Số doanh nghiệp tại Đức phá sản tăng mạnh
Số doanh nghiệp tại Đức phá sản trong tháng 10/2024 tăng 22,9% so với cùng kỳ năm ngoái, do những khó khăn liên tục của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) ngày 21/11 công bố báo cáo cho thấy, trừ tháng 6/2024, số doanh nghiệp mất khả năng thanh toán hàng tháng đã tăng ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước kể từ tháng 6/2023.
Vào tháng 8/2024, Đức ghi nhận trung bình 5,1 vụ phá sản trên 10.000 doanh nghiệp, trong đó lĩnh vực vận tải và kho bãi bị ảnh hưởng nặng nề nhất với tỷ lệ 9,2 vụ phá sản trên 10.000 doanh nghiệp, tiếp theo là lĩnh vực khách sạn với tỷ lệ 7,8.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức cho biết, nhu cầu trong nước và nước ngoài giảm, chi phí năng lượng và lao động cao cũng như gánh nặng thuế và tình trạng quan liêu đang ảnh hưởng đến triển vọng tài chính và kinh doanh.
Điều này có nghĩa tăng trưởng của kinh tế Đức tiếp tục tụt hậu so với quốc tế. Trong năm nay, Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức dự kiến GDP của nước này sẽ giảm 0,1% theo giá trị thực và phục hồi nhẹ ở mức 0,4% trong năm tới. Tỷ lệ lạm phát dự kiến ở mức 2,2% trong năm nay và 2,1% trong năm tới.
Theo chuyên gia Monika Schnitzer, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức, đã có những thất bại về chính trị và kinh tế trong những năm và thập kỷ gần đây tại Đức. Điều này khiến việc kiên quyết thúc đẩy quá trình hiện đại hóa trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Theo báo cáo, trong năm nay, cả sản lượng và giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất đều sẽ giảm. Khối lượng đầu tư cũng giảm. Đồng thời, sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu không dẫn đến sự gia tăng xuất khẩu ở mức thông thường. Mặc dù tiền lương thực tế tăng đáng kể trong năm 2023 và 2024 nhưng cho đến nay, mức độ tiêu dùng của các hộ gia đình tại Đức chỉ tăng nhẹ.
Chuyên gia Martin Werding, thành viên Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức, nhận định sự phát triển kinh tế ở Đức yếu hơn đáng kể so với các nền kinh tế tiên tiến khác. Ở Mỹ, GDP đã cao hơn 12% so với mức ngay trước cuộc khủng hoảng COVID-19; ở Khu vực đồng euro, con số này là 4%. Trong khi đó, GDP của Đức trong năm tới được dự báo sẽ chỉ tương đương với thời điểm ngay trước đại dịch.
Còn theo kết quả cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg, các nhà kinh tế đã từ bỏ hy vọng rằng Đức sẽ tránh được tình trạng giảm tăng trưởng trong năm thứ hai liên tiếp. Theo kết quả cuộc khảo sát này, GDP của đầu tàu kinh tế châu Âu ước giảm 0,1% trong năm 2024, sau khi suy giảm 0,3% vào năm 2023. Kết quả này tương tự với dự báo mà khảo sát thu thập được vào tháng trước.
Đối với năm 2025, các nhà kinh tế đã điều chỉnh dự báo cả năm xuống còn 0,7% từ mức 0,8%. Năm 2026, họ kỳ vọng tăng trưởng đạt 1,3% - không thay đổi so với vòng khảo sát trước.
Do tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài, các công ty ở Đức đang hạn chế tuyển dụng nhân viên mới ở mức thấp nhất trong hơn 4 năm qua.
Chỉ số việc làm của Viện nghiên cứu Ifo Munich đã giảm từ mức 94 điểm trong tháng Chín xuống mức 93,7 điểm trong tháng Mười. Đây là giá trị thấp nhất kể từ tháng 7/2020, khi đại dịch COVID-19 ập đến.
Người đứng đầu cuộc khảo sát của Viện Ifo, ông Klaus Wohlrabe, nhận xét: “Tình hình trên thị trường lao động đã phát triển theo chiều hướng tiêu cực trong nhiều tháng, không mạnh nhưng liên tục. Các công ty không sa thải nhân viên nhưng có nhiều khả năng không tuyển dụng nhân viên mới”.
Tình hình việc làm diễn biến khác nhau trong mỗi khu vực kinh tế. Trong lĩnh vực công nghiệp, việc làm tiếp tục giảm do có ít đơn đặt hàng hơn nên cần ít nhân viên hơn. Lĩnh vực thương mại cũng có diễn biến tương tự, mặc dù chỉ số có tăng nhẹ.
Trong số các nhà cung cấp dịch vụ và trong ngành xây dựng, kết quả khảo sát không tương đồng, tỷ lệ trả lời tích cực và tiêu cực hiện gần ngang nhau. Trong khi đó, ngành du lịch và công nghệ thông tin vẫn tiếp tục tuyển dụng thêm nhân viên mới.
Nền kinh tế Đức đang để lại những dấu hiệu suy yếu rõ rệt trên thị trường lao động. Số người thất nghiệp chỉ giảm 16.000 xuống còn 2,791 triệu người trong tháng Mười. Người đứng đầu Cơ quan Việc làm Liên bang Đức, bà Andrea Nahles, cho biết: “Sự phục hồi thường thấy trong mùa Thu trên thị trường lao động hầu như không có trong năm nay”.
Theo hầu hết dự báo của các chuyên gia, nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể sẽ suy giảm lần thứ hai liên tiếp trong năm nay.