Sinh viên làm thêm: Cân bằng giữa học và làm

Cân bằng giữa học và làm thêm luôn là một thách thức không nhỏ đối với nhiều sinh viên. Các bạn ấy có thể duy trì được hiệu quả học tập khi phải đối mặt với áp lực từ công việc làm thêm hay không mới là chuyện đáng bàn.

Cân bằng giữa học và làm thêm luôn là một thách thức không nhỏ đối với nhiều sinh viên. Ảnh: Bảo Minh

Cân bằng giữa học và làm thêm luôn là một thách thức không nhỏ đối với nhiều sinh viên. Ảnh: Bảo Minh

Việc làm thêm của sinh viên vừa đáp ứng chi tiêu cá nhân, chi phí học tập, giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình cũng vừa là cách để họ có được những trải nghiệm thực tế trước khi ra trường. Do vậy, việc sinh viên đi làm thêm đã không còn quá xa lạ nữa.

LÀM THÊM ĐỂ CÓ THÊM NHIỀU KỸ NĂNG

Bạn Lê Linh Thư, sinh viên năm cuối, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, hiện đang làm thêm tại một quán cà phê. Cô bắt đầu việc này từ năm hai đại học. Với Thư việc đi làm thêm không chỉ để kiếm thêm thu nhập phục vụ cho cuộc sống và đam mê cá nhân, mà còn để tự rèn luyện và phát triển các kỹ năng mềm như giao tiếp và làm việc nhóm. Là một người hướng nội, Thư đã tìm đến công việc làm thêm như một cách để mở rộng khả năng giao tiếp và chuẩn bị tốt hơn cho sự nghiệp tương lai.

Nhờ làm thêm, Thư đã học được rất nhiều kỹ năng quan trọng. Đó là kỹ năng quản lý thời gian khi có nhiều việc cần làm một lúc; kỹ năng giao tiếp khi gặp những khách hàng khó tính, kỹ năng chịu đựng áp lực trước công việc. Thư chia sẻ đầy tự tin rằng: "Những kỹ năng này không chỉ hữu ích trong công việc hiện tại mà còn rất có giá trị cho sự nghiệp tương lai của mình".

Dù vậy, Thư cũng thừa nhận rằng việc cân bằng giữa học tập, làm việc và niềm đam mê cá nhân là một thử thách không hề dễ dàng. Ngoài việc đi học vào buổi sáng và làm thêm vào buổi chiều, cô còn tham gia các buổi tập nhảy vào buổi tối mà Thư coi đó là niềm vui cuối ngày của mình.

Thư cho biết: "Mình luôn phải chạy đua với thời gian để hoàn thành các bài tập nhưng cũng vẫn phải đảm bảo hiệu quả công việc tại quán cà phê". Để duy trì được hiệu suất trong mọi hoạt động, sinh viên cần phải có sự phân chia thời gian hợp lý và phải có sức khỏe tốt để có thể xử lý được khối lượng công việc và bài tập đó.

Bàn về chuyện sinh viên đi làm thêm, Thạc sĩ Vũ Thị Phương Dung, giảng viên tại trường Đại học Ngoại Thương, cho rằng việc làm thêm là một hoạt động rất hữu ích và cần thiết đối với sinh viên. Điều này giúp họ có thêm trải nghiệm thực tế, hiểu rõ hơn về giá trị của đồng tiền đồng thời phát triển những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Việc làm thêm giúp sinh viên cải thiện kỹ năng giao tiếp, làm quen với các mối quan hệ mới, và học cách đối mặt với những tình huống xã hội khác nhau. Những trải nghiệm này không chỉ giúp sinh viên tự tin hơn mà còn góp phần quan trọng vào sự trưởng thành và phát triển cá nhân của họ.

LÀM THÊM- CẦN ĐỊNH HƯỚNG TỪ NHÀ TRƯỜNG

Tuy nhiên, Thạc sĩ Vũ Thị Phương Dung cũng cảnh báo về những mặt trái mà việc làm thêm có thể mang lại. Theo cô Dung, có hai trường hợp xảy ra khi sinh viên đi làm thêm: Thứ nhất là, nếu sinh viên làm thêm với mục đích trải nghiệm là chủ yếu, dành phần lớn thời gian cho việc học thì kết quả học tập của họ thường rất tốt.

Thạc sĩ Vũ Thị Phương Dung, giảng viên tại trường Đại học Ngoại Thương. Ảnh: Bảo Minh

"Vai trò của nhà trường rất quan trọng trong việc hướng dẫn sinh viên cân bằng giữa học và làm. Nhà trường định hướng, chia sẻ thông tin để giúp sinh viên nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc học tập, từ đó tránh những sai lầm đáng tiếc như nghỉ học hoặc bỏ lỡ những cơ hội nghề nghiệp tốt trong tương lai chỉ vì không hoàn thành việc học đại học.

Thứ hai, nếu sinh viên làm thêm quá nhiều giờ (trên 20 giờ một tuần) để có thu nhập tốt thì sẽ rất mệt mỏi dẫn đến nguy cơ bỏ bê học hành, thậm chí phải đối mặt với việc học lại hoặc thi lại, ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập.

Cô Dung cũng dẫn ra câu chuyện thực tế mà cô gặp, đó là trường hợp một sinh viên có điểm IELTS cao từ năm thứ nhất và được các trung tâm tiếng Anh mời giảng dạy với mức lương hấp dẫn. Vì quá tập trung vào việc làm thêm nên bạn ấy bỏ bê việc học hành và hậu quả phải nhận cảnh báo học tập.

Và một trường hợp khác là bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, bố, mẹ mất và hiện bạn đang sống với bà. Do hoàn cảnh khó khăn nên bạn ấy phải cố sức làm thêm nên sức khỏe suy kiệt phải nằm viện. Bình thường hay đi học muộn thậm chỉ nghỉ cả học nên kết quả học tập rất tồi nguy cơ thiếu hụt về tài chính lại càng lớn. Trong khi bạn ấy có đủ năng lực học tập tốt để ứng tuyển vào các suất học bổng của trường.

Theo cô Dung, bất kỳ công việc nào làm thêm nào mà pháp luật không cấm cũng mang lại những bài học nhất định, tùy thuộc vào cách sinh viên tiếp cận và học hỏi từ công việc đó. Tuy nhiên, "việc học ở trường đại học là giai đoạn quan trọng khó có thể quay trở lại nên phải được ưu tiên hàng đầu. Khi đi làm thêm sinh viên nên cố gắng sắp xếp thời gian sao cho hợp lý giữa học và làm".

Cô Dung cũng nhấn mạnh tới vai trò của nhà trường trong việc hướng dẫn sinh viên cân bằng giữa học và làm. Nhà trường định hướng, chia sẻ thông tin để giúp sinh viên nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc học tập, từ đó tránh những sai lầm đáng tiếc như nghỉ học hoặc bỏ lỡ những cơ hội nghề nghiệp tốt trong tương lai chỉ vì không hoàn thành việc học đại học.

Bảo Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/sinh-vien-lam-them-can-bang-giua-hoc-va-lam.htm
Zalo