Sự trưởng thành của CBCS lực lượng Công an khi được giáo dục đào tạo ở miền Bắc

Việc thành lập hệ thống các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là một chủ trương lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Qua đó, đã ươm mầm thành công những 'hạt giống đỏ' trở thành đội ngũ cán bộ 'vừa hồng, vừa chuyên' cho đất nước, trong đó có đội ngũ CBCS lực lượng CAND.

Nguồn lực tiềm năng bổ sung đối với lực lượng Công an

Từ 1954 - 1975, công tác chăm sóc, bồi dưỡng, giáo dục và đào tạo cho con em đồng bào miền Nam đã được thực hiện một cách đồng bộ, bài bản với việc hình thành các hệ thống trường từ mầm non cho đến tốt nghiệp THPT của học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Cùng với tầm nhìn chiến lược về con người của Đảng, của Bác Hồ, cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn và lãnh đạo Bộ Công an lúc bấy giờ cũng đã sớm nhận thấy học sinh miền Nam là lực lượng tiềm năng, nhằm bổ sung nguồn lực đối với lực lượng Công an trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cũng như bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội cho miền Nam sau ngày giải phóng nói riêng và đất nước nói chung.

Trung tướng Lê Ngọc Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Bộ Công an, cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Trung tướng Lê Ngọc Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Bộ Công an, cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Tháng 8 năm 1963, lần đầu tiên, Bộ Công an tiến hành tuyển lựa chọn số học sinh phổ thông từ các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc nhằm đào tạo cho An ninh miền Nam. Đến năm 1964, lãnh đạo Bộ Công an thời điểm đó đã quyết định chuyển từ chủ trương đào tạo ngắn hạn số học sinh miền Nam sang đào tạo lâu dài để trở thành lực lượng Công an cho miền Nam và cho cả nước sau ngày toàn thắng.

Công tác tuyển chọn học sinh miền Nam vào lực lượng Công an tiếp tục được Bộ Công an dành sự quan tâm cho đến năm 1975. Đặc biệt, năm 1971, cuộc kháng chiến chống Mỹ căng thẳng, việc tăng cường lực lượng cho An ninh miền Nam trở nên cấp bách, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã thành lập Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ An ninh miền Nam (lấy tên E1171). Một trong những nhiệm vụ của trường lúc bấy giờ là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ An ninh miền Nam để chi viện cho chiến trường, trong đó có một bộ phận đào tạo phổ thông cho học sinh (là con em cán bộ miền Nam) và các chiến sĩ trẻ của An ninh miền Nam (E51, E52).

Trong bối cảnh chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc diễn ra ác liệt, vô vàn khó khăn về đời sống, song công tác chăm sóc, giáo dục và đào tạo đối với học sinh miền Nam luôn được ưu tiên. Tất cả với tinh thần vì miền Nam ruột thịt. Những bài học về mô hình giáo dục của trường học sinh miền Nam trên đất Bắc vẫn còn nguyên giá trị. Điều đó minh chứng bởi sau đó, các thế hệ học sinh miền Nam đã trở thành những người cán bộ Công an "vừa hồng, vừa chuyên", đều giữ vị trí và cương vị lãnh đạo trong lực lượng từ cấp Bộ cho đến địa phương. Sự trưởng thành và cống hiến của những học sinh miền Nam trong lực lượng Công an đã minh chứng về sự thành công và cần thiết về chiến lược trồng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 70 năm.

Những "hạt giống đỏ" của đồng bào miền Nam trưởng thành

Rất nhiều học sinh miền Nam đã trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an. Trong quá trình sưu tầm tư liệu bài viết này, chúng tôi đã có dịp trao đổi và ghi nhận được những suy nghĩ và kỷ niệm của một số đồng chí là cán bộ Công an từng là học sinh miền Nam học tập trên đất Bắc ngày ấy.

Người đầu tiên chia sẻ với chúng tôi là Trung tướng Lê Ngọc Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Bộ Công an, đã trưởng thành dưới mái trường Đông Triều, Quảng Ninh. Đó là cuối năm 1968, đầu năm 1969, khi ấy ông 15 tuổi. Trải qua hơn 3 tháng trời ròng rã đi bộ vượt Trường Sơn dưới hiểm nguy bom đạn, cậu bé Lê Ngọc Nam có mặt an toàn tại miền Bắc để thực hiện nhiệm vụ học tập. Với ông, đây là mệnh lệnh, bởi trước đó, ông đang là chiến sĩ trinh sát tại Ban An ninh Quảng Đà, giao liên văn phòng Thị ủy thị xã Hội An.

