Sinh viên chiếm đóng 22 trường học khắp châu Âu, trường phải 'cầu cứu' cảnh sát
22 cơ sở giáo dục ở nhiều thành phố khác nhau trên toàn châu Âu đã buộc phải đóng cửa sau khi sinh viên chiếm đóng.
Một làn sóng phản đối của sinh viên đang diễn ra tại các trường đại học trên châu Âu để yêu cầu các nhà chức trách hành động đối với vấn đề biến đổi khí hậu.
Các sinh viên đã chiếm đóng 22 cơ sở giáo dục khắp châu lục trong vòng một tháng, theo The Guardian.
Ở Đức, các trường đại học ở 7 TP Wolfenbüttel, Magdeburg, Münster, Bielefeld, Regensburg, Bremen và Berlin đã bị chiếm đóng. Ở Tây Ban Nha, các sinh viên theo học tại ĐH Autònoma de Barcelona đã chiếm giảng đường để tổ chức các buổi giảng dạy về khủng hoảng khí hậu.
Ở Bỉ, 40 sinh viên chiếm đóng ĐH Ghent. Tại Cộng hòa Séc, khoảng 100 sinh viên biểu tình đã cắm trại bên ngoài trụ sở của Bộ Thương mại và Công nghiệp nước này. Ở Vương quốc Anh, các hành động tương tự đang được tiến hành tại các ĐH Leeds, Exeter và Falmouth.
Những hành động cấp tiến nhất đã diễn ra ở thủ đô Lisbon, Bồ Đào Nha. Sinh viên chiếm đóng 7 trường học và 2 trường đại học. Vào thứ Năm (4/5/2023), một trường THPT buộc phải đóng cửa sang ngày thứ ba sau sự chiếm đóng của học sinh, trong khi các sinh viên tại Khoa Nhân văn của Đại học Lisbon đã tạo rào chắn trong văn phòng của hiệu trưởng.
Những người trẻ Bồ Đào Nha cũng cùng nhau phong tỏa đường phố Lisbon để đồng bộ cùng hành động chiếm đóng trường học. Dù vấp phải những phản ứng gay gắt từ các giáo viên và nhà trường đã gọi cảnh sát, nhưng những sinh viên này vẫn quyết tâm thực hiện hành động triệt để của mình kéo dài từ tuần trước.
Các cuộc phong tỏa và chiếm đóng của sinh viên châu Âu là một phần của chiến dịch mở rộng dưới biểu ngữ “End Fossil: Occupy!" ("Kết thúc việc sử dụng hóa thạch: Hãy chiếm đóng!”), nhằm mục đích thúc đẩy phong trào bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Được biết, hàng loạt các cuộc vận động tương tự đã từng diễn ra mạnh mẽ vào năm 2019.
Tuyên bố của chiến dịch có nội dung: "Chiến dịch End Fossil: Occupy! đang thực hiện các hành động làm cho phong trào khí hậu của giới trẻ trở nên cấp tiến hơn thông qua các chiến thuật và yêu cầu. Thay vì tổ chức các cuộc đình công, chúng tôi thực hiện chiếm đóng. Chúng tôi yêu cầu kết thúc nền kinh tế dựa trên năng lượng hóa thạch và lắng nghe khoa học. End Fossil: Occupy! đang làm sống lại phong trào khí hậu của giới trẻ, điều này chưa từng được thấy kể từ năm 2019".
Các nhà tổ chức tuyên bố rằng làn sóng phản đối trước đây đã thúc đẩy trường đại học của Barcelona đưa kiến thức về tình trạng khẩn cấp về khí hậu và sinh thái thành học phần bắt buộc đối với tất cả sinh viên.
Các nhà tổ chức mong muốn rằng làn sóng mới nhất sẽ tái hiện và khơi gợi lại tinh thần cấp tiến của sự kiện Tháng 5 năm 1968, khi các sinh viên đại học ở Paris (Pháp) tổ chức các cuộc biểu tình chống chủ nghĩa đế quốc và nhận được sự ủng hộ đình công của các công nhân, tạo ra một làn sóng nổi dậy trên khắp châu Âu.
“Chúng tôi bắt đầu với tư cách là sinh viên chiếm giữ các trường học và trường đại học, nhưng chúng tôi cần toàn xã hội cùng hành động triệt để với chúng tôi để chấm dứt nhiên liệu hóa thạch. Chỉ khi một phong trào quần chúng có sự tham gia của toàn xã hội nhằm ngăn chặn kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch, chúng ta mới có thể thực sự thay đổi hệ thống", người tham gia chiến dịch cho biết.
Trước đó, từ tháng 9-12/2022, 50 trường học và trường đại học trên khắp thế giới đã bị chiếm đóng để trong chiến dịch kêu gọi kết thúc việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch.
Tính hợp pháp của việc sinh viên chiếm giữ các trường học và đại học ở Châu Âu có thể khác nhau tùy thuộc vào quốc gia và hoàn cảnh cụ thể. Ở một số quốc gia, chiếm đóng có thể được coi là một hình thức bất tuân dân sự và có thể phải chịu hậu quả pháp lý. Tuy nhiên, ở các quốc gia khác, chẳng hạn như Pháp và Tây Ban Nha, việc chiếm đóng từ trước đến nay được coi là một hình thức phản đối hợp pháp và được bảo vệ theo luật.