu trí tuệ ở đây chủ yếu là đề cập đến nhận thức, thái độ, lòng tin, quan niệm của con người đối với các vấn đề sở hữu trí tuệ và cách thức hành vi xử thế liên quan đến các vấn đề sở hữu trí tuệ.
Để hỗ trợ cho hoạt động xác lập, thực thi và khai thác quyền sở hữu trí tuệ, trong những năm qua, Việt Nam đã tăng cường hoạt động đào tạo, nâng cao nhận thức của công chúng cũng như các chủ thể sở hữu trí tuệ, nâng cao kiến thức và kỹ năng cho cán bộ cơ quan quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ. Đến hết tháng 11/2022, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội là 12.194 đơn (chiếm 34,6% và đứng đầu cả nước). Số lượng bằng/giấy chứng nhận sở hữu công nghiệp đã được cấp đến hết tháng 11/2022 trên địa bàn thành phố là 10.326 (chiếm 33% và đứng thứ hai cả nước).
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Hiện nay, Hà Nội đang thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố đến năm 2030 với nhiều nội dung quan trọng như: Đẩy mạnh việc bảo hộ, quản lý và phát triển các tài sản trí tuệ; gia tăng công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế; thúc đẩy việc bảo hộ và ứng dụng các sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng mới…
“Quyền sở hữu trí tuệ chính là công cụ đắc lực, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho sự phát triển của các doanh nghiệp, các chủ thể quyền khác trong nền kinh tế thị trường. Việc nhận thức đúng đắn về vai trò của sở hữu trí tuệ chính là bước đi đầu tiên vững chắc trên con đường sáng tạo thay đổi thế giới” – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.
Ngày 26/4 hàng năm được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) lấy làm “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới”. Mỗi năm, WIPO lại lựa chọn một chủ đề riêng cho Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới. Năm 2023, WIPO đã công bố chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới là “Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo”. Thông điệp của Ngày Sở hữu trí tuệ năm nay đề cao sức sáng tạo của phụ nữ và khuyến khích phụ nữ tìm hiểu và sử dụng hiệu quả công cụ sở hữu trí tuệ.