Những năm tháng học dưới mái trường Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, chàng thiếu niên Lê Ngọc Nam có vô vàn kỷ niệm đáng nhớ… Đặc biệt, có một kỷ niệm đã hun đúc trong ông ước mơ quyết tâm trở thành chiến sĩ và sau này trong mỗi dấu mốc của quá trình chiến đấu, công tác, từ một Thiếu úy trở thành sĩ quan cấp Tướng, ông luôn nhớ lại: "Lúc bấy giờ, ở trường học sinh miền Nam Đông Triều, hàng năm tổ chức cuộc hành quân dã ngoại theo chân Bộ đội cụ Hồ (gọi là tập làm chiến sĩ QĐND Việt Nam). Chia thành các khối Tiểu đội, Trung đội, Đại đội, Tiểu đoàn, Trung đoàn đi hành quân khoảng 30km đến 40km. Tôi được thầy giáo chủ nhiệm phong cấp bậc hàm Thiếu úy. Suốt đêm, anh em bọn tôi cứ ngồi kì cạch làm quân hàm bằng giấy, đeo lên ve áo mà quần áo giống như bộ đội để sáng sớm đi hành quân. Tôi cứ ước mơ trở thành một chiến sĩ thực sự và là động lực để tôi phấn đấu. Sau này, tôi được vào ngành Công an, trở thành chiến sĩ Công an, rèn luyện từ người chiến sĩ, cho đến sĩ quan cấp Tướng trong lực lượng CAND. Mỗi lần thăng cấp bậc hàm, tôi luôn nhớ đến quân hàm Thiếu úy bằng giấy ngày đó".

Thiếu tướng Đỗ Việt Thắng, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Thiếu tướng Đỗ Việt Thắng, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Sau 10 năm vượt tuyến lửa để ra Bắc học tập, trong đó 5 năm dưới mái trường học sinh miền Nam và 5 năm rèn luyện tại Trường Đại học An ninh (nay là Học viện An ninh nhân dân), ước mơ đã trở thành hiện thực, cậu bé giao liên Lê Ngọc Nam trở thành chiến sĩ CAND. Ông nhận nhiệm vụ công tác tại Công an tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia và sau đó đảm nhận các vị trí lãnh đạo như: Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND.

Được lệnh ra Bắc học tập vào cuối năm 1969, Thiếu tướng Đỗ Việt Thắng, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cũng là một trong số học sinh miền Nam vượt dãy Trường Sơn, đi bộ hơn 3 tháng để ra tới Hà Nội. Những ấn tượng năm tháng sống, học tập ở miền Bắc, đến nay người chiến sĩ đó chưa bao giờ quên, trở thành động lực để Thiếu tướng Đỗ Việt Thắng cùng hàng vạn học sinh miền Nam ngày ấy không ngừng nỗ lực phấn đấu. "Nhờ quá trình học tập gần 9 năm ở miền Bắc đã làm tôi thay đổi cơ bản. Từ người ở nông thôn mò cua, bắt ốc, trở thành sĩ quan An ninh chuyên nghiệp, có trình độ chính trị, nghiệp vụ, nhận thức về xã hội; có thể đảm đương được những trọng trách ở địa phương"- Thiếu tướng Đỗ Việt Thắng cho biết.

Từ trường học sinh miền Nam, nhiều học sinh đã được Bộ Công an tuyển chọn, đưa về các trường Công an để đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ của ngành. Đây là hành trang quý giá để tôi rèn những "hạt giống đỏ" trở thành người chiến sĩ Công an trung thành, bản lĩnh và trí tuệ. Theo từng năm, Bộ Công an tăng cường công tác giáo dục đào tạo đối với học sinh miền Nam với việc tiếp tục tuyển chọn thêm nhiều em vào lực lượng Công an, trong đó có học sinh miền Nam là người các dân tộc.

Với Đại tá Đinh Hoài Bắc, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi, đến ngày hôm nay ông luôn có suy nghĩ, quãng thời gian được học tập ở trường học sinh miền Nam là điều may mắn nhất của cuộc đời và thắp sáng trong ông, ước mơ trở thành một người chiến sĩ CAND. Đại tá Đinh Hoài Bắc nhớ lại: "Sau đó, tôi được tuyển chọn vào học khóa 7 của Trường Đại học An ninh (nay là Học viện An ninh nhân dân). Có thể nói trong suốt 5 năm được rèn luyện ở nhà trường đã huấn luyện cho chúng tôi nhiều kiến thức chính trị, kinh tế, pháp luật, nghiệp vụ tương đối toàn diện. Đây chính là nền tảng tri thức để chúng tôi vận dụng vào hoạt động thực tiễn trong chiến đấu và làm việc sau này".

Sự trưởng thành và cống hiến của những học sinh miền Nam trong lực lượng Công an đã minh chứng sự thành công và cần thiết về chiến lược trồng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, của Chính phủ. Bất cứ ở giai đoạn nào, cương vị nào thì những năm tháng học tập tại miền Bắc luôn có ý nghĩa đặc biệt, là hành trang, là vốn liếng quý giá đối với CBCS CAND những học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Minh Hiền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cong-an/su-truong-thanh-cua-cbcs-luc-luong-cong-an-khi-duoc-giao-duc-dao-tao-o-mien-bac-i748327/
Zalo