Sẽ xử phạt nhà thuốc có hành vi lợi dụng, tăng giá bán thuốc chữa cảm cúm

Theo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, hiện nay vẫn bảo đảm cung ứng đủ thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir chữa cảm cúm ra thị trường nên người dân đừng quá hoang mang, mua thuốc để dự trữ. Cơ quan quản lý sẽ xử phạt đơn vị có hành vi lợi dụng, tăng giá.

Thuốc Tamiflu chữa cảm cúm vẫn bình ổn giá.

Thuốc Tamiflu chữa cảm cúm vẫn bình ổn giá.

Theo Bộ Y tế, số ca mắc cúm đã có sự gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong dịp Tết Nguyên đán 2025, nhưng chưa có đột biến so với các năm trước. Trong đó, các chủng virus cúm phổ biến là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền rất cao trong cộng đồng, thường ghi nhận chùm ca hoặc vụ dịch. Bệnh do virus cúm gây ra, với hai nhóm phổ biến gồm A (chiếm khoảng 75% ca bệnh) và B (chiếm khoảng 25%). Mầm bệnh có thể tồn tại hàng giờ ở bên ngoài môi trường, đặc biệt lâu hơn ở nhiệt độ lạnh, môi trường ẩm thấp. Từ 0 đến 4 độ C, virus có thể sống trong vòng vài tuần. Ở âm 20 độ C và đông khô, virus có thể sống đến vài năm.

Triệu chứng ban đầu của cúm gồm sốt, ho, đau họng, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi và có thể phục hồi sau 2-7 ngày, dễ nhầm lẫn với triệu chứng cảm lạnh thông thường. Vì vậy, người dân còn chủ quan cho rằng bệnh nhẹ, làm chậm trễ thời gian phát hiện và điều trị.

Trong khi bệnh có thể trở nặng và gây tử vong khi virus xâm lấn các cơ quan gây viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, nhiễm trùng huyết. Các nhóm như người từ 65 tuổi trở lên, thai phụ, trẻ nhỏ, người có bệnh nền như tim mạch, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, suy thận, đái tháo đường… có nguy cơ cao trở nặng hơn.

Trước sự gia tăng của ca mắc cúm, nhiều người có tâm lý mua thuốc Tamiflu tích trữ. Trên các trang mạng xã hội, nhiều người cũng rao bán thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir là hàng nhập xách tay... Điều này gây ra tâm lý hoang mang cho người dân, dẫn tới khả năng tích trữ không cần thiết, gây ra khan hiếm thị trường cung ứng cho người thật sự cần thiết.

Theo ghi nhận của phóng viên tại một nhà thuốc ở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội, hiện thuốc Tamiflu có giá bán ổn định không tăng so với trước. Chị T.H (chủ nhà thuốc) cho biết: "Năm ngoái có tình trạng khan hiếm thuốc Tamiflu, nhưng năm nay thì giá cả rất ổn định, việc nhập hàng cũng sẵn và cũng không có nhiều người mua tích trữ như trước".

Tuy nhiên, tại một số nhà thuốc khác, đã có tình trạng khan hiếm thuốc Tamiflu. Một hàng thuốc trên phố Lò Đúc (Hà Nội) cho biết, đã hết thuốc Tamiflu, muốn mua phải đặt trước, giá 65.000 đồng/viên. Tại nhà thuốc Long Châu (Thụy Khuê, Hà Nội) cũng hết Tamiflu, chỉ còn loại tương tự điều trị cúm là Flustad 75 do Việt Nam sản xuất, giá bán 16.500 đồng/viên.

Trước thực trạng này, đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế khẳng định, các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir để điều trị cúm A hiện vẫn bảo đảm về nguồn cung.

Đối với thuốc Tamiflu, theo thông tin từ công ty nhập khẩu, hiện tại số lượng thuốc tồn kho là hơn 10.000 hộp, công ty vừa xuất bán cho công ty phân phối hơn 30.000. Sắp tới công ty có kế hoạch nhập khẩu thêm khoảng 50.000 hộp. Trong nước cũng sản xuất và cung ứng thuốc chứa Oseltamivir, hiện đang có trên 300.000 viên.

Đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế nhấn mạnh: Oseltamivir là thuốc kê đơn. Theo quy định tại khoản 28 Điều 2 Luật Dược, thuốc kê đơn khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe.

"Người dân không nên quá hoang mang, mua thuốc để dự trữ mà chỉ mua thuốc để sử dụng sau khi được khám, kê đơn thuốc", đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế khuyến cáo.

Cũng theo cơ quan này, hiện giá bán buôn các thuốc chứa Oseltamivur đang vẫn giữ nguyên. Tất cả các hành vi lợi dụng, tăng giá bán nhằm trục lợi sẽ bị xử phạt theo khoản 4 Điều 15 Nghị định 87/2024/NĐ-CP ngày 12/7/2024 với số tiền phạt từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với cá nhân; đối với tổ chức, mức phạt tăng gấp 2 lần theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định này; Ngoài ra, theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Nghị định 87/2024/NĐ-CP, các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm này còn bị buộc phải khắc phục hậu quả, cụ thể, phải trả lại cho khách hàng số tiền đã thu lợi từ hành vi vi phạm hành chính.

Để chủ động về nguồn cung thuốc Cục Quản lý Dược đã có các văn bản chỉ đạo yêu cầu các đơn vị chủ động về nguồn cung, không được găm hàng tăng giá số 3847/QLD-KD ngày 02/12/2024 và số 414/QLD-KD ngày 7/2/2025.

Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn theo dõi sát tình hình dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm; tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung ứng và sử dụng thuốc, bảo đảm thuốc được phân phối hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Trước tình hình dịch cúm diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương ở phía bắc, Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở y tế phải lập kế hoạch dự trữ và mua sắm thuốc điều trị cúm, đặc biệt là các thuốc kháng virus, bảo đảm sẵn sàng và cung ứng kịp thời thuốc điều trị bệnh cúm và việc sử dụng này phải hợp lý, tránh lạm dụng thuốc kháng virus để hạn chế nguy cơ kháng thuốc.

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/se-xu-phat-nha-thuoc-co-hanh-vi-loi-dung-tang-gia-ban-thuoc-chua-cam-cum-post859371.html
Zalo